Cựu Thống đốc kể chuyện giảm lạm phát từ 700% về 5%
Làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong vòng gần 10 năm, ông Cao Sĩ Kiêm tạo dấu ấn với việc đưa lạm phát từ 700% xuống còn 5-6% vào năm 1991.
Ông Kiêm kể, lịch sử kinh tế vĩ mô Việt Nam có 4 lần lạm phát lớn nhất: Mất cân đối tiền hàng năm 1986-1991, khủng hoảng tài chính khu vực 1997-2000, lạm phát do tác động của kinh tế thế giới năm 2008, và hiện tại. Song gây nhiều ấn tượng nhất, theo ông Cao Sĩ Kiêm, là cuộc lạm phát kéo dài từ những năm 1986-1988 đến 1991. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam suy giảm mạnh, trì trệ không phát triển được trong cơ chế bao cấp. Hơn nữa, trong bối cảnh đó, việc bao vây cấm vận rất triệt để, tiền tung ra quá nhiều khiến cho giá cả tăng rất nhanh.
Lạm phát thời kỳ đó, theo nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm, đã lên tới 700% càng khiến cho đời sống người dân khó khăn, kinh tế trì trệ. “Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và hành động có hiệu quả của Chính phủ, chúng ta đề ra một giải pháp chống lạm phát và thực hiện thành công, người ta gọi là ‘hiện tượng Việt Nam’. Nó khác tất cả các cuộc chống lạm phát trên thế giới”, ông Kiêm nhận xét.
"Siêu vũ khí" chống lạm phát
Trên thế giới, để chữa lạm phát thông thường có 3 cách. Thứ nhất và cũng triệt để hơn cả là đổi tiền, thứ hai là tăng hàng, thứ ba là rút tiền về. Ông Kiêm phân tích, thời điểm đó, Việt Nam vừa mới đổi tiền, việc tăng hàng cũng khó khăn vì sản xuất trì trệ. Do đó, biện pháp thứ ba rút tiền về là có khả năng thực thi cao.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm cho rằng, đời mình giống như quả bóng, ấn xuống thì xẹp, nhưng khi buông tay nó lại nẩy lên. Ảnh: Lan Anh. |
“Biện pháp tích cực nhất được chọn lúc đó là tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên 20%/tháng (so với mức 4-5% trước đó), tương đương 240%/năm. Lượng tiền Ngân hàng Nhà nước thu hút về rất lớn và nhanh, tương đương với một nửa số đang lưu thông ngoài thị trường, chỉ trong vòng 6 tháng”, ông Kiêm nhớ lại. Dù thế, tiền lưu thông giảm xuống mà lại không có hàng để đưa ra, thì việc chống lạm phát khó có thể có tác dụng.
Ngay lúc đó, được Chính phủ cho phép, Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay ra với lãi suất chỉ 10%/năm. Phần chênh lệch với lãi suất huy động trên 200%/năm, Nhà nước bù. Nhân dân vay vốn lãi suất thấp để nuôi gà, lợn, tôm, trồng cà phê, điều… xuất khẩu, rồi bán hàng lấy đôla về Việt Nam, nhập hàng tiêu dùng về cân đối lại. Theo ông Kiêm, đó là cách thứ nhất để cân đối tiền hàng. Cách thứ hai là khuyến khích nhập hàng hóa vật tư với điệu kiện hải quan, thuế khóa rất thông thoáng và ưu đãi.
Ông Kiêm nhân xét, kết quả chống lạm phát trong bối cảnh đó có được là do đường lối đổi mới kinh tế đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo sâu sát, sáng tạo của Chính phủ, các bộ ngành. “Việc rút tiền thực hiện nhanh, chặn được tốc độ phi mã của lạm phát, khôi phục được sản xuất là cách làm riêng của Việt Nam. Nói ‘hiện tượng Việt Nam’ là thế”, nguyên Thống đốc Cao Sĩ Kiêm chia sẻ.
Bí quyết của vị lãnh đạo từ "tỉnh lẻ"
Tính đến năm 2012, vừa tròn 15 năm ông Cao Sĩ Kiêm rời ghế Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Nhớ lại kỷ niệm những ngày được tin tưởng bổ nhiệm đảm đương vị trí này, ông kể, hồi đó quá bất ngờ. Tuy vậy, vị Thống đốc với mái tóc bạc, và giọng nói ấm cho hay, ông không hề bị “khớp” mà chỉ thấy băn khoăn, phần vì trưởng thành từ địa phương quen với lãnh đạo vi mô, chưa từng làm cấp vĩ mô.
“Mặc dù làm ngân hàng từ những năm 1958 nhưng hồi tôi làm là ở địa phương. Bây giờ được tin tưởng giao cho phụ trách cả ngành ngân hàng trong điều kiện sản xuất trì trệ, đời sống khó khăn, hệ thống ngân hàng còn nhiều hạn chế. Tôi đem tâm tư này trình bày với các đồng chí lãnh đạo đặc biệt là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc đó là đồng chí Đỗ Mười, họ đã ân cần chỉ bảo và động viên tôi về hướng đi, cách làm, phát triển chương trình hành động cụ thể”, ông Kiêm nhớ lại.
Sau đó, mọi đề xuất của ông đều được thực hiện, từ việc ra pháp lệnh, xây dựng chương trình đổi mới hệ thống ngân hàng mở cửa hội nhập đến bố trí đội ngũ cán bộ. “Với yếu tố thuận lợi đó, tôi đã nhận nhiệm vụ. Cùng đồng nghiệp, chúng tôi khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển chương trình hành động cụ thể”, ông nói.
Trả lời câu hỏi, việc thay mới cán bộ liệu có phải chịu áp lực, nguyên Thống đốc bày tỏ: Vì chủ trương đã đúng đắn, sát với thực tế, nên những gì còn lại chỉ còn là cụ thể hóa giải pháp, lộ trình thực hiện hợp lý, tạo động lực để khơi dậy ý thức làm việc dân chủ, sáng tạo của đội ngũ, sự ủng hộ hợp tác của các ngành và địa phương cũng như khai thác sự đồng thuận của đồng nghiệp và nhân dân.
Ông kể tiếp, vì mới ở địa phương lên, nên việc đầu tiên ông làm khi đảm nhiệm cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là khai thác trí tuệ của đồng nghiệp, kể cả những người tiền nhiệm và những người sẽ cộng tác. Những hình thức được ông Kiêm sử dụng là giao phiếu xin ý kiến đóng góp, gặp trực tiếp, giao lưu thảo luận theo chuyên đề để tìm ra biện pháp thích hợp nhất khắc phục tồn tại đổi mới ngành ngân hàng. “Việc làm này, ngoài ý định lấy ý kiến, còn có mục đích tạo sự đồng thuận, nỗ lực.
Được hỏi về kinh nghiệm rút ra cũng như sự so sánh thời điểm lên làm Thống đốc những năm 1989 với hiện tại, ông Cao Sĩ Kiêm trả lời, mỗi thời đều có khó khăn, thuận lợi riêng. Thời nay có thuận lợi là đường lối, chính sách và hội nhập về kinh tế thị trường đã rõ ràng và hoàn chỉnh. Còn thời ông làm thì chưa có, phần lớn là dò đường định lối theo kiểu “dò đá qua sông”. “Nhưng thời nay cũng có cái khó là hội nhập sâu, thị trường phát triển cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi trình độ cao trong đó có dự báo, xây dựng và điều chỉnh so sánh. Nếu không đáp ứng được sẽ bị trả giá rất đắt”, ông thẳng thắn nhận xét.
'Đời tôi giống như quả bóng'
Nhắc lại sự việc rời ghế Thống đốc, ông Kiêm bộc bạch: “Đời tôi cũng giống như quả bóng, ấn xuống thì xẹp, nhưng buông tay nó lại nẩy lên”. Ông giải thích, đời người, ai cũng có lúc thành công, khi thất bại. Khi thành công, ông không bao giờ tự mãn, còn lúc thất bại, vấp váp thì kiên trì, khiêm tốn, tự nhìn lại học hỏi để phấn đấu tốt hơn.
