Thành phố Đà Nẵng hiện tập trung đông công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, sinh viên ở trường đại học, cao đẳng. Phần lớn trong đó là người địa phương khác tạm trú ở khu ký túc xá, dân cư và nhà trọ.
Vì vậy, để công tác tuyên truyền và vận động bầu cử đạt hiệu quả, Đà Nẵng triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng tại các cơ quan, nơi công cộng, mạng xã hội... Trong đó, trang Zalo “Tổng đài 1022 Đà Nẵng” được đánh giá cao khi đăng tải thông tin bầu cử mỗi ngày.
Công tác thông tin tuyên truyền bầu cử được đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều hình thức, phương tiện. |
Đặc biệt, từ giữa tháng 4, Đà Nẵng đẩy mạnh nội dung tuyên truyền theo chiều sâu với chuỗi bài “Hỏi - đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026", cung cấp kiến thức, thông tin cụ thể về vai trò của Quốc hội, HĐND; cách thức vận hành bộ máy chính trị; ý nghĩa của bầu cử... Từ đó, cử tri hiểu rõ quyền và trách nhiệm, đảm bảo công tác bầu cử diễn ra đúng quy định, tiến độ và an toàn.
Hiện nay, trang Zalo “Tổng đài 1022 Đà Nẵng” có gần 300.000 lượt quan tâm, cung cấp nhiều tiện ích tra cứu thông tin miễn phí và thường xuyên cập nhật về thành phố. Người dân hiểu và nắm rõ chủ trương của Đà Nẵng về chuyển đổi số, chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến, cải cách hành chính, thành phố “4 an”, “5 không”, “3 có”, an toàn giao thông...
“Tổng đài 1022” phát triển nhiều kênh tương tác giữa người dân với chính quyền. Ảnh: Báo Đà Nẵng. |
Không chỉ Đà Nẵng, nhiều tỉnh, thành phố như: TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh... tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động, cổ động về bầu cử ở các địa phương trên ứng dụng Zalo, nhất là giai đoạn cao điểm của công tác tuyên truyền về bầu cử.
Để theo dõi thông tin về bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp tại địa phương đang sinh sống, người dân thực hiện các thao tác đơn giản, tìm và truy cập trang Zalo chính thức của tỉnh, chọn “Quan tâm” và theo dõi tin tức cập nhật hàng ngày.
Bình luận