Giới đầu tư chứng khoán đang xôn xao về một trường hợp cổ phiếu tăng giá đột biến bất chấp sự ảm đạm của thị trường chung, đó là mã chứng khoán CFV của Công ty Cà phê Thắng Lợi đang với chuỗi hàng chục phiên tăng trần liên tiếp.
Kết thúc ngày giao dịch cuối tuần 16/9, mã chứng khoán này vẫn ghi nhận sắc tím khi tăng gần 15% lên mức đỉnh lịch sử tại 91.300 đồng, khối lượng khớp lệnh chỉ 1.864 cổ phiếu.
Lo ngại yếu tố bất thường
Đây đã là chuỗi tăng trần liên tiếp 23 phiên của CFV, từ vùng giá chỉ 4.300 đồng (ngày 12/8) tăng một mạch lên 93.100 đồng, tức gấp hơn 20 lần chỉ sau hơn một tháng giao dịch. Giá trị vốn hóa đã vượt 375 tỷ đồng.
Điều đáng nói là thanh khoản mã chứng khoán này rất thấp do hầu như không có người bán. Mỗi phiên giao dịch chỉ khớp lệnh bình quân 100-300 cổ phiếu, chỉ vài phiên có giao dịch trên 1.000 cổ phiếu.
Cổ phiếu CFV bất ngờ tăng dựng đứng trong hơn một tháng qua. |
Trước biến động bất ngờ của cổ phiếu, lãnh đạo Cà phê Thắng Lợi đã nhiều lần soạn văn bản giải trình vấn đề đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Trong các đơn giải trình thì doanh nghiệp khẳng định không có bất kỳ thông tin có lợi liên quan làm ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu. Ban lãnh đạo cũng không có bất kỳ tác động nào để đẩy giá cổ phiếu và cũng không có giao dịch cổ phiếu CFV trên thị trường chứng khoán.
"Việc cổ phiếu liên tục tăng trần và khối lượng thấp như vậy là rất bất thường, tất cả các phiên tăng trần chỉ có một lệnh đặt mua và bán giá trần trong phiên. Công ty nghi ngờ có một số cá nhân lợi dụng lỗ hổng của thị trường tác động đến giá cổ phiếu vì động cơ cá nhân”, lãnh đạo công ty lo ngại.
Do đó, để đảm bảo giá trị cổ phiếu về đúng giá trị thực, minh bạch thông tin trên thị trường, công ty đề nghị UBCKNN và HNX tiến hành kiểm tra các cá nhân thực hiện giao dịch dẫn tới việc biến động tăng trần bất thường của CFV.
Trước đó, công ty cà phê còn giải thích rằng có thông tin bất lợi về báo cáo tài chính bán niên khi ghi nhận mức lỗ gần 4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Hơn nữa, kiểm toán AFC Việt Nam còn đưa ra các ý kiến ngoại trừ trên báo cáo soát xét bán niên.
Đơn vị kiểm toán xác định CFV chưa được quyết toán chi phí cổ phần hóa với giá trị hơn 1 tỷ đồng và xác định giá trị phần vốn nhà nước để bàn giao sang công ty cổ phần do các vấn đề xử lý các tồn tại tài chính còn vướng mắc.
Công ty cho biết bắt đầu chuyển sang mô hình cổ phần từ ngày 9/10/2019 nhưng vẫn chưa có quyết định phê duyệt quyết toán bàn giao vốn nên chưa có cơ sở để xác nhận số liệu, gồm chi phí cổ phần hóa, tiền thuê đất truy thu giai đoạn 2006 – 2019, tiền nợ phân bón các hộ dân, các chi phí sản xuất kinh doanh dở dang,…
Đối với các khoản này, ngày 1/12/2020, công ty đã làm công văn để báo có các khoản tồn đọng và kiến nghị xử lý khi quyết toán bàn giao vốn nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Cơ cấu cổ đông cô đặc
Cà phê Thắng Lợi tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được thành lập năm 1977 trực thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk, hoạt động chính trong lĩnh vực trồng, khai thác và chế biến kinh doanh cà phê. Công ty có vùng chuyên canh sản xuất tại tỉnh Đắk Lắk.
Công ty có diện tích trồng trọt rất lớn lên đến 2.081 ha tính riêng tại Đắk Lắk, trong đó bao gồm 1.822 ha là đất trồng cây lâu năm, 258 ha đất sản xuất nông nghiệp và 18,63 ha là đất lâm nghiệp.
