Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chân dung người Việt đầu tiên mở ngân hàng tại Mỹ

Ấn tượng ban đầu về ông là vóc dáng nhỏ bé nhưng ánh mắt sáng và nụ cười tươi luôn thường trực. Ông là người đầu tiên thành lập ngân hàng cho cộng đồng Việt trên đất Mỹ.

Chân dung người Việt đầu tiên mở ngân hàng tại Mỹ

Ấn tượng ban đầu về ông là vóc dáng nhỏ bé nhưng ánh mắt sáng và nụ cười tươi luôn thường trực. Ông là người đầu tiên thành lập ngân hàng cho cộng đồng Việt trên đất Mỹ.

Là người gốc Quảng Ninh, sang nước ngoài cùng với gia đình từ những năm trước giải phóng, Nguyễn Trí Hiếu có cách nói chuyện cởi mở, giản dị và khá nồng nhiệt. Trong căn phòng làm việc gọn gàng và giản dị nhưng không kém phần thi vị (có hoa và sách), Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu kể lại câu chuyện mở ngân hàng tại đất Mỹ của mình.

Ông chia sẻ, đã về Việt Nam được 3 năm, làm cố vấn cho 2 ngân hàng và "dừng chân" với cương vị thành viên Hội đồng quản trị tại Ngân hàng An Bình. Tính đến khi về làm ngành ngân hàng tại Việt Nam vào năm 2009, ông Hiếu đã có 32 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tài chính tại nước ngoài, chủ yếu là Mỹ.

Thế kỷ 20, vào thập niên 90, cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ khá đông đúc và có tiềm năng lớn, với nhiều cơ sở kinh doanh phát đạt của các tiểu thương. Đặc biệt, vùng Little Saigon được coi là trung tâm thương mại góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế của tiểu bang California. Đây cũng là lúc nhiều người nghĩ đến việc thành lập một ngân hàng do người Việt quản lý và phục vụ cho cộng đồng của mình.

Nhưng phải hơn 10 năm sau, vào một ngày tháng 5/2005, ý tưởng đó mới được biến thành hiện thực, khi giá bất động sản lên cao kỷ lục, nhiều người Việt tại Mỹ trở thành triệu phú đôla. Lúc đó, cùng với vài người bạn Mỹ và Việt Nam, ông Nguyễn Trí Hiếu thành lập ngân hàng đầu tiên của người Việt trên đất Mỹ với tên gọi First Vietnamese American Bank (FVAB), dịch sang tiếng Việt là Đệ Nhất Ngân Hàng Việt Mỹ. Ông là Tổng giám đốc, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

“Cái tên nghe nổ phải không?”, là câu hỏi hóm hỉnh của ông khi nói về việc FVAB ra đời. Dù vậy, nếu nghe kể về những khó khăn để tạo được một ngân hàng riêng cho người Việt Nam trên đất Mỹ, mới thấy được quyết tâm của những người Việt sinh sống và định cư tại đây.

Ông chủ ngân hàng Việt đầu tiên trên đất Mỹ Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: Lan Anh.

Nhen nhóm ý tưởng từ những năm 90 nhưng phải mất hơn chục năm mới cho ra đời được FVAB, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ, suốt thời gian đó, ông vẫn miệt mài làm ngân hàng. Năm 1995, tạm gác ý tưởng thành lập nhà băng cho người Việt, ông trở về Việt Nam và tham gia mở chi nhánh đầu tiên của Deutsche Bank - một ngân hàng Đức.

Trong thời gian này, ông còn là thành viên tổ tư vấn của Chính phủ gồm 4 người Việt ở nước ngoài và một số chuyên gia trong nước. Đây là tổ tư vấn được lập ra để khảo sát Agribank và đề xuất cải tổ. Nếu thành công ở đề án này, mô hình sẽ được mở rộng cho toàn hệ thống ngân hàng. Sản phẩm có giá trị nhất của tổ tư vấn này tính đến hôm nay là cuốn sách về đề án tái cấu trúc Ngân hàng Nông nghiệp. “Sau đó, tôi phải đưa cả gia đình trở lại Mỹ vì bà cụ thân sinh ốm nặng. Những người còn lại của tổ tư vấn cũng lần lượt bỏ dần, nên tiếc nhất là chưa thực hiện được tái cấu trúc ngành ngân hàng lẽ ra đã làm từ những năm 1997”, ông Hiếu chia sẻ.

Trở về Mỹ, ông Hiếu làm việc ở một ngân hàng Do Thái của người Mỹ tại Los Angeles. Từ đó đến năm 2002, một số người bạn cùng ý tưởng thành lập ngân hàng cho người Việt trở lại tìm ông, họ quyết định lập ban trù bị để mở nhà băng vào một năm sau đó. Về số vốn đầu tư ban đầu của FVAB lên tới 38 triệu USD, ông Hiếu chia sẻ, là con số rất lớn tại thời điểm đó. 38 triệu USD này chủ yếu huy động từ những triệu phú đôla gốc Việt thành công nhờ bất động sản, bên cạnh những nhà đầu tư của cộng đồng khác gồm Hàn Quốc, Hoa, Do Thái, Mỹ... Dù vậy, cơ quan FDIC chỉ cho phép giữ lại 15 triệu USD đối với một ngân hàng mới thành lập. Toàn bộ số tiền còn lại, huy động xong, FVAB lại đem trả cho từng người.

