Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cựu HLV tuyển Thái Lan: 'Gặp Việt Nam lúc nào cũng căng thẳng'

Trả lời Zing, cựu huấn luyện viên người Anh Peter Withe nhận định Thái Lan chưa thể vươn tầm so với 2 thập niên trước, trong khi tuyển Việt Nam có nhiều tiến bộ.

Phỏng vấn

Peter Withe: 'Tôi thất vọng khi thấy tuyển Thái Lan bị vượt mặt' Peter Withe, huấn luyện viên người Anh từng dẫn dắt tuyển Thái Lan (1998-2003), thất vọng vì "Voi chiến" không còn là thế lực thống trị bóng đá Đông Nam Á.

Trong lịch sử AFF Cup, ông Peter Withe là một trong những huấn luyện viên (HLV) có thành tích ấn tượng. Cựu cầu thủ tuyển Anh giúp Thái Lan 2 lần vô địch AFF Cup vào các năm 2000 và 2002.

Chiến lược gia 70 tuổi cũng giúp Indonesia về nhì ở AFF Cup 2004. Gần 2 thập niên làm việc ở Đông Nam Á (chủ yếu tại Thái Lan) giúp cựu cầu thủ Aston Villa có góc nhìn sâu sắc về sự phát triển của bóng đá khu vực.

Peter Withe anh 1

Lý do tuyển Thái Lan chưa thể vươn tầm

- Dưới sự dẫn dắt của ông, tuyển Thái Lan có sức mạnh vượt trội so với các nền bóng đá khác ở Đông Nam Á. Hai chức vô địch AFF Cup 2000 và 2002, xen giữa là tấm huy chương vàng SEA Games 1999 chứng tỏ sức mạnh của "Voi chiến". Tuy nhiên, sau hơn 2 thập niên, người Thái giờ vẫn loay hoay với mục tiêu vô địch AFF Cup. Họ chưa thể tiến ra biển lớn, vì sao như vậy?

- Bóng đá luôn có tính chu kỳ. Mỗi thời điểm khác nhau, một nền bóng đá sẽ sản sinh ra thế hệ cầu thủ khác nhau. Nếu may mắn, các ĐTQG sẽ mạnh lên nhờ thế hệ cầu thủ tài năng.

Tuy nhiên, ngoài yếu tố may mắn, việc phát triển cầu thủ trẻ, nâng cấp nền bóng đá thông qua giải VĐQG là điều kiện tiên quyết để đội tuyển trở lên mạnh hơn. Trước khi tôi làm HLV trưởng tuyển Thái Lan, nền bóng đá nước này chưa phải mạnh nhất Đông Nam Á.

Nhưng tôi đề ra mục tiêu rõ ràng cho LĐBĐ Thái Lan, đội tuyển nước này phải mạnh nhất Đông Nam Á, và sau đó nghĩ đến những mục tiêu lớn hơn. Vì sao tôi dẫn dắt tuyển Thái Lan tới 5 năm (1998-2003 - PV)? Sự thành công của tôi lúc đó là một lý do.

Tuy nhiên, tôi còn có tham vọng giúp nền bóng đá Thái Lan vươn tầm. Tôi luôn nói với các cầu thủ và lãnh đạo của bóng đá Thái Lan là đừng chỉ nhìn vào chức vô địch ở Đông Nam Á, họ phải hướng tới những mục tiêu xa hơn, ở cấp độ châu lục.

Peter Withe anh 2

HLV Peter Withe có 2 lần cùng Thái Lan vô địch AFF Cup, một lần vào chung kết cùng tuyển Indonesia. Ảnh: AFF.

- Thái Lan từng là đội bóng số một Đông Nam Á trong nhiều năm. Đâu là lý do giúp "Voi chiến" mạnh như vậy?

- Ở thời của tôi, giải VĐQG Thái Lan vẫn còn chưa phát triển như hiện tại. Khi làm HLV trưởng, tôi cũng đưa ra nhiều ý kiến để chuyên nghiệp hóa hơn giải trong nước.

Sự phát triển chuyên nghiệp của giải VĐQG là một trong những yếu tố quan trọng giúp bóng đá Thái Lan phát triển. Hãy nhìn Nhật Bản, Hàn Quốc hay Saudi Arabia, đó là những ví dụ. Các nền bóng đá này mạnh một phần nhờ chất lượng của những giải VĐQG trong nước. Một trong những lý do khác khiến tuyển Thái Lan mạnh ở thời của tôi, là việc họ có những cầu thủ dày dặn kinh nghiệm và sẵn sàng học hỏi để nâng cấp bản thân.

Kinh nghiệm và đẳng cấp của họ giúp tuyển Thái Lan mạnh hơn nhiều đối thủ trong khu vực. "Voi chiến" khi đó có nhiều chân sút giỏi, biết cách định đoạt trận đấu như Kiatisuk Senamuang hay Worrawoot Srimaka. Cả hai là những tiền đạo tuyệt vời và tỏa sáng khi đội bóng cần. Điều đó giúp tuyển Thái Lan vô địch nhiều giải đấu quan trọng khi tôi làm HLV.

Hơn nữa, khi tôi còn làm HLV tuyển Thái Lan, các CLB chưa chiêu mộ nhiều ngoại binh. Điều này tạo cơ hội cho những tiền đạo nội, như Kiatisuk, Worrawoot... phát triển. Khi được tạo nhiều điều kiện thi đấu, họ trưởng thành và chất lượng chuyên môn cũng được nâng tầm. Tuyển Thái Lan cũng được hưởng lợi nhờ điều đó.

Còn lúc tôi sang Indonesia làm việc, mọi thứ không giống như vậy. Tôi nói điều này không phải có ý muốn thiếu tôn trọng bóng đá Indonesia, nhưng việc các CLB chuộng sử dụng ngoại binh, nhất là tiền đạo đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nhân sự ở ĐTQG.

- Như ông đã nói, Thái Lan trong giai đoạn ông dẫn dắt là đội bóng mạnh nhất Đông Nam Á. Ông dẫn dắt tuyển Thái Lan tới 5 năm để giúp nền bóng đá nước này vươn tầm, nhưng mọi thứ có vẻ không đi theo ý muốn?

- Tôi thất vọng vì bóng đá Thái Lan không duy trì được sự phát triển ổn định trong 2 thập niên qua. Để có thể tiến đến trình độ của những nền bóng đá như Nhật Bản hay Hàn Quốc, Thái Lan phải liên tục phát triển và tiến bộ qua từng năm.

Họ chưa có được điều đó. Dễ thấy nhất là việc tuyển Thái Lan luôn trồi sụt trên bảng xếp hạng của FIFA (từng rơi xuống vị trí thứ 165 trên BXH FIFA năm 2014 - PV). Hiện tại, "Voi chiến" xếp thứ 118 trên BXH FIFA. Đó là kết quả không tốt nếu so với quá khứ.

Peter Withe anh 3

Một vài thống kê quan trọng giữa các hậu vệ cánh của Việt Nam và Thái Lan ở AFF Cup. Đồ họa: Minh Phúc.

Kiatisuk chịu ảnh hưởng từ triết lý bóng đá của tôi

- Ông đã nói về Kiatisuk và Worrawoot, những chân sút có thể coi là huyền thoại của bóng đá Đông Nam Á. Điều gì giúp họ chơi tốt như vậy?

- Cả hai tiền đạo này có tài năng và thái độ tập luyện, cũng như thi đấu chuyên nghiệp. Tất nhiên, họ cũng hưởng lợi nhờ sự phát triển của giải VĐQG Thái Lan ở thời điểm tôi bắt đầu dẫn dắt ĐTQG. Mọi thứ trở nên chuyên nghiệp và tốt hơn so với trước.

Cả "Zico Thái" lẫn Worrawoot cũng là mẫu cầu thủ tiếp thu tốt triết lý bóng đá mà tôi truyền đạt cho họ. Tôi có thể tự hào nói ở thời đó, thứ bóng đá mà tôi xây dựng cho tuyển Thái Lan không phải kiểu Anh truyền thống, mà mang hơi hướm của bóng đá Nam Mỹ và Brazil.

Tuyển Thái Lan dưới thời của tôi chuyền nhiều, kiểm soát bóng và thi đấu cống hiến. Lối chơi đó giúp các chân sút như Worrawoot hay Kiatisuk thể hiện được năng lực.

Lần gần nhất tôi gặp Kiatisuk, cậu ấy nói những trải nghiệm dưới sự dẫn dắt của tôi giúp bản thân rất nhiều trong quá trình trở thành HLV như hiện tại. Ngay từ ngày ấy, tuyển Thái Lan chơi bóng với tư duy hiện đại và không khác nhiều so với thời điểm bây giờ.

