CLB Hà Nội từng bất bại trên sân nhà suốt 2 năm, trước khi ngã ngựa liên tiếp trong 2 tuần vừa qua. Thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm đang đứng bên bờ vực khủng hoảng với chuỗi trận tồi tệ nhất kể từ năm 2018.
Việc thắng hay thua là chuyện thường tình trong bóng đá, nhưng thua 2 trận trong khoảng thời gian ngắn với kịch bản na ná nhau thì thực sự đáng nói. Khi đội bóng không học được gì từ thất bại, họ có khả năng phải nhận nhiều thất bại hơn nữa.
Từ sau mùa giải 2018, khi CLB Hà Nội đặt V.League dưới gót giày thống trị, đội bóng thủ đô đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Trận thua 0-1 trước CLB Sài Gòn cho thấy ở V.League hiện tại, số đội biết cách hạ gục CLB Hà Nội không hề ít.
CLB Hà Nội bỏ lỡ nhiều cơ hội trước CLB Sài Gòn. Đội chủ nhà thiếu sự chắt chiu trong các pha dứt điểm và mắc nhiều sai sót cá nhân hơn mùa trước. Ảnh: Minh Chiến. |
Thất bại được báo trước
Ở vòng 5 V.League, CLB Hà Nội kết thúc chuỗi 8 năm bất bại trước SLNA trên sân nhà bằng một trận thua đúng vào hôm sinh nhật. Đến vòng 7, đội bóng thủ đô lần đầu thua CLB Sài Gòn trên sân Hàng Đẫy từ khi đội bóng này “thay tên đổi họ”. Bỏ qua lịch sử, yếu tố không mấy quan trọng ở nền bóng đá còn quá đỗi non trẻ như Việt Nam, cách thua của CLB Hà Nội ở cả 2 trận giống nhau đến kỳ lạ.
Nguyễn Văn Quyết và đồng đội cùng bất lực trước những khối phòng ngự khoa học, rắn chắc nhất V.League, cùng bỏ lỡ vài cơ hội ghi bàn khó tin và cùng thua bởi những cú đá bên ngoài vòng cấm trong hiệp 2. Nếu ở vòng 5, Đặng Văn Lắm khuất phục thủ môn Nguyễn Văn Công bằng cú sút sấm sét, thì Geovane của CLB Sài Gòn cũng khiến Hàng Đẫy im bặt bằng một siêu phẩm.
Đây không phải sự trùng hợp hay sắp đặt của định mệnh. Chủ tịch kiêm HLV Vũ Tiến Thành của CLB Sài Gòn nói không bất ngờ với chiến thắng, bởi đội bóng của ông đã “chuẩn bị rất kỹ cho điều này”. Đội bóng miền Nam chọn cách tiếp cận không khác so với SLNA: Tử thủ, dồn số đông ở phần sân nhà, đá chặt chẽ, hạn chế sai sót và tận dụng tối đa cơ hội phản công.
Bàn thắng của Văn Lắm và Geovane đều đến từ nỗ lực cá nhân, hệ quả tất yếu của thế trận phản công mà 90% đội hình chỉ lo phòng ngự. Tuy nhiên, cả hai đều khai khác được “điểm chết" trong đội hình của CLB Hà Nội, đó là vị trí ngay trước mặt bộ đôi trung vệ.
Ở trận thua SLNA, Đỗ Hùng Dũng bất lực trước pha đẩy bóng và sút nhanh của Văn Lắm. Còn trước CLB Sài Gòn, tiền vệ phòng ngự của đội chủ nhà đứng sai vị trí, để Geovane thoải mái đi bóng, ngắm nghía rồi vung chân ghi bàn.
Các đội ở V.League đã biết cách đánh bại CLB Hà Nội. Những thất bại nối nhau thời gian qua càng tạo động lực cho các đối thủ cố gắng đánh bại đội bóng thủ đô. Ảnh: Minh Chiến. |
Đó dường như là cách duy nhất để thắng CLB Hà Nội.
Khi hầu hết đội V.League đều chưa hình thành được hệ thống tấn công bài bản, việc phòng ngự với số đông, siết chặt đội hình và chỉ lên bóng khi hàng thủ đối phương có sơ hở là lựa chọn tối ưu trước CLB Hà Nội. Đôi công trước đội bóng thủ đô là quyết định dại dột. Trận thua tan nát của HAGL là minh chứng.
Nếu công thức thắng CLB Hà Nội dễ đoán như thế, tại sao đến giờ các đội mới làm được? Rất nhiều CLB chọn đá tử thủ với đội bóng của HLV Chu Đình Nghiêm, song rất ít đội thành công. Tỷ lệ thua của CLB Hà Nội trong 2 năm vô địch là 7,69%, thấp nhất lịch sử V.League, trước khi bất ngờ tăng lên 42,8% (gần 6 lần) ở mùa này. Câu trả lời nằm ở 3 yếu tố: Động lực, thực lực và tự tin.
Về động lực, 13 đội V.League đều khát thắng CLB Hà Nội, bởi chiến thắng trước nhà vô địch tuyệt đối sẽ mang tới nhiều vinh quang.
Về thực lực, thành tích của CLB Hà Nội thúc đẩy phần còn lại của V.League phải phát triển, và thực tế là các đội đã cải thiện đáng kể chất lượng trong thời gian qua để thu hẹp cách biệt.
Khủng hoảng lực lượng là nguyên nhân khiến HLV Chu Đình Nghiêm có ít lựa chọn chiến thuật. Hơn nửa đội hình CLB Hà Nội đã dính ít nhất chấn thương ở mùa giải này. Ảnh: Minh Chiến. |
Mầm mống khủng hoảng
Đó là nguyên nhân khách quan. Còn về chủ quan, CLB Hà Nội đang đau đầu với những vấn đề cũ. Chấn thương hoành hành, quét qua cả 3 tuyến đội bóng khi Duy Mạnh, Đình Trọng nghỉ dài hạn, còn Nguyễn Quang Hải tái phát chấn thương. Chưa kịp vui vì Oloya Moses trở lại, HLV Chu Đình Nghiêm đón hung tin khi Pape Omar vắng mặt.
Thiếu hàng loạt trụ cột, chất lượng lối chơi sẽ bị ảnh hưởng, dù phải thừa nhận CLB Hà Nội vẫn vận hành khá nhuần nhuyễn lối đá quen thuộc của mình. Vấn đề thứ hai của CLB Hà Nội là khả năng tận dụng cơ hội. Trước đối thủ Sài Gòn, đội trưởng Văn Quyết bỏ lỡ 2 pha bóng khó tin với một tình huống sút cận thành ra ngoài, một quả đá luân lưu hỏng ăn.
Hàng công CLB Hà Nội cũng không còn đủ mạnh để tạo ra số lượng cơ hội lớn đến mức tiền đạo bỏ lỡ nhiều, đội vẫn chiến thắng được nữa. Họ sẽ phải học cách chỉn chu, chăm sút từng cú đá.
Đội bóng của HLV Chu Đình Nghiêm phải khắc phục triệt để, trong bối cảnh thể thức mới của V.League sẽ trừng phạt bất cứ đội nào mắc nhiều sai lầm và không có sự tích lũy. Mầm mống khủng hoảng đã bắt đầu xuất hiện sau các trận thua SLNA và CLB Sài Gòn.
Còn quá sớm để nói CLB Hà Nội bị lật đổ, nhưng phần còn lại của V.League đã bắt đầu tin vào điều đó.