Hiện trạng chia chác bãi biển vẫn chưa dẹp được tận gốc. Nhiều kiến trúc sư (KTS) và chuyên gia môi trường cho rằng, bờ biển Việt Nam cần được quy hoạch đường dài và phát triển lâu bền, tránh tình trạng “ăn xổi ở thì”, tạo "bức tường" chắn tầm nhìn ra biển.
Quy hoạch đường bờ biển của nhà nước là rất quan trọng
Đó là chia sẻ của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) Việt Nam.
“Bức tường cao ốc” trên đường Trần Phú (Nha Trang). |
Theo GS Đặng Huy Huỳnh, nếu không có quy hoạch phù hợp dựa trên cơ sở khoa học thì sẽ gây ra tình trạng xói mòn và sạt lở bờ biển, không những tác động xấu đến tài nguyên thiên nhiên, mà còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.
KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM khẳng định, bãi biển là của toàn dân và phải cho họ quyền sử dụng tuyệt đối. Bãi biển không thuộc quyền sở hữu riêng của bất kì tổ chức hay nhà đầu tư nào.
Một dự án vừa bị dừng trên công viên bãi biển Nha Trang. |
KTS Trần Huy Ánh cho rằng, bờ biển Việt Nam hiện nay đang bị chia lô một cách bừa bãi, bị tư nhân hóa tràn lan. Trong nhiều năm nay, nhiều nơi bãi biển đã không còn là của người dân mà thành nơi “cát cứ” riêng của nhiều doanh nghiệp, làm ảnh hưởng nhu cầu sử dụng hợp pháp và cảm xúc của người dân.
Có thông tin Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngừng cấp phép dự án ven biển và rà soát lại các khu sân golf, resort ven biển để phục vụ công tác quy hoạch là quyết định đúng đắn và nên được thực hiện ngay.
Cần có những quy định chi tiết, cụ thể hơn
Tiến sĩ (TS), KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc quy hoạch một cách khoa học đô thị biển sẽ giúp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên quy hoạch cần được nghiên cứu sâu hơn và những quy định hướng dẫn cũng cần chi tiết hơn để tạo ra những bước tiến khả thi. Phải làm sao để tạo ra những khu vực đô thị biển vừa đẹp, vừa không ô nhiễm môi trường và đặc biệt là mang lại hiệu quả kinh tế.
KTS Nguyễn Trường Lưu chia sẻ quan điểm, công tác quản lý của từng địa phương phải được thắt chặt, không để các khu resort chiếm riêng bãi biển, phải có bảng hướng dẫn và ghi rõ bờ biển thuộc về người dân để họ không ái ngại mỗi khi đi ngang những khu vực resort tư nhân.
Theo KTS Trần Huy Ánh, việc thu hút đầu tư vào các đô thị nói chung, cũng như kinh tế biển nói riêng vẫn là cần thiết và đương nhiên những người đầu tư phải thấy có những lợi ích nhất định thì mới đổ tiền vào.
Có những nhà đầu tư chấp hành đúng quy định trong việc giữ bãi biển là của chung, tuy nhiên quá nhiều resort tư nhân mà theo ông Ánh “như những đứa trẻ thiếu ăn” chỉ khư khư giữ bãi biển ấy cho riêng mình.
Điều buồn nhất là với những dự án sau một thời gian vây kín biển để đầu tư, sau đó rời đi vì phá sản hay những lý do khác thì để lại cho bãi biển chung một khu hoang tàn, vô nghĩa.
Nên cân nhắc những dự án không ảnh hưởng đến môi trường
KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh, việc xây dựng dự án ven biển phải phân biệt rõ ràng, bãi biển là thuộc về công cộng chứ không phải là của tư nhân.
Theo KTS Nguyễn Trường Lưu các bãi biển trên thế giới luôn thuộc về người dân và các nhà đầu tư dù có khai thác du lịch biển, xây dựng resort…thì phần lộ giới biển và bãi biển phải hoàn toàn để cho người dân địa phương và khách du lịch sử dụng.
Các bảng “xác lập chủ quyền” của Công ty TNHH Dewan International VN bên đường Trần Phú (Nha Trang) trước đây ( đã được tháo dỡ). |
KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, cần xem xét kỹ từng trường hợp, nên cấm hoàn toàn việc xây dựng các dự án cao tầng, còn các dự án mật độ thấp và không ảnh hưởng đến môi trường hay bãi biển công cộng thì có thể vẫn xem xét cấp phép.
Trong vòng 100m tính từ bờ biển thì không nên xây dựng những công trình kiên cố. Trong trường hợp bắt buộc có thể dựng những công trình tạm và dễ dàng tháo dỡ khi cần.
Thế giới đã sai và sửa, cớ gì Việt Nam lặp lại?
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn có những dự án cao tầng nằm sát biển không tốt cho quy hoạch đô thị Việt Nam nói chung, đặc biệt là đô thị biển. Đây không phải là xu thế đô thị tiên tiến trên thế giới. Rất nhiều nơi trên thế giới đã làm sai và sửa sai, bây giờ không có lý do gì Việt Nam lại mắc phải những sai lầm đó.
Dẫn chứng cho việc nhiều nơi trên thế giới đã sai lầm trong việc quy hoạch bờ biển, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói: Các thành phố lớn của Mỹ như Boston hay Seattle đã từng xây dựng nhiều đường cao tốc và các tòa nhà cao tầng sát bờ biển, nhưng sau đó họ đã phải chi hằng tỷ USD để trả lại hiện trạng cũ cho những khu vực biển này.