Chiều 7/8, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ đang trải qua một đợt nắng nóng gay gắt kéo dài từ ngày 25/7. Những ngày qua, nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi là 36-39 độ C, một số nơi trên 40 độ C.
Kết quả quan trắc nhiệt độ cho thấy trong đợt nắng nóng này, khu vực ghi nhận nhiệt độ cao nhất là Tam Kỳ (Quảng Nam) với 40,5 độ C. Một số nơi như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa cũng có mức nhiệt dao động từ 39,7 đến 40,1 độ C.
Tại Bắc Bộ, nắng nóng gay gắt tập trung ở nhiều tỉnh miền núi. Tại Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, nhiệt độ cao nhất ở ngưỡng 39,5 độ C.
"Nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc đã xuất hiện nhiệt độ cao kỷ lục của tháng 8", ông Hưởng thông tin.
Cụ thể, chuyên gia cho biết nhiệt độ 39 độ C ở Hà Đông (Hà Nội) ngày 6/8 là mức nhiệt cao chưa từng có trong các tháng 8 hàng năm, vượt qua kỷ lục 38,5 độ C ghi nhận ngày 13/8/2019 tại khu vực.
Một số nơi như Lào Cai, Lạng Sơn cũng có mức nhiệt cao chưa từng thấy so với cùng kỳ các năm.
Ngày 6/8, Hà Nội có mức nhiệt cao 39 độ C, ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tháng 8 trong lịch sử quan trắc tại khu vực. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ở Trung Bộ, mức nhiệt 39,7 độ C ghi nhận được tại TP Đà Nẵng cũng vượt qua kỷ lục về nhiệt độ được ghi nhận tại đây vào ngày 15/8/1977. Đà Nẵng nóng chưa từng có so với cùng kỳ 44 năm qua.
Tương tự, TP Quảng Ngãi cũng có nhiệt độ cao 40,1 độ C, cao hơn mức nhiệt kỷ lục từng được ghi nhận trong quá khứ vào ngày 19/8/2019.
Ông Hưởng cho biết đợt nắng nóng này xảy ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam gây hiệu ứng phơn, kết hợp với trường phân kỳ trên cao. Chuyên gia dự báo nắng nóng ở các tỉnh miền Trung tiếp tục kéo dài trong 10 ngày tới.
Từ nay đến hết tháng 8, Trung Bộ còn tiếp diễn nhiều đợt nắng nóng, nhưng cường độ khả năng không còn gay gắt như những ngày qua.
Trong khi đó, với các tỉnh miền Bắc, từ ngày 10/8, nắng nóng diện rộng khả năng chấm dứt, sau đó có khả năng quay trở lại từ ngày 12/8 nhưng chỉ tập trung ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.
Theo Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, từ tháng 8 trở đi, sau khi trải qua nhiều đợt nắng nóng trên diện rộng, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ bước vào cao điểm mùa thiên tai. Sau bão số 4, còn khoảng 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới khả năng hình thành trên Biển Đông trong các tháng cuối năm, trong đó 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Chuyên gia cảnh báo nguy cơ xuất hiện các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trên khu vực Biển Đông. Đặc biệt, người dân cần đề phòng mưa lớn xảy ra dồn dập trong tháng 10 và 11, tập trung ở khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Cơ quan khí tượng cho biết sau những ngày nắng nóng gay gắt, từ chiều tối và đêm mai (8/8), khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa lớn. Từ chiều tối 9/8, vùng mưa lớn mở rộng khắp các tỉnh miền Bắc và kéo dài đến ngày 11/8.
Trong đợt mưa này, nhiều nơi ghi nhận vũ lượng phổ biến 50-80 mm/ngày, có nơi mưa trên 100 mm/ngày. Mưa tập trung về đêm và sáng sớm.
Do mưa xảy ra sau thời điểm nắng nóng, người dân đề phòng nguy cơ lốc, sét và gió giật mạnh. Các tỉnh miền núi có thể xảy ra lũ quét, sạt lở và ngập úng cục bộ.