Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từ trần

Nelson Mandela, biểu tượng của phong trào chống phân biệt chủng tộc, đã qua đời ở tuổi 95 hôm qua do biến chứng của bệnh nhiễm trùng phổi.

Đương kim Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma thông báo ông Mandela, người anh hùng của dân tộc, đã qua đời trong vòng tay của những người thân yêu vào đêm 5/12 tại nhà riêng ở Houghton, thuộc khu vực ngoại ô thành phố Johannesburg.

"Giờ đây Mandela đã yên nghỉ. Đất nước chúng ta vừa mất người con trai vĩ đại nhất. Nhân dân mất một người cha. Những điều khiến Mandela vĩ đại chính là những điều rất con người. Khi nhìn vào ông ấy, chúng ta thấy những thứ mà chúng ta tìm kiếm cho bản thân", CNN dẫn lời ông Zuma.

Nam Phi sẽ tổ chức quốc tang cho Mandela. Ông Zuma ra lệnh cả nước treo cờ rủ từ hôm nay tới khi quốc tang của vị anh hùng dân tộc kết thúc.

"Mặc dù chúng ta biết ngày này sẽ tới, song không thứ gì có thể làm giảm cảm giác mất mát sâu sắc và dai dẳng của chúng ta", ông Zuma nhấn mạnh.

Người dân đã tập trung bên ngoài ngôi nhà của Mandela ở Houghton sau khi ông qua đời. Họ hát những ca khúc và hô vang khẩu hiệu để ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Nelson qua đời ở tuổi 95. Ảnh: AP.

Biểu tượng của phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc đã chống chọi với nhiều căn bệnh trong thời gian gần đây. Ông nhập viện nhiều lần vì chứng nhiễm trùng phổi tái phát. Mặc dù hiếm khi xuất hiện trước công chúng từ năm 2004, Mandela vẫn giữ một vị trí đặc biệt trong tâm thức của người dân Nam Phi và cộng đồng quốc tế. Lần xuất hiện cuối cùng của ông trước công chúng diễn ra vào năm 2010, khi Nam Phi là nước chủ nhà của World Cup.

Tổng giám mục Desmond Tutu, người sát cánh cùng Mandela trong cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, nói rằng cựu tổng thống Nam Phi không chỉ là món quà tuyệt vời mà Thượng đế ban cho nhân loại, mà còn khiến cho người dân Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung cảm thấy tự hào về bản thân họ.

"Ông ấy khiến chúng ta bước với dáng vẻ hiên ngang", Tutu bình luận.

BBC cho hay chính phủ Nam Phi sẽ đưa thi hài Mandela tới thủ đô Pretoria và có thể quốc tang dành cho ông sẽ diễn ra vào ngày 7/12.

Nelson Mandela chào đời ngày 18/7/1918 tại Mvezo, tỉnh Cape, Nam Phi. Ông làm tổng thống Nam Phi từ năm 1994 đến 1999 và là tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu.

Trước khi trở thành tổng thống, Mandela là nhà hoạt động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid. Năm 1962, chính quyền của người da trắng bắt và buộc tội ông phá hoại và âm mưu lật đổ chính phủ. Ông lĩnh án tù chung thân. Sau 27 năm trong tù, Mandela được trả tự do vào ngày 11/2/1990. Bốn năm sau đó, ông trở thành tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi, chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc của người da trắng đối với người da màu. Trong nhiệm kỳ tổng thống từ năm 1994 đến 1999, Mandela luôn coi hòa giải dân tộc là ưu tiên hàng đầu.

Lãnh đạo thế giới tiếc thương cựu tổng thống Nelson Mandela

Tổng thống Mỹ bày tỏ lòng tôn kính, tiếc thương người anh hùng Nam Phi tại Nhà Trắng tại một cuộc họp báo ngắn vào tối hôm qua. Ông Obama nói: “Cuộc đời Nelson Mandela khơi nguồn cảm hứng cho tôi và hàng triệu triệu người khác. Tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống của tôi sẽ ra sao nếu không noi gương ông. Hôm nay, ông ấy đã về trời. Chúng ta vừa mất đi một trong những người tốt, can đảm và ảnh hưởng nhất hành tinh. Ông ấy không còn thuộc về chúng ta”.

Ông Ban Ki-moon cũng lên tiếng ca ngợi vị lãnh tụ giải phóng dân tộc của Nam Phi: “Chúng ta đã học hỏi từ ông Mandela sự thông minh, lòng quyết tâm và sự tâm huyết để làm cho thế giới tốt đẹp hơn”.

Thủ tướng Anh Cameron viết trên trang cá nhân: “Nguồn ánh sáng vĩ đại vừa vụt tắt. Nelson Mandela là anh hùng của thời đại chúng tôi. Tôi đã yêu cầu treo cờ rủ tại dinh thủ tướng số 10 Dowing, London (Anh).

Thủ tướng Canada Stephen Harper bày tỏ niềm xúc động trước sự ra đi của lãnh tụ Nam Phi: “Người dân Canada chia sẻ nỗi mất mát với gia đình ông Mandela và người dân Nam Phi. Thế giới vừa mất đi một trong những nhà lãnh đạo đạo đức tuyệt vời nhất”.

Đỗ Quyên

Bạn có thể quan tâm