Cũng giống như tại Việt Nam, ở Mỹ, muốn mở một ngân hàng, bắt buộc các cổ đông phải lập ban trù bị và trình bày các phương án kinh doanh khả thi với các cơ quan chủ quản của ngành ngân hàng liên bang và tiểu bang. Chỉ tiêu quan trọng nhất ban trù bị phải xây dựng trong phương án khả thi là vốn pháp định (legal capital), vốn huy động, cho vay, đối tượng khách hàng chính, sản phẩm huy động cũng như phát triển tín dụng và địa bàn hoạt động…

Đặc biệt, cơ quan chức năng Mỹ rất quan tâm đến các yếu tố như mục tiêu chiến lược, phạm vi hoạt động, đối tượng phục vụ và những thành viên trong hội đồng quản trị, những thành phần trong ban quản lý (management) ngân hàng: Họ là người như thế nào, lý lịch và quá trình hoạt động có những sai phạm về luật pháp và đạo đức kinh doanh hay không... Nếu cơ quan chức năng Mỹ phát hiện các thành viên hội đồng quản trị có mối liên hệ máu mủ với nhau như bố mẹ, anh chị em, họ hàng…, họ sẽ theo dõi sát sao xem liệu việc thành lập ngân hàng có phải để phục vụ ý đồ, quyền lợi riêng hay không.

Vì thế khi mở FVAB, ông và các thành viên ban trù bị phải trải qua một tiến trình điều tra cực kỳ kỹ lưỡng từ phía cơ quan chức năng của Mỹ. Ngay sau đó, phía Quốc hội và Hạ viện Mỹ đã có những cuộc điều trần về FVAB và ca ngợi, nhà băng này ra đời giống như thành công của Chính phủ Mỹ giúp cho sự phát triển các cộng đồng thiểu số. “Đối với tôi, nó là một thành công của người Việt, nhưng Mỹ lại muốn biến nó thành thành công của họ. Lúc thành lập ngân hàng, tôi vui lắm, báo chí và truyền hình Mỹ cũng đưa tin rất nhiều về sự kiện này”, ông Hiếu chia sẻ.

Nhưng ý nghĩa lớn lao nhất của FVAB, theo ông, là biểu tượng của sức mạnh cộng đồng Việt tại đất nước cách Việt Nam nửa vòng trái đất. Ông bảo, ngân hàng tại Mỹ cũng như ở Việt Nam là biểu tượng định chế tài chính và là “hàn thử biểu” để đo sức trưởng thành tài chính của một cộng đồng. Vì thế việc người Việt thành lập một ngân hàng Việt Nam cũng được đánh giá như là một cách để chứng minh sự trưởng thành của cộng đồng thiểu số người Việt trong lĩnh vực tài chính, bên cạnh các cộng đồng khác như người Hàn Quốc, Do Thái, Hoa…

Việc thành lập ngân hàng cho người Việt dù có ý tưởng từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng thất bại, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là lúc đó, chưa có cộng đồng người Việt nào trên thế giới thành lập một ngân hàng riêng cho mình, vì thế mà việc để người Việt lập ngân hàng tại Mỹ là điều không có tiền lệ. Ngoài ra, nhiều người cũng băn khoăn về việc sẽ sử dụng mô hình nào để sử dụng một nhà băng như thế. Thêm vào đó, dù cộng đồng người Việt đã có nhiều phát triển, nhưng huy động vốn vẫn còn hạn chế do cộng đồng người Việt ở Mỹ vào thập niên 90 của thế kỷ 20 cũng chỉ tương đối ổn định, chưa phát triển như thế kỷ 21.

“Tiếc là đến năm 2007, dù phát triển tốt, FVAB vẫn không tránh khỏi vòng xoáy suy thoái của kinh tế Mỹ. Bong bóng bất động sản nổ tung kéo theo sự sụp đổ của nhiều ngân hàng hàng đầu. Xu hướng mua bán, sáp nhập ngân hàng bùng lên, FVAB sau đó được bán cho một nhà băng khác vào năm 2009”, ông Hiếu ngậm ngùi kể lại.

Không tiết lộ mức giá, song theo người thành lập ngân hàng Việt đầu tiên tại Mỹ cho biết không có lời. Ông chia sẻ, rất buồn khi phải bán đi “đứa con tinh thần” của mình. Mở FVAB, tham vọng của ông không dừng lại ở việc phục vụ cộng đồng người Việt tại Mỹ mà còn có mơ ước cao hơn là làm cầu nối phát triển thương mại, tài trợ mậu dịch giữa các nhà băng Việt Nam với Mỹ. Điều khiến ông chủ ngân hàng Việt đầu tiên tại Mỹ vui mừng là hai ngân hàng hàng đầu của Việt Nam là Vietcombank và Incombank (nay là Vietinbank) đều đã sang tham quan mô hình và lập quan hệ với Đệ Nhất Ngân Hàng Việt Mỹ trong những năm nó còn tồn tại.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu có 32 năm kinh nghiệm làm ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ và 3 năm tại Việt Nam. Tại Việt Nam, ông Hiếu hiện là chuyên gia tài chính độc lập đồng thời đảm nhiệm cương vị thành viên thường trực và độc lập HĐQT Ngân hàng cổ phần An Bình.

Ông là người Việt đầu tiên thành lập ngân hàng tại Mỹ và cũng là một trong những chuyên gia có nhiều ý kiến đóng góp tích cực cho việc phát triển ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam.

Kỳ tiếp: TS Nguyễn Trí Hiếu kể chuyện đi làm bằng xe ôm

 Lan Anh

Theo Infonet

 

 Lan Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm