Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

'Cứu' phố cổ Hội An khỏi nguy cơ bị hủy hoại

"Sau 4 thế kỷ, đến nay, nhiều công trình trong phố cổ Hội An đã xuống cấp, hư hại và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào", Chủ tịch Quảng Nam nói tỉnh đang nỗ lực hóa giải nguy cơ này.

Giải tỏa áp lực lõi phố cổ Hội An và mở rộng không gian cho khu vực này là giải pháp được tính đến nhằm hóa giải nguy cơ khiến Di sản Văn hóa Thế giới này bị hủy hoại.

"TP Hội An sẽ mở rộng đô thị về phía bắc là thị xã Điện Bàn và phía Nam sông Thu Bồn vào các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình", theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh. Ông nhấn mạnh việc này phải thực hiện càng sớm càng tốt vì đô thị Hội An đang chịu áp lực rất lớn.

Sớm giải tỏa áp lực cho Hội An

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho rằng việc đầu tiên giúp giải tỏa áp lực cho Hội An là phải tập trung quy hoạch lại cả vùng lõi khu phố cổ và phát triển vùng lân cận.

"Một số khu vực có thể phát triển mạnh, giải tỏa áp lực về du khách, không gian, hạ tầng khu phố cổ như làng gốm Thanh Hà, biển An Bàng, Cẩm Kim… trở thành điểm du lịch đêm, qua đó thu hút, giảm du khách trong phố cổ", ông Sơn cho hay.

"Việc đầu tiên giúp giải tỏa áp lực cho Hội An là tập trung quy hoạch lại cả vùng lõi phố cổ và phát triển vùng lân cận".

Chủ tịch TP Hội An Nguyễn Văn Sơn

Ông Sơn cũng góp ý nên tập trung đầu tư hạ tầng, kết nối giao thông và quy hoạch các bãi xe đón tiếp xa trung tâm và từng bước tiến tới cấm xe vào khu vực trung tâm. "Chỉ nên trung chuyển khách bằng xe điện, xe không động cơ", theo lời vị lãnh đạo.

Ông cho hay thành phố đang xây dựng đề án mở rộng phố đi bộ ra đến đường Phan Chu Trinh, tiến tới sau này cả khu trung tâm của Hội An trở thành "phố không động cơ".

Với diện tích quá nhỏ, lãnh đạo TP Hội An cho rằng cần mở rộng địa giới hành chính hoặc xây dựng vùng đệm ở các huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn. Những nơi này phải đảm nhận được trách nhiệm giải tỏa đô thị Hội An.

Ủng hộ phương án này, song Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chia sẻ việc xây dựng các công trình ở nơi là Di sản Văn hóa Thế giới này đều phải xin ý kiến của UNESCO.

ap luc voi Hoi An anh 1

Mật độ dân số tại phố cổ Hội An được đánh giá cao nhất so với cả nước. Ảnh: Thanh Đức.

Theo Chủ tịch Quảng Nam, sau 4 thế kỷ, đến nay, nhiều công trình trong phố cổ đã xuống cấp, hư hại và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Tính toán cho thấy mật độ dân số tập trung trong khu vực vùng lõi phố cổ Hội An là hơn 1.600 người/km2, đặc biệt, vào cao điểm du lịch có thể lên đến 5.000-10.000 người/km2.

"Mật độ này được đánh giá là cao nhất so với các địa phương, trong khi đó, phố cổ lại rất chật hẹp và thường xuyên bị thiên tai, bão lũ. Điều này gây áp lực lớn lên sự phát triển bền vững của Hội An", ông Thanh phân tích và cho hay địa phương đang nỗ lực giải tỏa khu vực vùng lõi, mời các chuyên gia hỗ trợ việc này.

Tạo không gian kết nối giữa Hội An và Đà Nẵng

Các chuyên gia nhận định thời gian qua, đô thị Hội An đã liên kết phát triển rất tốt với đô thị Điện Bàn và khu vực phía Nam như Duy Xuyên, Tam Kỳ, Thăng Bình. Trong giai đoạn từ 2021-2025, tỉnh Quảng Nam đề xuất TP Hội An sẽ nâng lên đô thị loại 2, việc này giúp mở rộng không gian, giảm áp lực phát triển ở khu vực vùng lõi.

Chia sẻ với Zing, KTS Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam), nhìn nhận Hội An không chỉ là đô thị biển bình thường, đây là Di sản Văn hóa Thế giới. Đối với Việt Nam, phố cổ Hội An là niềm tự hào, thương hiệu về du lịch, có giá trị về mặt ngoại giao với Nhật Bản.

ap luc voi Hoi An anh 2

KTS Trần Ngọc Chính cho rằng phố cổ Hội An là niềm tự hào, thương hiệu về du lịch, có giá trị về mặt ngoại giao với Nhật Bản. Ảnh: Thanh Đức.

Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng trong quy hoạch TP Hội An, tỉnh Quảng Nam cần nhìn nhận, đưa đô thị này phát triển về phía bắc là thị xã Điện Bàn và cả về phía nam qua cầu Cửa Đại, để mở rộng không gian cho Hội An.

Nếu thực hiện được, Hội An sẽ có cơ hội mở rộng không gian rất lớn, tạo động lực phát triển cho cả vùng Đông Quảng Nam.

"Tôi ủng hộ việc quản lý quy hoạch, mở rộng không gian để thực hiện các dự án nghỉ dưỡng, resort cho du khách tại khu vực giữa Hội An và TP Đà Nẵng", ông Chính góp ý.

"Cần mở rộng không gian để thực hiện các dự án nghỉ dưỡng, resort cho du khách tại khu vực giữa Hội An và TP Đà Nẵng"

KTS Trần Ngọc Chính

Ngoài đề xuất mở rộng địa giới hành chính, ông Chính cho hay việc tôn tạo lại vỉa hè, không gian sinh hoạt như chợ đêm cũng mang lại khả năng giãn khách ở trung tâm Hội An. Tuy nhiên, cần tổ chức cẩn trọng, nâng cao ý thức cho người dân và du khách để tránh gây ô nhiễm môi trường.

Vấn đề đầu tư về hạ tầng ở Hội An, ông Chính đánh giá còn yếu kém trong quy hoạch giao thông nội đô thành phố cũng như kết nối hai bờ sông. Ngoài ra, hệ thống các bãi đậu đỗ xe chưa đồng bộ, nên theo ông, phải có phương án kết nối cho khách đi lại, có thể là xe điện, xe ngựa hay các loại hình đi lại thuận tiện trong phố cổ.

Kêu gọi đầu tư

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định để thực hiện giải tỏa áp lực, tránh hủy hoại đô thị cổ Hội An, việc phát triển các đô thị khác như thị xã Điện Bàn hay vào phía nam ở các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình là điều tất yếu và cần phải làm càng sớm càng tốt.

"Cần tạo không gian du lịch mới cho TP Hội An nhằm giảm áp lực, hóa giải nguy cơ đô thị cổ bị hủy hoại"

Chủ tịch Quảng Nam Lê Trí Thanh

Theo ông Thanh, cần nghiên cứu đồ án quy hoạch và chiến lược phát triển của TP Đà Nẵng và TP Hội An, tránh ảnh hưởng trong việc phát triển đô thị Điện Bàn.

Còn các đô thị phía nam của sông Thu Bồn, trong đó có huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, quy hoạch phải tính toán mở rộng được không gian phát triển từ TP Hội An vào để giải tỏa bớt áp lực cho đô thị cổ.

"Đô thị ở khu vực này phải được lập quy hoạch trên cơ sở có tham chiếu, tránh chồng chéo. Các địa bàn lân cận phải phát triển loại hình dịch vụ mà Hội An không có điều kiện, không có quỹ đất hoặc không thực hiện được do yêu cầu về bảo vệ văn hóa di sản", theo lời ông Thanh.

ap luc voi Hoi An anh 3

Tỉnh Quảng Nam kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án phát triển du lịch ở nhiều địa phương để giảm áp lực cho Hội An. Ảnh: Thanh Đức.

Để làm được việc đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết địa phương luôn có chính sách thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển đô thị, đưa các loại hình dịch vụ, du lịch cao cấp và hướng tới khách thương gia.

Ông Thanh cho hay quỹ đất của Quảng Nam còn khá lớn, có thể tổ chức được những dự án quy mô lớn với loại hình kinh doanh đặc sắc, yêu cầu chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế ở huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, thị xã Điện Bàn.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhận định việc phát triển các địa phương lân cận sẽ tạo không gian du lịch mới cho TP Hội An, từ đó, giảm áp lực về hạ tầng, môi trường và hóa giải nguy cơ đô thị cổ bị hủy hoại.

Di tích ở Hội An chịu áp lực rất lớn vì sự phát triển Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, áp lực lên đô thị Hội An là rất lớn khi các di tích xuống cấp và có nguy cơ bị hủy hoại.

Nguy cơ phố cổ Hội An bị hủy hoại

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, di sản Văn hóa thế giới đô thị Hội An đang chịu áp lực rất lớn, sức chịu tải của vùng lõi có thể nói là lớn nhất cả nước bây giờ và cả sau này.

Thanh Đức

Bạn có thể quan tâm