Abubakar Ya'u đào cát xúc vào các túi bao bố để chất lên lưng lừa và mang ra chợ bán. Đối với anh, con vật này là phương tiện chở hàng quý giá.
Tuy nhiên, ở cách nửa vòng Trái Đất, lừa được trả giá cao vì những lý do rất khác. Nhu cầu tiêu thụ da lừa để làm thuốc chữa bệnh ở Trung Quốc đã đẩy giá cả tăng cao, khiến Ya'u và những người thợ đào đất ở Kano, miền Bắc Nigeria, rơi vào tình thế khó xử.
"Hai năm trước, một con lừa khỏe mạnh để chở hàng có giá từ 15.000 đến 18.000 naira (khoảng 42 đến 50 USD) nhưng bây giờ để có một con lừa tốt, anh phải trả từ 70.000 đến 75.000", anh nói với AFP.
Loài vật đắt giá ở châu Phi
"Lý do là một lượng lớn lừa đã được mua để chuyển xuống phía nam, nơi thịt lừa được tiêu thụ còn da thì để xuất khẩu", Ya'u giải thích.
"Đối với chúng tôi, điều này thực sự tai hại vì một người đào cát mà để mất con lừa của mình thì khó mà kiếm đủ tiền để mua được con khác", anh nói.
Abdurrahman Garba, một người làm nghề đào cát 30 năm, nói thêm rằng lệnh cấm xuất khẩu của các nước láng giềng đã khiến tình hình ở Nigeria tồi tệ hơn.
Một phụ nữ Somalia cưỡi lừa đi dọc theo con đường ngập nước ở Dadaab, gần biên giới Kenya - Somalia, năm 2011. Ảnh: Reuters. |
"Giờ Nigeria đã cấm xuất khẩu để bảo toàn nguồn giống nên người Trung Quốc lại chuyển sang mua lừa của chúng tôi, điều này khiến số lượng lừa suy giảm với tốc độ đáng báo động", người đàn ông 40 tuổi cho biết.
Botswana, Senegal, Mali, Burkina Faso và Gambia đều áp đặt hạn chế thương mại trong khi chính quyền Zimbabwe đã ngăn chặn một lò mổ tư nhân đang được xây dựng còn Ethiopia đã đóng cửa lò mổ duy nhất đang hoạt động.
Garba thừa nhận rằng việc bán vật nuôi để thu lời trước mắt thực sự rất cám dỗ. "Tôi được đề nghị 95.000 naira cho con lừa lớn nhất của mình nhưng tôi đã cố gắng không bán vì tôi biết sẽ không thể tìm được con khác thay thế", anh nói. "Người Trung Quốc có trách nhiệm với tình trạng rối loạn này", Garba cho biết.
Số lượng động vật bị buôn bán ngày càng tăng, đôi khi là bí mật, từ Mali, Nigeria, Burkina Faso và phía bắc Nigeria đến vùng đông nam, nơi chúng bị giết mổ.
Lừa có giá khá rẻ ở các nước Hồi giáo phương bắc vì chúng thường không bị giết thịt, khiến nhu cầu tiêu thụ không lớn. Tuy nhiên, tại miền Nam, nhu cầu lại khá cao do người dân ở đây từ lâu đã ăn thịt loài vật này. Điều này đã dẫn đến việc hình thành con đường buôn bán lừa từ bắc xuống nam.
Tại một khu chợ ở Ughelli, bang Delta, trung tâm mua bán lừa của Nigeria, hàng trăm con lừa chen chúc nhau dưới ánh nắng như thiêu đốt, chờ đợi số phận của mình trong im lặng. Một số con gầy trơ xương.
Các khoảnh đất nhốt động vật được dựng lên mỗi tháng khi nguồn cung từ phương bắc ngày càng tăng để bắt kịp nhu cầu về da và thịt lừa.