Trước đây, Cà phê Thắng Lợi thường khoán vườn cà phê cho các hộ nông trường viên cộng với hỗ trợ vốn nên có doanh thu tăng trưởng giai đoạn 2015 – 2016.
Tuy nhiên, sang năm 2017, công ty có sự chuyển đổi từ hoạt động thu mua sang trồng và sản xuất cà phê xuất khẩu, giá cà phê năm đó biến động bất thường nên công ty chỉ bán được trong nội địa nên khiến doanh thu giảm mạnh.
Kết quả năm 2019 lao dốc và thua lỗ trong bối cảnh doanh nghiệp tập trung cho việc cổ phần hóa. Hoạt động trong 2 năm trở lại đây đã có sự tăng trưởng trở lại với doanh số tốt và lợi nhuận cao.
KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA CÀ PHÊ THẮNG LỢI | |||||||||
Nhãn | Năm 2015 | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | 6T/2022 | |
Doanh thu | Tỷ đồng | 187 | 221 | 124 | 188 | 41 | 248 | 352 | 222 |
Lãi sau thuế | Tỷ đồng | 7.9 | 9.6 | 13.2 | 13 | -2.6 | 1.6 | 5.9 | -4 |
Kết quả nửa đầu năm 2022 ghi nhận doanh thu tiếp tục tăng trưởng 6% lên mức 222 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận lại quay đầu với mức lỗ gần 4 tỷ đồng và cách xa hơn mục tiêu lãi 5,9 tỷ đồng trong năm nay.
Hiện công ty cà phê này có vốn điều lệ 126,5 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông rất cô đặc là nguyên nhân chính của việc thanh khoản nhỏ giọt. Hiện UBND tỉnh Đắk Lắk nắm giữ 36% cổ phần và Phạm Thị Linh sở hữu đến 61,36% cổ phần, còn lại 2,64% của cổ đông nhỏ lẻ.
Trong đó bà Linh chính là vợ của Chủ tịch HĐQT Đỗ Hoàng Phúc (sinh năm 1957). Ông Phúc trước đó từng công tác hàng chục năm tại các cơ quan nhà nước như Công an tỉnh Ninh Bình, Sở Giao thông vận tải Ninh Bình trước khi rẽ lối sang kinh doanh.
Vị này còn đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác như Giám đốc CTCP Xuất Nhập khẩu Nam Phương IMEX, Chủ tịch HĐQT Công ty XNK thực phẩm Toàn Cầu và Chủ tịch CTCP Khu Công nghiệp Cái Lân. Hiện ông cũng là Chủ tịch HĐQT Cấp thoát nước Đắk Lắk (Mã: DWC).
Cấp thoát nước Đắk Lắk có vốn điều lệ hơn 315 tỷ đồng. Con trai ông Phúc là Đỗ Hoàng Phương giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT và bà Linh đảm nhận vai trò Thành viên HĐQT. Theo báo cáo quản trị bán niên, gia đình ông Phúc đang nắm hơn 59% cổ phần DWC, trong khi UBND tỉnh chỉ sở hữu 36% vốn.
Với Cà phê Thắng Lợi, không chỉ lo ngại về giá cổ phiếu tăng quá đà, doanh nghiệp này cũng đang có nhiều vướng mắc với người dân nhận khoán đất.
Cụ thể, công ty cho biết tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp khi đại đa số người nhận khoán vẫn chưa hợp tác trong việc thực hiện hợp đồng, thậm chí chống đối không nộp sản lượng giao khoán cũng như tự ý chiếm đoạt cây măng đen trên lô khoán, không gia hạn số diện tích hết hạn...
Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc cũng đã đưa ra xét xử hàng trăm vụ người nhận khoán kiện công ty và đã bác bỏ các yêu cầu khởi kiện vì không có cơ sở, nhưng người nhận khoán vẫn tiếp tục khiếu kiện với mục đích kéo dài thời gian và chây ì trong thực hiện hợp đồng giao khoán.
"Việc nhóm đối tượng cầm đầu, lôi kéo người nhận khoán kiến nghị đòi hỏi chế độ, quyền lợi chỉ là cái cớ, mục đích chính là phá hoại cổ phần hóa doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp phá sản, giải thể, chuyển đất về địa phương và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao cho cá nhân quản lý", báo cáo của CFV ghi.