Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đà Nẵng 'xử' dự án treo, trả bãi biển cho dân

Nhiều dự án ven biển Đà Nẵng đều sở hữu vị trí tuyệt đẹp. Sau khi "rình rang" làm lễ động thổ, các chủ dự án xây dựng tường rào rồi để đó.

Sau nhiều lần ra “tối hậu thư” yêu cầu triển khai nhanh hàng chục dự án du lịch nghỉ dưỡng ven biển nhưng chủ đầu tư vẫn không có động tĩnh gì, mới đây Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì cuộc họp quyết định mạnh tay với các dự án "án binh bất động".

Động thái mạnh mẽ của TP Đà Nẵng mở ra cơ hội lập lại không gian ven biển Đà Nẵng, trả lại bãi biển cho người dân, bởi lâu nay hàng chục dự án san sát nhau kéo dài cả chục km từ khách sạn Furama đến Điện Ngọc khiến dân không còn đường ra biển.

“Xí đất”, vây rào rồi không xây dựng

Theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, hầu hết chủ đầu tư các dự án ven biển Đà Nẵng đều sở hữu vị trí tuyệt đẹp. Sau khi "rình rang" làm lễ động thổ, các chủ dự án xây dựng tường rào rồi để đó.

Nhiều dự án "đứng hình" từ năm này sang năm khác, chủ đầu tư làm "công tác triển khai dự án" bằng việc dựng hàng rào vây quanh dự án để chắn ngang con đường xuống biển. Trong khi đó, người dân thiếu lối đi xuống biển, không gian vui chơi trên bãi biển bị thu hẹp.

UBND TP Đà Nẵng đang muốn lập lại không gian ven biển và quyết tâm xử lý mạnh tay đối với các dự án chậm triển khai hoặc không triển khai xây dựng - Ảnh: Hữu Khá.

UBND TP Đà Nẵng đang muốn lập lại không gian ven biển và quyết tâm xử lý mạnh tay đối với các dự án chậm triển khai hoặc không triển khai xây dựng. 

Hai năm nay, cơ quan chức năng Đà Nẵng sau nhiều lần yêu cầu các đơn vị thực hiện dự án ký cam kết, thậm chí ra “tối hậu thư” cho các dự án ven biển chậm triển khai hoặc không triển khai sẽ bị thu hồi nhưng chủ đầu tư một số dự án ven biển vẫn “phớt lờ”.

Ngày 1/6, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã giao các đơn vị liên quan thanh tra dự án đầu tư và tham mưu UBND TP thực hiện việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án: khu du lịch giải trí Đệ Nhất (8.000m2, 100% vốn nước ngoài), dự án khu du lịch Đệ Nhất (45.000m2), dự án trường dạy nghề lướt ván (800m2), khu thể thao giải trí Huy Khánh (4.000m2, Công ty cổ phần Huy Khánh).

Chị Quỳnh Trang, một người dân Đà Nẵng, cho biết, bãi biển là của chung nhưng không phải lúc nào người dân cũng có quyền được ngắm, được tắm bởi hàng loạt công trình, dự án mọc lên ven biển, vừa che khuất tầm nhìn, che lấp quang cảnh biển, vừa hạn chế việc đi lại.

"Thậm chí có nơi còn rào lại không cho người dân đi vào dù để đó chưa xây dựng. Điều này là không công bằng cho người dân”, chị Trang nói.

Bãi biển Đà Nẵng.

Bãi biển Đà Nẵng.

Kinh hãi dự án "treo", giữ chỗ và bán lại

Theo KTS Tô Văn Hùng - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP. Đà Nẵng, điều bất hợp lý là người dân rất khó tiếp cận với những bãi biển nằm trong các khu resort hay dự án, chỉ có những người trả tiền mới được vào tắm khu vực này.

Có cùng quan điểm này, KTS Phan Đức Hải, Hội Kiến trúc sư TP Đà Nẵng, cho biết, có những khu vực gần như thuộc về riêng các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án, người dân khó lòng đi vào tắm hay vui chơi, tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên.

“Những lợi ích mà thiên nhiên mang đến lại trở thành của riêng một nhóm người, một doanh nghiệp nào đó”, KTS Phan Đức Hải chia sẻ.

KTS Tô Văn Hùng chỉ ra trong quá trình quy hoạch, rừng thông chạy dọc bãi biển gần như đã bị đốn sạch.