Về vụ việc Minh Phụng EPCO diễn ra những năm cuối thập niên 90 - một trong những tác động đến quãng thời gian làm Thống đốc, ông Kiêm bày tỏ, đó là thời điểm Nhà nước mở cửa cho vay tư nhân. Ngân hàng không chỉ phục vụ cho quốc doanh tập thể, mà cho cả nền kinh tế. “Song thời bấy giờ, thể lệ chưa có đủ, việc kiểm tra chưa chặt chẽ. Mình là người đứng đầu ngành, mình phụ trách thì phải chịu trách nhiệm”, ông nói.
“Lúc đó, tôi thấy rất buồn, vì mình có khuyết điểm trong việc kiểm tra quản lý. Ý thức thì có, nhưng hành động không hiệu quả. Tôi tâm niệm phải sửa khuyết điểm của mình”, ông Kiêm nói. Từng làm việc với ông Kiêm thời kỳ giải quyết hậu quả vỡ quỹ tín dụng, ông Phạm Quang Kình, nguyên Tổ trưởng tổ xử lý nợ Quỹ Tín dụng Nhân dân Hồ Tây (Hà Nội) chia sẻ: "Anh Kiêm là người chính trực nhưng tinh tế và có thần kinh thép. Nếu không phải là anh Kiêm thì người ta khó có thể giải quyết được hệ quả đổ vỡ các quỹ tín dụng với những sức ép khủng khiếp đến từ nhiều phía".
Còn ông Kiêm tâm sự: “Khi tôi thôi làm Thống đốc, nếu buông xuôi, chấp nhận thì có lẽ tôi đã bỏ cuộc. Nhưng nếu mình buông xuôi, mình sẽ tự chấm hết. Khi được giao nhiệm vụ mới, trên cơ sở những bài học đã được rút ra qua vấp váp và bất cập của mình, tôi luôn tâm niệm phải làm tốt”, người đã từng là lãnh đạo cao nhất ngành ngân hàng cách đây 15 năm cho biết.
Không bình luận về những hỉ, nộ, ái, ố của đời sống các quan chức, lãnh đạo ngân hàng hiện nay, ông Kiêm kể, cuộc sống riêng cũng bình thường như bao người khác. Sáng sáng ông dậy sớm, tập thể dục, rồi đi làm. Những lúc rảnh rỗi, ông dành thời gian chăm sóc cây, chim cảnh, chơi với cháu. Căn nhà khá đẹp của ông cũng là do tự tay vợ chồng ông mua được, nhờ bán căn nhà cũ tại Thái Bình và tiền của các con học tập, làm việc ở nước ngoài đóng góp. “Nói thật, lương Thống đốc nghỉ hưu cũng đủ ăn”, ông Kiêm chia sẻ.
Ông Cao Sĩ Kiêm sinh năm 1941 tại Thái Bình, là Tiến sĩ kinh tế, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam những năm 1989-1997. Ông Kiêm được biết đến là một trong những đại biểu Quốc hội lớn tuổi nhất được tín nhiệm nhất từ trước tới nay. Trong thời gian làm Phó ban Kinh tế Trung ương, ông Kiêm còn kiêm các chức vụ khác như Phó chủ tịch Hội đồng Tài chính tiền tệ quốc gia, thành viên Ủy ban Hợp tác kinh tế quốc tế, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam. Ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ và được đồng nghiệp yêu mến, tin tưởng. Hiện ông Kiêm là thành viên HĐQT độc lập tại Ngân hàng Đông Á. Ông còn giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông cũng là một chuyên gia tài chính có nhiều tiếng nói đóng góp vì sự phát triển ngành ngân hàng Việt Nam. |
Lan Anh
Theo Infonet