Sáng 16/3, bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết Công an TP vừa phối hợp với ngành y tế lập 7 chốt chặn tại các khu vực cửa ngõ ra vào thành phố nhằm kiểm soát dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ Công an.
Các điểm chốt chặn, gồm: Cuối đường Trường Sa, cuối đường Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn), chân đèo Hải Vân và phía nam hầm Hải Vân (quận Liên Chiểu), cửa ô Hòa Nhơn và Hòa Phước (huyện Hòa Vang), ga Đà Nẵng (quận Thanh Khê).
Trực 24/24
Theo ông Hồng, mỗi chốt chặn được bố trí nhân viên y tế cùng lực lượng công an làm nhiệm vụ 24/24, chia làm 3 ca trực.
Lực lượng chức năng sẽ dừng xe, kiểm tra, đo thân nhiệt với tất cả khách ra vào, đặc biệt đối với khách du lịch, người nước ngoài.
Đà Nẵng thành lập 7 chốt kiểm soát, ngăn chặn Covid-19. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Đối với khách nước ngoài, ngành y tế sẽ áp dụng tờ khai y tế tại chỗ với một số trường hợp nghi ngờ; số còn lại chủ yếu nắm thông tin hành khách, phát tờ khai đề nghị khai báo điện tử để khách thực hiện hàng ngày.
Đối với trường hợp khách nước ngoài bị sốt tại các điểm chốt chặn thì được nhân viên y tế chuyển về Bệnh viện 199 - Bộ Công an; khách Việt kiều bị sốt sẽ được đưa về Bệnh viện Phổi.
Ông Hồng cho biết việc lập 7 chốt chặn trên là phương án kiểm soát dịch ban đầu và sẽ có kế hoạch triển khai chi tiết, cụ thể hơn trong thời gian tới.
Nâng cấp độ phòng, chống dịch
Ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết từ chiều 8/3, khi địa phương ghi nhận có 2 du khách người Anh nhiễm Covid-19, lãnh đạo Đà Nẵng đã nâng mức phòng chống dịch lên cấp độ 2.
Cụ thể, bên cạnh việc rà soát, phòng dịch như thời gian đầu, toàn ngành y tế được yêu cầu phải thực hiện song song việc ngăn chặn dịch Covid-19 thâm nhập vào thành phố và chữa trị cho những người mắc bệnh.
Khi xuất hiện 3 ca mắc Covid-19, Sở Y tế yêu cầu Ban giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng sử dụng tầng 3 và 4 của Khoa Y học Nhiệt đới để tiếp nhận các bệnh nhân.
Tầng 4 là nơi cách ly, điều trị cho bệnh nhân. Còn tầng 3 là nơi dành cho hơn 50 bác sĩ làm việc. Toàn bộ khu vực này được bảo vệ 24/24, trong tình trạng nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết đơn vị đã điều động hơn 50 bác sĩ có chuyên môn giỏi tham gia điều trị cho người bệnh.
"Có lẽ, đây là lần đầu tiên bệnh viện huy động đến hơn 50 y, bác sĩ cùng lúc để điều trị cho 3 người", bác sĩ Trung nói.
Cũng theo bác sĩ Trung, trong số hơn 50 bác sĩ được chia 3 ca. Họ thay phiên nhau vào tiếp xúc với các bệnh nhân 6-8 lần/ngày.
"Các bác sĩ phải trực tiếp vào phòng bệnh để khám, đo huyết áp, điều trị, đưa thức ăn, lấy mẫu máu. Mỗi lần ra vào đều phải tuân thủ nghiêm các chế độ bảo hộ để khống chế, loại trừ việc lây nhiễm”, Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng kể.
Sau mỗi lần thăm khám, nhóm bác sĩ phải hội ý để có phương án điều trị phù hợp với thể trạng, tình hình sức khỏe của từng người. Việc tiếp nhận, theo dõi và điều trị cho các bệnh nhân luôn tuân thủ theo quy định, phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Khu vực khám và điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Đà Nẵng. Ảnh cắt từ clip. |
Ông Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết sau gần 1 tuần điều trị, hai người Anh và bệnh nhân thứ 35 (chị N., 29 tuổi, nhân viên siêu thị Điện máy Xanh) không còn sốt, ho và khó thở như lúc mới nhập viện.
"Từ ngày 8/3 đến 12/3, các bác sĩ đã chụp X-quang phổi cho các bệnh nhân và chưa phát hiện những dấu hiệu bất thường. Thông tin đáng mừng là theo kết quả xét nghiệm lần 2 do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng thực hiện, 2 công dân Anh đã âm tính với Covid-19", bác sĩ Nhân cho biết thêm.
Khẩn cấp tìm người nhóm F1
Ông Nguyễn Tiên Hồng cho biết đơn vị đang rà soát để xác minh những người tiếp xúc gần với bệnh nhân thứ 53 và 54 mắc Covid-19.
Theo thông báo của Bộ Y tế, ca nhiễm Covid-19 thứ 53 là bệnh nhân người Cộng hoà Czech. Người đàn ông này nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay QR970 vào ngày 10/3 và quá cảnh tại sân bay Doha (Quatar).
Du khách khai báo y tế tại các chốt kiểm soát. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Trưa 13/3, du khách có biểu hiện ho khan, mệt mỏi nên đã đến khám tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM và sau đó được xác định mắc Covid-19.
Qua xác minh, các cơ quan chức năng Đà Nẵng xác định có một số khách đi trên chuyến bay QR970 từ TP.HCM đến Đà Nẵng trên chuyến bay VN126 (F1). Những người này đang được cách ly ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam).
Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh tật TP Đà Nẵng thông báo nếu vị khách nào đi các chuyến bay trên thì liên hệ với các cơ quan chức năng để các nhân viên y tế khám sức khỏe theo quy định.
Ngoài ra, chiều 15/3, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM tiếp nhận một trường hợp là người nước ngoài, 33 tuổi, quốc tịch Latvia, có triệu chứng viêm đường hô hấp, tự đến bệnh viện khám.
Đến tối cùng ngày, theo kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur TP.HCM, người này nhiễm Covid-19. Đây là bệnh nhân thứ 54 ở Việt Nam.
Ngày 8/3, du khách này đáp chuyến bay TK 162 của hãng Turkish Airways từ Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đến TP.HCM. Sau đó người này còn đi trên chuyến bay QH 1521 từ TP.HCM đến Phú Quốc lúc 14h10 ngày 9/3.
Lúc 21h22 ngày 13/3, vị khách này đáp chuyến bay QH 1524 từ Phú Quốc đến TP.HCM. Sau đó, tiếp viên của chuyến bay trên lại đi chuyến QH154 từ TP.HCM về Đà Nẵng vào ngày 15/3.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP Đà Nẵng nhận định những hành khách đi trên các chuyến bay VN126 (khởi hành lúc 11h15 từ TP. HCM về Đà Nẵng lúc 13h00 ngày 13/3) và chuyến bay QH154 (khởi hành lúc 11h từ TP. HCM về Đà Nẵng lúc 12h00 ngày 15/3) có nguy cơ lây nhiễm cao.
TP Đà Nẵng đề nghị tất cả những người đã tiếp xúc với hành khách từng đi 2 chuyến trên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn sức khỏe và hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm Covid-19.
Đồ họa: Minh Hồng. |