“Đó là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tác hại môi trường, đặc biệt mỗi lần bão tới”, KTS Tô Văn Hùng nhận định. Bên cạnh đó, một số làng chài truyền thống ven biển cũng đã bị “xóa sạch” bởi sự mọc lên những dự án, công trình.

Một vấn đề khác, theo KTS Tô Văn Hùng, là thời gian vừa qua có rất nhiều dự án “treo”, cứ “giữ chỗ” nhưng không xây dựng gây lãng phí tài nguyên.

KTS Phan Văn Hải cho biết thêm, có nhiều dự án được cấp phép hoạt động trong một không gian rộng lớn, che chắn hết tầm nhìn. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ chiếm đất để chuyển nhượng qua lại chứ không xây dựng gì.

Về hướng quy hoạch trong thời gian tới, KTS Tô Văn Hùng cho rằng, nên dành nhiều bãi tắm công cộng cho người dân và trả lại không gian cho những làng chài truyền thống.

“Bãi biển là tài sản chung của người dân. Quy hoạch thế nào cũng phải để người dân tận hưởng những gì thiên nhiên mang đến cho họ”, KTS Tô Văn Hùng khẳng định.

Sẽ tiếp tục xử những dự án "đóng băng"

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng giao các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát các vấn đề liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, triển khai thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án tại các dự án: bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng (liên doanh Quốc Cường Gia Lai và Vinacapital) và dự án khu du lịch sinh thái Ghềnh Bàn - Bãi Đa (Công ty cổ phần 79).

Đối với dự án Temple (Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ San Hô): giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài nguyên và môi trường và các đơn vị liên quan kiểm tra việc triển khai dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt, tiến độ triển khai đầu tư xây dựng dự án; tổng mức đầu tư dự án được ghi trong giấy chứng nhận đầu tư được cấp; báo cáo đề xuất việc xử lý dự án theo quy định trong tháng 6-2015.

Đối với các dự án ven biển đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã ký cam kết tiến độ triển khai thực hiện dự án nhưng không triển khai, triển khai chậm như dự án khu du lịch Nam Phát, dự án khu du lịch ven biển của Công ty cổ phần Hòn Ngọc Á Châu, khu du lịch IVC, dự án The Nam Khang, dự án khu du lịch biển của Công ty cổ phần Bắc Nam 79 thì các đơn vị chức năng sẽ tổ chức thanh tra tình hình sử dụng đất, rà soát tiến độ thực hiện dự án như đã cam kết, xử phạt theo quy định.

Trường hợp dự án vẫn không triển khai xây dựng theo quy định, đề xuất việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất theo quy định.

Đối với các dự án ven biển đã ký cam kết tiến độ triển khai thực hiện dự án (chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư) nhưng không triển khai, triển khai chậm như dự án Hoàng Anh Gia Lai của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, dự án khu nghỉ dưỡng ven biển của Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hà Nội Non Nước, tổ hợp khu biệt thự và dịch vụ cao cấp ven biển của Công ty TNHH xây dựng thương mại và dịch vụ 55; dự án Bãi Bụt của Công ty cổ phần Hải Duy; dự án KDL sinh thái, nhà nghỉ, dịch vụ tại bán đảo Sơn Trà của Công ty TNHH du lịch và đầu tư xây dựng Sơn Hải thì các đơn vị liên quan sẽ tổ chức thanh tra tình hình sử dụng đất, xử phạt theo quy định của Luật đất đai năm 2013. 

Đồng thời, Đà Nẵng yêu cầu các cơ quan đề xuất việc thu hồi đất theo quy định; báo cáo tại cuộc họp nghe trước các đồ án quy hoạch kiến trúc tháng 6/2015.

Đối với các dự án đã có chủ trương thu hồi của UBND TP gồm khu du lịch Biển Đông mở rộng (Bãi Rạng) và vệt biệt thự khu nghỉ mát và du lịch sinh thái Bãi Trẹm (Biển Đông Mở rộng), phương án là giao Sở Tài nguyên và môi trường kiểm tra, hoàn thành thủ tục thu hồi đất, dự án theo đúng chủ trương của UBND TP để giao Trung tâm Phát triển quỹ đất TP quản lý.


Sẽ hết chia chác bãi biển của dân?

Bờ biển cần được quy hoạch đường dài. Những dự án cao tầng nằm sát biển không tốt cho quy hoạch đô thị Việt Nam nói chung, đặc biệt là đô thị biển.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/tieu-diem/20150602/da-nang-xu-du-an-treo-tra-bai-bien-cho-dan/755361.html

Theo Võ Hương - Hữu Khá - Trà My/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm