Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ACB sẽ ra sao với sự quay lại của cựu Chủ tịch?

Sau khi cựu Chủ tịch ACB quay lại, gia đình ông Trần Mộng Hùng sẽ có 3 ghế quyền lực tại HĐQT. Nhưng đến đại hội cổ đông tháng 3/2013, HĐQT sẽ thay đổi.

ACB sẽ ra sao với sự quay lại của cựu Chủ tịch?

Sau khi cựu Chủ tịch ACB quay lại, gia đình ông Trần Mộng Hùng sẽ có 3 ghế quyền lực tại HĐQT. Nhưng đến đại hội cổ đông tháng 3/2013, HĐQT sẽ thay đổi.

Theo dự kiến vào ngày 26/12, Đại hội cổ đông bất thường của Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) sẽ họp và thông qua việc bổ sung thêm 4 thành viên Hội đồng quản trị mới (HĐQT) trong đó có ông Trần Mộng Hùng – cựu Chủ tịch của nhà băng này. Như vậy, HĐQT mới dự kiến  có tới 3 người trong gia đình họ Trần: Trần Mộng Hùng, Đặng Thu Thủy (vợ ông Hùng) và Trần Hùng Huy (Chủ tịch HĐQT và là con trai ông Hùng).

Nhân sự dự kiến như trên khiến nhiều người liên tưởng đến cấu trúc gia đình trị tại ACB, từng diễn ra tại Sacombank thời gian trước đây. Trong khi đó, ACB là nhà băng đầu tiên trong hệ thống ngân hàng áp dụng mô hình quản trị tách rời sở hữu vào tháng 5/2008. Trước đó, ngay từ khi Trần Hùng Huy – con trai ông Trần Mộng Hùng ngồi vào ghế chủ tịch HĐQT, thị trường đã xôn xao thông tin về mô hình chuẩn mực theo thông lệ quốc tế của ACB đang chuyển dần sang cấu trúc mới mà quyền lực tập trung trong tay gia đình họ Trần.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc của ACB đồng thời là người phát ngôn của nhà băng này phủ nhận thông tin ACB chuyển đổi từ mô hình tách rời sở hữu và quản trị sang dáng dấp “gia đình”. Ông Toại nói: “Chắc chắn ông Hùng không có chân vào vị trí chủ tịch HĐQT. Nhiệm vụ chủ tịch vẫn giao cho thế hệ trẻ”.

Cũng theo người phát ngôn của ACB, những ý kiến băn khoăn về số lượng thành viên trong HĐQT có đến 3 người cùng một gia đình cũng có cơ sở, nhưng “xét về lịch sử, không ai phủ nhận vai trò của ông Trần Mộng Hùng đối với ACB. Do vậy, dù ACB vẫn muốn áp dụng mô hình cũ nhưng thực tế đang đặt ra một số vấn đề khác mà sự trở lại của ông Hùng là một cam kết đối với đại bộ phận cổ đông của chính ngân hàng này”.

Chia sẻ thêm về việc cựu Chủ tịch Trần Mộng Hùng ứng cử vào HĐQT ACB, ông Toại nói, đại hội cổ đông bất thường sắp tổ chức chỉ là cho ngắn hạn; về lâu dài, mô hình của ACB vẫn sẽ theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế. “Đến kỳ đại hội năm sau (khoảng tháng 3/2013), có thể mọi chuyện sẽ thay đổi và sẽ có HĐQT mới được bầu”, người phát ngôn của ACB tiết lộ.

 Ông Trần Mộng Hùng quay lại HĐQT của ACB, đối với những người làm trong ngành, không phải là điều gì quá ngạc nhiên.

Ngân hàng "một phe" sẽ ra sao?

Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với các thành viên sáng lập của ACB cho biết, một số thành viên VIP của ngân hàng này đã bán hết cổ phiếu tại Eximbank, mua thêm ACB để tăng tỷ lệ sở hữu. Trên thị trường chứng khoán, thời gian gần đây có lượng lớn cổ phiếu Eximbank, ACB được chuyển nhượng là xuất phát từ những cổ đông này. Nguồn tin này còn bổ sung, một cổ đông lớn tên M chưa có “chân” trong HĐQT và cũng không có đề cử ở đại hội bất thường ngày 26/12/2012 nhưng đã nắm giữ lượng cổ phiếu rất lớn của ACB. ‘Đây sẽ là người thuộc nhóm nắm quyền tại ACB trong thời gian tới”, ông này cho biết.

Nhận xét về cấu trúc quyền lực tại ACB với sự trở lại của ông Trần Mộng Hùng, tổng giám đốc một tổ chức tài chính tại TP.HCM từng là học trò và nhân viên của thành viên hội đồng sáng lập ACB chia sẻ: “Gia đình trị là điều ai cũng nhìn thấy với việc con làm chủ tịch HĐQT, bố mẹ là thành viên và đều là những cổ đông lớn. Dù thế nào thì một ngân hàng có các bên khác nhau cũng sẽ lành mạnh hơn. Tại một số nhà băng khác, khi hệ thống gia đình trị được xác lập, việc ưu ái cho các công ty ‘sân sau’ rất dễ xảy ra”.

Trong khi đó, CEO một nhà băng cổ phần lớn tại TP.HCM phân tích: “Việc ông Hùng quay lại dẫn tới ngân hàng này chỉ còn một phe là tích cực hay tiêu cực thì phải xem phe đó ra sao. Trước đây, ông Hùng được biết như một banker thận trọng, có đạo đức và tầm nhìn. Vì thế, các cổ đông có thể kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn với ACB sau sự kiện bầu Kiên và cựu CEO Lý Xuân Hải bị bắt".

“Tuy nhiên, một tổ chức tài chính lớn và phức tạp như ACB cũng cần có những cơ chế giám sát chéo thật chặt thì mới tránh được việc lạm quyền. Thực tế cho thấy, ngay cả khi có các lực lượng giám sát lẫn nhau mà những sự cố đáng tiếc cũng đã xảy ra khiến ngân hàng liêu xiêu nên khi chỉ còn một phe thì các cổ đông càng phải thận trọng hơn”, ông này nhận xét.

Lan Anh – Hoàng Ly

Theo Infonet

Lan Anh – Hoàng Ly

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm