Vậy tại sao các cơ quan thanh tra, các cơ quan quản lý Nhà nước không phát hiện được mà chỉ khi có quá nhiều đơn tố cáo, cơ quan công an vào cuộc mới phát hiện ra lừa đảo?
Mới có một tin mới, Công ty TNHH Đầu tư phát triển An Phát Thịnh (gọi tắt là Công ty An Phát Thịnh) quảng cáo rầm rộ các loại sản phẩm bột đậu Hà Lan với lời quảng cáo truyền miệng qua các hội thảo bán hàng là hàng nhập khẩu rất tốt cho sức khỏe, có giấy phép kinh doanh đầy đủ, dạy cách làm giàu trong mơ theo hình thức kinh doanh đa cấp... Để thành nhân viên, nhất thiết khách hàng phải mua các sản phẩm của công ty.
Nhiều người đã bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu mua sản phẩm để thành nhân viên bán hàng cấp 1 của công ty. Rất tiếc, bột đậu chất lượng thấp, giá trên trời, không ai mua, trả lại không được.
Trả lời chất vấn của báo chí, ngày 10/9/2015, Công ty An Phát Thịnh cho biết: Công ty có kinh doanh mặt hàng bột đậu Hà Lan nhưng là hàng sản xuất trong nước theo hình thức phân phối truyền thống. Hiện công ty chưa được cấp phép kinh doanh đa cấp nhưng có “trả thưởng” hỗ trợ cho một số khách hàng(!)
Tin cũng chưa cũ, trưa 9/9/2015, một người đàn ông tên là Nguyễn Văn Quang (44 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc) đến cơ quan công an trình báo con gái ông là Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1994) bị bắt cóc đòi tiền chuộc. Các tin nhắn trên điện thoại cho thấy những kẻ bắt cóc đang đòi tiền chuộc ráo riết. Các chiến sĩ công đã tìm ra kẻ tự bắt cóc mình, Nguyễn Thị Hà, tại một nhà nghỉ với bạn trai. Hà đòi bố mẹ mình trả tiền chuộc mình.
Vụ án không có gì đáng bàn nếu không có một chi tiết: Cô gái đang bị chủ nợ đòi tiền. Trót nghe lời đường mật từ các cuộc hội thảo, các liên hoan làm giàu nhanh, kiếm tiền trăm triệu, hàng tỷ đồng không tốn một giọt mô hôi của Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt (Vietnet), cô đã vay mượn 24 triệu đồng tại một hàng cầm đồ để mua sản phẩm của công ty này. Dĩ nhiên là cô mất trắng số tiền ấy. Chủ nợ đòi gắt gao, cô ta đành tự bắt cóc mình, chờ bố mẹ trả tiền chuộc để cô trả cho chủ nợ.
Mỗi năm có hàng trăm vụ án hình sự, hàng chục vụ tự vẫn do nợ nần, do suy sụp kinh tế gia đình, chưa ai thống kê, nhưng chắc chắn có rất nhiều vụ do bị các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lừa đảo gây ra.
Trước những bức xúc của dư luận, ngày 14/9/2015, Văn phòng Chính phủ đã phát hành văn bản 7290/VPCP truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối họp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát hoạt động của các tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp; phát hiện, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm quy định của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Đồng thời, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản và đấu tranh với những đường dây, ổ nhóm lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chiếm đoạt tài sản của người tham gia kinh doanh, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa chung, bảo đảm an ninh, trật tự.
Vấn đề ở chỗ, đã có hàng trăm bài báo phản ảnh, kiến nghị, hàng trăm ngàn ý kiến, gián tiếp và cả trực tiếp bày tỏ sự bức xúc tới các cơ quan quản lý Nhà nước nhưng tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lừa đảo không giảm bớt mà có vẻ càng ngày càng lộng hành hơn. Lý do tại sao?
Lập lờ giữa hành lang pháp lý
Ít người biết một điều, kinh doanh đa cấp là một loại hình kinh doanh được các quy định pháp luật cho phép. Vào những năm 1999-2000, kinh doanh đa cấp bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam với một vài công ty hoạt động nhỏ lẻ, đáng tiếc, ngay từ lúc đó, những dấu hiệu lừa đảo của một số doanh nghiệp kinh danh đa cấp đã lộ ra.
Tuy nhiên, để phù hợp với các nền kinh tế thế giới bởi WTO, kinh doanh đa cấp được chấp nhận. Từ khi Luật Cạnh tranh ra đời, với sự thừa nhận kinh doanh đa cấp, vào cuối năm 2004 và Nghị định 110/NĐ-CP được ban hành vào năm 2005, kinh doanh đa cấp đã được công nhận là mô hình kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, chịu sự quản lý bởi luật pháp.
Điều 2, NĐ 110/CP đã định nghĩa: Bán hàng đa cấp là một phương thức tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp thông qua nhiều cấp khác nhau, trong đó người tham gia sẽ được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng hóa của mình và của người khác trong mạng lưới do người đó tổ chức ra và được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận.
