Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao ông Trần Mộng Hùng trở lại HĐQT ACB?

Một sự trở lại đi cùng với kỳ vọng, áp lực và quan trọng hơn là có thể dẫn tới thay đổi về mô hình quản trị tại ngân hàng.

Vì sao ông Trần Mộng Hùng trở lại HĐQT ACB?

Một sự trở lại đi cùng với kỳ vọng, áp lực và quan trọng hơn là có thể dẫn tới thay đổi về mô hình quản trị tại ngân hàng.

Ngày 11/12, Ngân hàng Á Châu (ACB) đã công bố danh mục tài liệu chuẩn bị cho đại hội đồng cổ đông bất thường sắp tới. Điểm chú ý là sự có mặt của một nhân vật quen thuộc trong danh sách ứng viên bầu bổ sung chức danh thành viên hội đồng quản trị. Đại hội bất thường trên (ngày 26/12) dự kiến sẽ bầu 4 thành viên hội đồng quản trị, thay thế các thành viên đã từ nhiệm vừa qua. Trong danh sách, có tên ông Trần Mộng Hùng.

Với thị trường, với hàng chục nghìn cán bộ nhân viên ACB qua nhiều thế hệ, với cổ đông và nhà đầu tư, cái tên Trần Mộng Hùng đã quá quen thuộc. Ông là một trong những người sáng lập nên ACB, từng 16 năm trực tiếp tham gia điều hành và quản trị ở các vị trí cao nhất. Suốt quá trình đó, ACB đã thành công khi trở thành ngân hàng thương mại cổ phần tốt nhất Việt Nam, xét một cách khá toàn diện.

Năm 2008, ông Hùng rút về “hậu trường” với vai trò cố vấn quản trị, sau khi Hội đồng quản trị đã có một cơ cấu mà ông tham gia tổ chức và thấy an tâm - như lý do mà ông từng đưa ra. Sau bốn năm, người được xem là linh hồn của ACB nhiều năm trước đang có kế hoạch trở lại. Bối cảnh của sự kiện thì thị trường đã rõ… Về sự trở lại này, ông Trần Mộng Hùng cho biết là do các cổ đông lớn yêu cầu ông trực tiếp tham gia quản trị, hỗ trợ ACB vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Về cá nhân mình, trước kỳ vọng của cổ đông, ông thận trọng khi cho rằng “hỗ trợ được hay không trước mắt vẫn còn phải chờ”.

 

 Một số ý kiến cho rằng sự trở lại HĐQT của ông Trần Mộng Hùng là đánh dấu cho việc "gia đình hóa" mô hình quản trị tại ACB

“Minh bạch, lành mạnh là con đường chúng tôi đã chọn. Còn khó khăn của ACB hiện nay là tạm thời. Vừa rồi ngân hàng có những vấn đề của nó. Yêu cầu đặt ra là phải làm sao xử lý được những tồn tại vừa qua, làm sao để ngân hàng thực sự chuyên nghiệp, bắt nhịp được sự phát triển của nền kinh tế. Đó cũng là kỳ vọng của các cổ đông”, ông Hùng nói.

Từng 15 năm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB, gắn với thành công đã khẳng định và thị trường ghi nhận, kế hoạch trở lại sắp tới của ông Trần Mộng Hùng chắc chắn đi cùng với kỳ vọng chung của cổ đông, và theo đó là áp lực. Trả lời gián tiếp về khía cạnh này, ông Hùng cho rằng, áp lực hiện nay là chung cho lãnh đạo các ngân hàng thương mại, những ngân hàng khác cũng khó khăn chứ không riêng ACB, bởi đây là tấm gương phản ánh nền kinh tế…

Thay đổi mô hình quản trị?

Năm 2008, ông Trần Mộng Hùng rời vị trí trực tiếp quản trị. Nhiệm kỳ sau đó là bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của ACB. Hội đồng Quản trị ACB nhiệm kỳ 2008 - 2012 là hội đồng quản trị đầu tiên trong ngành ngân hàng có hai thành viên độc lập. Khái niệm “thành viên độc lập” trong cơ cấu quản trị ngân hàng được cụ thể hóa tại ACB, thu hút sự chú ý đặc biệt của thị trường tại thời điểm đó.

Chú ý một phần là mô hình quản trị mới, theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp, khách quan và minh bạch. Càng chú ý nữa khi ACB có thể nói là ngân hàng - doanh nghiệp tiên phong trong việc quy tụ được nhiều lãnh đạo, cố vấn là chuyên gia, nguyên là quan chức cao cấp nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế…

Song, qua sự cố vừa rồi, mô hình quản trị của ngân hàng này có thể sẽ có thay đổi. Ngay từ sự kiện ông Trần Hùng Huy được bổ nhiệm ở vị trí Chủ tịch HĐQT hồi tháng 9/2012, một số tổ chức đầu tư và giới phân tích đã đặt ra tình huống: ACB chuyển từ mô hình quản trị độc lập sang dáng dấp của mô hình “gia đình trị”? Tình huống trên được họ phân tích ở cơ cấu HĐQT hiện gồm 7 người, thì trong đó đã có hai người là người nhà của ông Trần Mộng Hùng (bà Đặng Thu Thủy - vợ; ông Trần Hùng Huy - con trai).

Nay, với kế hoạch bầu bổ sung tại đại hội đồng cổ đông bất thường sắp tới, gần như chắc chắn ông Trần Mộng Hùng sẽ trở lại. “Yếu tố gia đình” trong tình huống trên sẽ càng đậm thêm. Còn thực sự thay đổi mô hình hay không, câu trả lời có ở thực tế hoạt động quản trị, điều hành ở ACB thời gian tới, từ phân tích và đánh giá của các nhà quản trị doanh nghiệp…

Còn với ACB, việc thay đổi và bổ sung các thành viên HĐQT vừa qua, tại đại hội sắp tới là một lựa chọn, do tình huống và hoàn cảnh đặc biệt. Các cổ đông đã được thông báo việc đề cử ứng viên từ ngày 26/10, song hết hạn 25/11 vẫn không có ứng viên nào do cổ đông đề cử. Theo đó, danh sách Hội đồng Quản trị đưa ra, trên cơ sở tham khảo ý kiến của đại diện các cổ đông lớn, trong đó có ông Trần Mộng Hùng, là lựa chọn tối ưu (với họ). Và sau đại hội, dù thay đổi hay không thay đổi, mô hình quản trị độc lập mà ACB xây dựng thời gian qua vẫn là một mẫu hình mà các doanh nghiệp có thể tham khảo. Thực tế, nó cũng đã mở rộng tại nhiều ngân hàng thương mại hiện nay.

Theo VnEconomy

Theo VnEconomy

Bạn có thể quan tâm