Tối 12/9, tàu cá của ông Võ Cu (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) đưa 4 ngư dân trên con tàu chìm do anh Lê Văn Yên làm thuyền trưởng gặp nạn ở vùng biển Hoàng Sa về cập cảng Sa Kỳ an toàn.
Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị sóng lớn nhấn chìm trong lúc chạy về bờ trú bão chiều 12/9.Ảnh: Minh Hoàng. |
Tơi tả, mệt mỏi trong ngày về, anh Yên thuật lại, ngày 4/9, bốn ngư dân cùng đi trên tàu cá xuất bến cảng Lý Sơn ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt thủy sản. Sau 5 ngày hành nghề, đến tối ngày 8/9, tàu đang neo nghỉ ngơi ở cồn Bạch Quy thuộc vùng biển Hoàng Sa thì mưa giông kèm theo lốc xoáy bất ngờ ập tới. Nhiều cột sóng lớn liên tiếp bổ nhào nhấn chìm tàu, bốn ngư dân mỗi người bị hất văng, trôi dạt mỗi hướng.
"Trong lúc hoảng loạn, chúng tôi vật lộn với sóng dữ, cố bám trụ ở mũi con tàu chìm. Sau cơn giông lốc xoáy, chúng tôi đồng thanh kêu cứu, đến rạng sáng 9/9 may mắn có tàu ông Võ Cu chạy đến cứu sống 4 anh em, vị thuyền trưởng gặp nạn thuật lại.
Lúc 18h hôm 12/9, ven biển Quảng Ngãi xuất hiện nhiều cột sóng lớn. Ảnh: Minh Hoàng. |
Thời điểm đó, ông Cu cùng một số ngư dân Bình Châu cũng đang trú tránh lốc xoáy ở gần cồn đá Bạch Quy nên nghe tiếng kêu cứu của anh Yên cùng ba người gặp nạn.
Lúc chạy tàu đến ứng cứu, bốn ngư dân đang bám ở mũi tàu nhấp nhô dưới nước. Chúng tôi lần lượt vớt họ đưa lên tàu trong tình trạng lạnh run, đói lả kiệt sức nên phải sưởi ấm, nấu cháo loãng cho ăn để sớm hồi phục sức khỏe", ông Cu nói.
Trong khi đó, trưa 12/9, ông Phạm Văn Hùng và Nguyễn Ca (đều ngụ xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) trên đường chạy tàu vào bờ tránh trú bão đã bị mắc cạn ở khu vực cửa Đại, sóng lớn nhấn chìm. Rất may 6 ngư dân trên hai tàu chìm này cũng được người dân địa phương cứu sống.
Chiều 12/9, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã họp khẩn với các sở, ngành, địa phương.
Tại cuộc họp, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố ven biển và huyện Lý Sơn phối hợp chặt chẽ cơ quan chức năng đảm bảo an toàn tàu thuyền.
Kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở núi, sạt lở bờ sông, bờ biển, các khu vực có nguy cơ ngập úng, vùng hạ du các hồ chứa nước, bến đò ngang, đò dọc...Chủ động các di dời, sơ tán nhân dân, tổ chức thu hoạch vụ hè thu, bố trí lực lượng trực canh, cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người dân và giảm thiểu các thiệt hại có thể xảy ra.
Sở giáo dục và đào tạo chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, mưa, lũ để kịp thời thông báo nghỉ học, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh, sinh viên. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực, xử lý sự cố do thiên tai gây ra và triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.