Theo chuyên gia pháp y Zafarina Zainuddin, xét nghiệm ADN không phải là bằng chứng duy nhất để nhận dạng con người, đặc biệt nếu cơ thể của nạn nhân vẫn chưa phân hủy.
Bà bình luận về khả năng dùng bằng chứng thứ cấp để xác định danh tính người đàn ông mang hộ chiếu Kim Chol nếu thân nhân không xuất hiện để cung cấp mẫu ADN.
"Chúng ta không cần phải làm xét nghiệm ADN khi có thể xác định danh tính nạn nhân bằng cách sử dụng các phương pháp nhận dạng vật lý”, bà nói.
Tiến sĩ Zafarina cho biết nhận dạng pháp y thường có ba cấp độ: nhận dạng khuôn mặt của nạn nhân, nhận dạng răng, các vết bớt đặc trưng mà thành viên gia đình của nạn nhân có thể xác thực.
Chuyên gia này cho hay nếu tất cả các phương pháp trên đều thất bại thì mới phải thử ADN. "Thử ADN không phải là phương pháp cơ bản để nhận dạng thi thể, đặc biệt trong trường hợp thi thể vẫn nguyên vẹn và có thể nhận dạng".
Bức ảnh đăng trên tài khoản Facebook có tên Kim Chol, chụp tại Macau, Trung Quốc. Người đàn ông trong ảnh được cho là Kim Jong Nam. Ảnh: Facebook. |
Tiến sĩ Geshina Ayu Mat Saat, chuyên gia tội phạm học và tâm lý học tại Đại học Khoa học Malaysia, cho biết Khoản 63 và 65 của Đạo luật về Bằng chứng năm 1950 quy định các bằng chứng thứ cấp sẽ được sử dụng tại tòa trong các trường hợp cụ thể.
“Có thể sử dụng bằng chứng thứ cấp nếu nguồn gốc (của tài liệu hoặc thông tin) được công khai và được luật pháp cho phép”, bà cho biết.
Cảnh sát Malaysia cho biết cho tới nay vẫn chưa có thân nhân nào của công dân Triều Tiên chết tại sân bay Kuala Lumpur hôm 13/2 tới nước này giúp nhận dạng thi thể.
Thi thể người đàn ông mang hộ chiếu ngoại giao tên Kim Chol hiện nằm tại Viện Pháp y (IPFN), Bệnh viện Kuala Lumpur. Bình Nhưỡng xác nhận người này là công dân Triều Tiên nhưng phủ nhận đó là Kim Jong Nam, anh trai của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Hệ thống nhận diện khuôn mặt có thể giúp xác nhận thi thể công dân Triều Tiên bị sát hại ở Malaysia mà Bình Nhưỡng phủ nhận là Kim Jong Nam. Đồ họa: New Straits Times - Việt hóa: Ngụy An. |