Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, vừa ký văn bản kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong việc khắc phục những sai phạm về đất đai.
Từ năm 2012, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận 2852, chỉ ra những sai phạm về đất đai ở Đà Nẵng, gây thất thoát hơn 3.400 tỷ.
Đã truy thu được hơn 636 tỷ đồng
Chủ tịch UBND Đà Nẵng cho biết thời gian qua, thành phố đã huy động nhiều nguồn lực và áp dụng nhiều biện pháp để thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ. Đến nay, Đà Nẵng đã truy thu được hơn 636 tỷ đồng, chiếm 63,5% số tiền thất thu theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Tuy nhiên, tại Kết luận số 2852/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ đề nghị thành phố rà soát các trường hợp tương tự để thu hồi tiền về ngân sách. Ông Thơ cho biết qua rà soát, ngoài 46 dự án theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trên địa bàn thành phố còn đến 1.061 dự án tương tự.
"Việc thực hiện truy thu tiền thất thu của 1.061 dự án tương tự nói trên là rất khó thực hiện và ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố", văn bản nêu.
Chủ tịch Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ các vướng mắc trong việc khắc phục những sai phạm về đất đai. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Thay mặt lãnh đạo Đà Nẵng, ông Thơ kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép thành phố dừng việc rà soát, xử lý thu hồi tiền thất thu đối với các trường hợp tương tự nói trên đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo lãnh đạo Đà Nẵng, việc dừng rà soát, xử lý các dự án nhằm tạo điều kiện giải phóng nguồn lực từ hàng trăm dự án, khu đất trên địa bàn thành phố để phát triển sản xuất kinh doanh, không để lãng phí tài sản của Nhà nước.
Chủ tịch Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng và các phó thủ tướng cho chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn và vướng mắc, trong đó, các dự án nào nằm trong danh mục thanh tra, kiểm tra mà đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
"Nút thắt về quản lý đất đai đang bao trùm tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố là việc thực hiện Kết luận 2852. Các cơ quan Trung ương có thể dùng biện pháp nào đó để khép lại, chứ áp dụng theo kết luận thanh tra thì cứ để kéo dài mãi mà không làm được”, văn bản nêu.
Giải cứu khu đô thị Đa Phước
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 158/2020/HS-PT ngày 12/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội giao UBND TP Đà Nẵng thu hồi khu đất 29 ha thuộc dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước.
TAND Cấp cao tại Hà Nội cũng giao lãnh đạo Đà Nẵng cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho công dân tại khu đất này. Tuy nhiên, theo UBND Đà Nẵng trong quá trình thực hiện, TP đã nhận thấy các khó khăn, vướng mắc.
Nhiều hộ dân đã chuyển đến khu Đa Phước ở nên việc thực hiện bản án của TAND Cấp cao tại Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Trước hết, Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước đã chuyển nhượng nhà cho người dân vào ở trong dự án nên khi thu hồi dự án là phải thu hồi nhà, đất của toàn bộ các hộ dân đang sinh sống trong khu đất. Sau khi thu hồi, việc giao lại đất cho các hộ dân là không thực hiện được vì theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 là không giao trực tiếp mà phải thông qua đấu giá.
Trong khi đó, phán quyết của tòa án là phải thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật bảo đảm quyền lợi cho công dân tại khu đất này, nên việc này rất khó thực hiện được trên thực tế.
Mặt khác, Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước đã đầu tư rất lớn vào dự án. Theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành, việc thu hồi dự án là thu hồi toàn bộ khu đất và phải thực hiện đền bù về tài sản hợp pháp của chủ đầu tư. Do đó, cần số tiền rất lớn từ ngân sách để đền bù về tài sản hợp pháp của chủ đầu tư.
Cũng theo UBND TP Đà Nẵng, hiện Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước đã thế chấp bằng quyền sử dụng đất đối với khu đất 29 ha để vay của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội hơn 1.500 tỷ đồng đầu tư dự án này.
Khi toàn bộ quyền sử dụng đất bị thu hồi, Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước sẽ bị phá sản, các khoản nợ ngân hàng nói trên sẽ trở thành nợ xấu, không có khả năng thu hồi và sẽ tác động lớn đến xã hội, gây ra nhiều hậu quả khó lường.
Sau khi đưa ra những lý do trên, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo thực hiện đối với những nội dung vướng mắc trong việc thu hồi khu đất rộng 29 ha thuộc Khu đô thị quốc tế Đa Phước.
“Đà Nẵng được chỉ đạo thu hồi đất nhưng hiện có rất nhiều nhà cửa, người dân đang sinh sống ở đó và đang lo lắng vì mua nhà ở và đất ở với số tiền lớn. Nếu các cơ quan Trung ương không tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên thì tất khó thi hành bản án”, văn bản nêu.