Chiều 3/8, Hoàng gia Tây Ban Nha đã công bố bức thư cựu vương Juan Carlos gửi con trai nói ông sẽ “rời khỏi Tây Ban Nha sau những hậu quả của một loạt sự vụ trong quá khứ tôi gây ra”.
Cựu vương Juan Carlos sẽ phải rời khỏi Tây Ban Nha và sống lưu vong ở nước ngoài sau một loạt cáo buộc tai hại về thỏa thuận tài chính của ông, làm tổn hại đến uy tín của chế độ quân chủ và làm xấu mặt con trai ông, Vua Felipe, theo Guardian.
Vua Tây Ban Nha Felipe (trái) và cha ông, cựu vương Juan Carlos. Ảnh: AFP/Getty. |
Ông Juan Carlos nói rằng ông đã quyết định rời khỏi cung điện hoàng gia và đất nước để giúp Felipe “thực hiện trách nhiệm của mình với tư cách một vị vua”.
Ông cho biết thêm: “Đây là một quyết định rất xúc động nhưng thanh thản. Tôi đã là vua của Tây Ban Nha trong gần 40 năm và suốt cuộc đời tôi luôn muốn làm những gì tốt nhất cho Tây Ban Nha và ngôi vua”.
Bức thư không đề cập đến nơi cựu vương dự định sẽ tới và thời điểm chính xác ông sẽ rời Tây Ban Nha.
Một nguồn tin của chính phủ Tây Ban Nha cho biết họ tôn trọng quyết định này của cựu vương và cho rằng động thái thể hiện sự minh bạch mà Vua Felipe luôn đề cao kể từ khi lên ngôi.
Hoàng gia Tây Ban Nha cũng cho biết Vua Felipe đã bày tỏ “lòng biết ơn và sự tôn trọng” với quyết định này. Họ nói rằng quốc vương hiện tại đề cao “tầm quan trọng sự trị vì của cha ông và sự phục vụ của ông ấy” dành cho Tây Ban Nha và nền dân chủ.
Vào tháng 3, Vua Felipe đã tước bỏ khoản trợ cấp hàng năm tương đương 216.000 USD của cha mình, đồng thời từ bỏ bất cứ thừa kế cá nhân nào có thể nhận được từ cha, sau khi rộ lên thông tin ông cũng được chia phần hàng triệu euro từ một quỹ nước ngoài bí mật có liên hệ với Saudi Arabia.
Truyền thông đưa tin cựu quốc vương Juan Carlos I đã nhận 88 triệu euro (100 triệu USD) từ cố quốc vương Saudi Arabia Abdullah vào năm 2008, thông qua một tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Cáo buộc này cũng cho rằng bản thân Vua Felipe VI là một trong những người được chia số tiền này.
Số tiền được chuyển vào một tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ, đứng tên một quỹ ở Panama.
3 tháng sau, Tòa án Tối cao của Tây Ban Nha đã mở cuộc điều tra về sự dính líu của cựu vương với tập đoàn Tây Ban Nha trong hợp đồng xây dựng dự án đường sắt cao tốc nối các thành phố Mecca và Medina của Saudi Arabia, trị giá 7,6 tỉ USD.
Juan Carlos đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục nền dân chủ cho Tây Ban Nha sau cái chết của nhà độc tài quân sự, tướng Francisco Franco, năm 1975, nhất là khi ông đứng vững trước cuộc đảo chính quân sự vào năm 1981.
Nhưng trong những năm gần đây, những tiết lộ về đời sống riêng tư và các vấn đề tài chính của ông đã làm mờ đi những gì từng được coi là một trong những chế độ quân chủ kiểu mẫu của châu Âu.
Juan Carlos thoái vị nhường ngôi cho con trai Felipe 6 năm trước sau một loạt bê bối bao gồm cả chuyến đi săn voi gây tranh cãi ở Botswana trong khi Tây Ban Nha bị tàn phá bởi cuộc khủng hoảng tài chính.