Hiệp hội Bán hàng đa cấp tại Việt Nam đã chính thức thành lập ngày 31-3-2010 trên cơ sở Quyết định số 2451/QĐ-BCT của Bộ Công Thương. Tính đến hết tháng 7/2015, có 47 công ty đang hoạt động trên cả nước. Bên cạnh con số đã được cấp phép hoạt động, hiện còn 8 hồ sơ đăng ký đang trong quá trình thẩm định. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trong 6 tháng đầu năm 2015 là 3.200 tỷ đồng.
Để đảm bảo các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp không lừa đảo những người tham gia, các cơ quan quản lý kinh doanh đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp đã phải chịu nhiều quy định ràng buộc. Cụ thể, doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
Doanh nghiệp không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hoá dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; không được kinh doanh theo mô hình kim tự tháp… Bên cạnh đó, người tham gia bán hàng đa cấp cũng không được cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính chất, công dụng của hàng hoá, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp.
Doanh nghiệp không được yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải tuyển dụng mới hoặc gia hạn hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với một số lượng nhất định người tham gia bán hàng đa cấp để được quyền hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc các lợi ích kinh tế khác…
Nếu căn cứ theo những văn bản quy phạm pháp luật này, rõ ràng, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp rất khó lừa đảo người tham gia. Vậy tại sao, nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp vẫn làm loạn trong xã hội như chỗ không người. Hàng loạt các hội thảo câu tiền với hàng trăm hàng nghìn người tham gia nghe các chuyên gia dẻo mỏ tán tỉnh về những cách kiếm tiền trăm triệu, tiền tỷ trong thời gian ngắn, những chuyên gia này đi xe ô tô hạng sang, mặc quần áo hàng hiệu, lấy sự sang trọng của mình chứng minh cho sự làm giàu đến dễ dàng của kinh doanh đa cấp.
Tất cả chỉ để người tham gia bỏ tiền ra mua sản phẩm chất lượng địa phủ, giá thiên đường. Không mấy ai biết các chuyên gia này, cởi bộ quần áo đi thuê, trả xe cho hãng, thuyết trình xong, trưa đi ăn cơm đĩa 20 nghìn đồng.Không thể nói khác được, hàng triệu người đã mất tiền oan với những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp này. Tại sao?
Các cơ quan quản lý Nhà nước đâu?
Thủ đoạn của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lừa đảo quá đơn giản và lộ liễu. Có thể tổng kết sơ bộ vài phương thức lừa đảo của các doanh nghiệp này. Đầu tiên, trắng trợn nhất là các doanh nghiệp chưa có phép nhưng vẫn thực hiện kinh doanh đa cấp với những sản phẩm chất lượng thấp, những sản phẩm ảo trên mạng Internet.
Mặc dù chưa hề được cấp phép kinh doanh đa cấp nhưng vẫn có thể tổ chức hàng chục cuộc hội thảo với hàng nghìn người tham dự kèn trống ầm ĩ, quảng cáo trên các trang mạng ồn ào mà không hề có cơ quan nào đến hỏi thăm giấy phép, ngăn chặn các hoạt động lừa đảo. Điều đáng nói là các hoạt động của họ không hề bí mật, thậm chí còn quá phô trương.
Thủ đoạn thứ hai là lợi dụng giấy phép kinh doanh đa cấp, tìm cách lách qua các quy định bằng cách thuyết phục những người tham gia ký giấy tự nguyện mua hàng, trả tiền huấn luyện, trả tiền để tham gia các cuộc hội thảo, tập huấn để được nhận sản phẩm miễn phí… Tất cả những hoạt động này đều công khai, phô trương, thậm chí có doanh nghiệp còn quảng cáo rầm rộ trên truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác, bởi họ có giấy phép.
Thủ đoạn thứ ba là quảng cáo láo về sản phẩm kinh doanh đa cấp và chính phương thức kinh doanh đa cấp. Không ít những sản phẩm được quảng cáo chữa được bách bệnh, kể cả ung thư, HIV… tất cả các cuộc hội thảo cũng như những tỷ lệ của các “chim lợn” đều có mục đích làm cho con mồi tin rằng: Hãy bỏ tiền ra và sẽ thu lại được hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng…
Tất cả các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp này đều vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định cụ thể của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014. Và họ không hoạt động bí mật và nói thẳng, không hề tinh vi mà thậm chí còn quá đơn giản. Vậy tại sao các cơ quan thanh tra, các cơ quan quản lý Nhà nước không phát hiện được mà chỉ khi có quá nhiều đơn tố cáo, cơ quan công an vào cuộc mới phát hiện ra lừa đảo?
Câu hỏi này chính người viết bài này và dư luận đều chưa trả lời được. Chúng ta có thể phát hiện được một xe chở hàng lậu đi trong đêm, nhưng không thể phát hiện được những vụ lừa đảo hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn, hàng triệu người? Trách nhiệm của Bộ Công Thương ở đâu?