Cựu lãnh đạo ACB trần tình vụ ủy thác 718 tỷ đồng
Theo ông Lê Vũ Kỳ, nhiều ngân hàng khác cũng thực hiện ủy thác đầu tư tương tự vụ gửi tiền 718 tỷ đồng của ACB vào Vietinbank.
Cuối buổi ĐHCĐ bất thường năm 2012 của ngân hàng ACB sáng nay 26/12, ông Lê Vũ Kỳ, nguyên phó chủ tịch ngân hàng ACB, một trong 4 cựu lãnh đạo của ngân hàng đã bị khởi tố, đại diện cho các cựu thành viên HĐQT là ông Trần Xuân Giá, ông Lý Xuân Hải, ông Trịnh Kim Quang đã có bài phát biểu trước cổ đông của ngân hàng.
Ông Lê Vũ Kỳ cho biết, trong 2 cuộc họp liên tịch năm 2010 của HĐQT vào ngày 8/3 và ngày 15/3, ông Lý Xuân Hải, nguyên TGĐ ngân hàng, đều lên tiếng báo động về nguy cơ thua lỗ cho ACB do phải trả lãi huy động và không có đầu ra, cho vay gặp khó và kênh liên ngân hàng bị tắc. Tại 2 cuộc họp này, HĐQT đã bàn bạc nhưng cuối cùng vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu được đưa ra.
Ông Lê Vũ Kỳ - nguyên phó chủ tịch ngân hàng ACB |
Tiếp theo là cuộc họp liên tịch ngày 22/3/2010, ông Hải có báo cáo về hướng đầu ra đối với khoản tiền thừa, đó là chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền. Vì chủ trương ấy, theo ông Hải và ban pháp chế của ngân hàng, là không sai phạm nên cuộc họp của thường trực HĐQT đã chấp thuận cho ban điều hành thực hiện. Trong thực tế, theo ông Kỳ, khoản tiền đó đã mang lại thu nhập hơn 1.600 tỷ đồng cho ACB.
Tại thời điểm ra chủ trương trên, HĐQT đồng ý thông qua do nhận thức rằng điều này không sai luật, mà phù hợp với quy định của luật các TCTD năm 2007 cũng như điều lệ của ACB đã được NHNN phê chuẩn. Cuộc họp ngày 22/3 chỉ chấp thuận chủ trương ủy thác, còn ủy thác bao nhiêu và vào ngân hàng nào, lãi suất bao nhiêu là thuộc phạm vi điều hành. Mặt khác, thời kỳ này việc gửi tiền tương tự như vậy rất phổ biến, ví dụ vụ Huyền Như lừa đảo và rất nhiều ngân hàng bị giống như ACB.
Qua bản tường trình, 4 cựu lãnh đạo của ACB cho rằng, chủ trương trên không phải vì lý do cá nhân mà để tránh thua lỗ cho ngân hàng, hoạt động ủy thác cũng được hạch toán đầy đủ lợi nhuận vào hoạt động kinh doanh, có đóng đủ thuế, và chia cổ tức cho cổ đông. Tất cả các chứng từ, ACB đã cung cấp đủ cho cơ quan điều tra. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ 2008 đến ngày từ nhiệm, các thành viên thường trực HĐQT đều làm việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Lợi nhuận trong giai đoạn này là hơn 15.000 tỷ đồng.
Với nhận thức vì ACB, các thành viên này không vì tư lợi mà đã bị khởi tố, theo ông Lê Vũ Kỳ, nếu chẳng may 718 tỷ đồng ACB gửi tại Vietinbank không thu hồi được do liên quan đến vụ Huyền Như, cả vốn và lãi, thì thường trực HĐQT mong cổ đông hiểu và chia sẻ.
Đại diện Ban Kiểm soát và Kế toán trưởng của ACB sau đó đã có xác nhận về số liệu và các ý kiến nói trên của ông Lê Vũ Kỳ. Theo đại diện Ban Kiểm soát, các số liệu trên đã được thể hiện trong báo cáo tài chính 2010, 2011 và đã được kiểm toán xác nhận.
Theo CafeF/TTVN