Từ bang Delta ở bờ biển phía nam Nigeria, da lừa được chuyển đến Trung Quốc, nơi chúng được chế biến thành thần dược cao da lừa hay còn gọi là a giao.
Một mẫu a giao, loại thuốc truyền thống của Trung Quốc được bào chế từ da lừa, đặt trong bao bì nhà máy tại lò giết mổ được cấp phép ở Baringo, Kenya, ngày 28/2. Ảnh: AFP/Getty. |
Những người mua tin rằng thứ cao hòa tan này có thể chữa được nhiều bệnh, từ cảm lạnh đến chống lão hóa. Thị trường cao da lừa được cho là tăng trưởng hàng trăm triệu USD mỗi năm.
"Thứ thuốc này dùng để bổ huyết, tăng cường sinh lực, đặc biệt trong trường hợp thiếu máu", Oliver Emekpor, một người bán thịt lừa ở chợ Ughelli, cho biết.
"Nó được chế thành miếng khô có thể pha với thảo dược để uống và có giá lên tới 390 USD/kg", anh nói.
Không có thứ gì bị lãng phí. Để tối đa hóa lợi nhuận, các nhà buôn thường bán thịt lừa giả làm thịt bò cho người tiêu dùng, hành vi bị hiệp hội thương mại địa phương gọi là "tội phạm". Móng được dùng để làm giày còn xương lừa được dùng để sản xuất đĩa.
Dưới tấm da lừa
Simon Pope, nhà hoạt động tại Donkey Sanctuary, một tổ chức bảo vệ động vật ở Anh, cho biết quy mô buôn bán lừa hầu như không thể ước tính.
"Mỗi tấm da lừa sản xuất được 1 kg a giao và số lượng da lừa được sử dụng hàng năm vẫn chưa thể được xác định", ông nói.
Yemi Adebayo, một quan chức của Bộ Thương mại Nigeria, thừa nhận rằng doanh số da lừa bán cho Trung Quốc đang tăng mạnh nhưng từ chối xác nhận liệu có thỏa thuận nào được thực hiện nhằm tạo điều kiện cho việc vận chuyển hay không.
"Các quốc gia khác nhau ủng hộ hoặc phản đối thương mại theo những cách khác nhau", ông nói. Tuy nhiên, lập trường của Nigeria về vấn đề này dường như còn chưa rõ ràng.
Các công nhân giữ tấm da lừa trước khi đem phơi tại một lò giết mổ lừa được cấp phép ở Kenya. Ảnh: AFP/Getty. |
Dong-E E-Jiao, nhà sản xuất và buôn bán a giao hàng đầu Trung Quốc, kiểm soát 70% thị phần. Công ty này cho biết lợi nhuận trước thuế trong năm 2016 là 295 triệu USD. Chỉ riêng trong năm 2014, họ đã nhập về gần 700.000 miếng da lừa.
Theo số liệu thống kê chính thức, số lừa ở Trung Quốc đã giảm gần một nửa, từ 11 triệu con vào những năm 1990 xuống còn 6 triệu con vào năm 2013. Theo China Daily, Trung Quốc sản xuất 5.000 tấn a giao mỗi năm, đòi hỏi khoảng 4 triệu tấm da thuộc.
"Những công ty đang chiếm lĩnh thị trường sẽ càng nổi lên mạnh mẽ hơn trong bối cảnh khan hiếm lừa và nguồn cung da lừa suy giảm", nhà cung cấp dịch vụ tài chính quốc tế Bocom lưu ý các nhà đầu tư.
Cuộc điều tra "Under the Skin" (Dưới tấm da) của Donkey Sanctuary về hoạt động mua bán da lừa cho thấy nhu cầu bùng nổ đã dẫn tới sự gia tăng số lượng trộm lừa ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ.
"Lừa có thể sớm tuyệt chủng nếu chúng tiếp tục bị giết. Nếu vậy, việc buôn bán của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng", Garba, người đào cát nhiều năm ở Nigeria, bày tỏ lo lắng.