- Steve Darby, HLV người Anh khác cũng từng dẫn dắt tuyển Thái Lan, nói với chúng tôi rằng để các nền bóng đá Đông Nam Á phát triển, những tuyển thủ quốc gia của họ nên ra nước ngoài thi đấu, đến những giải VĐQG có trình độ cao hơn. Nhưng nói lúc nào cũng dễ hơn làm. Bản thân Kiatisuk cũng không mấy thành công khi sang Anh thi đấu cho Huddersfield Town?

- Không dễ để bất kỳ cầu thủ Đông Nam Á nào đến các nền bóng đá hàng đầu châu Âu. Quy định về giấy phép lao động là một trong những nguyên nhân chẳng hạn. Bên cạnh đó, trình độ chênh lệch quá lớn giữa bóng đá Đông Nam Á và bóng đá Anh (ở trường hợp của Kiatisuk - PV) là lý do lớn nhất.

Theo quan điểm của tôi, "Zico Thái" không có sự chuẩn bị tốt nhất khi sang Anh thi đấu. Cậu ấy không nhận đủ sự hỗ trợ. Hiển nhiên, vấn đề chính vẫn là trình độ của cầu thủ. Một cầu thủ đang thi đấu ở Thai League hay V.League rất khó bắt nhịp ngay được với môi trường bóng đá đỉnh cao châu Âu.

Bản thân bóng đá Việt Nam hay Thái Lan phải tự nâng cấp chất lượng của giải VĐQG trước rồi mới nghĩ đến chuyện xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài.

Peter Withe anh 4

Kiatisuk cùng HLV Withe (đội mũ) vô địch AFF Cup 2002. Ảnh: AFF.

Tuyển Việt Nam luôn là đối thủ khó chịu với Thái Lan

- Thái Lan gặp Việt Nam được xem là trận chung kết sớm của AFF Cup 2020. Ông nhận định thế nào về cặp đấu này ở AFF Cup 2020, cũng như về sự đối đầu giữa hai nền bóng đá Thái - Việt trong quá khứ?

- Khi tôi còn dẫn dắt tuyển Thái Lan, tuyển Việt Nam luôn là đối thủ khó chơi với "Voi chiến". Xét tương quan các đội ở Đông Nam Á, tuyển Việt Nam gây ra nhiều khó khăn cho Thái Lan. Gặp Việt Nam lúc nào cũng căng thẳng. Trận đấu sắp tới ở bán kết AFF Cup 2020 giữa hai đội cũng sẽ như vậy.

Trong quá khứ, tuyển Thái Lan có những cầu thủ kinh nghiệm và nhỉnh hơn Việt Nam về mặt thể lực. "Voi chiến" khi đó có những chân sút xuất sắc như "Zico Thái", ở hàng tiền vệ, tôi cũng có nhiều cầu thủ giỏi. Điều đó giúp tuyển Thái Lan có ưu thế.

Hiện tại mọi thứ khác xưa. Tôi biết bóng đá Việt Nam phát triển nhiều trong những năm qua. Giải VĐQG của các bạn tốt lên, trình độ cầu thủ cũng được nâng cao. Kinh nghiệm mà các tuyển thủ Việt Nam thu được sau những trận đấu quốc tế giúp họ mạnh hơn.

HLV Peter Withe từng có 5 năm dẫn dắt tuyển Thái Lan (1998-2003). Ông được xem như một trong những HLV ngoại thành công nhất lịch sử bóng đá nước này với 2 chức vô địch AFF Cup 2000, 2002 và huy chương vàng SEA Games 1999.

Khi còn là cầu thủ, ông Withe cùng Aston Villa vô địch cúp C1 châu Âu mùa 1981/82. Cựu tiền đạo này cũng có 11 lần khoác áo tuyển Anh.

Peter Withe anh 5
Highlights AFF Cup 2020: Tuyển Việt Nam 4-0 Campuchia Tiến Linh lập cú đúp, trước khi Tiến Dũng và Quang Hải hoàn tất chiến thắng 4-0 cho tuyển Việt Nam ở lượt trận cuối bảng B tại AFF Cup 2020 tối 19/12.

Chiến thắng không trọn vẹn của tuyển Việt Nam

Sớm đụng Thái Lan hẳn không phải mong muốn của thầy Park, nhưng cách thắng Campuchia cho thấy tuyển Việt Nam chú trọng lối chơi của mình hơn là chọn đối thủ ở bán kết AFF Cup.

Tuyển Việt Nam thảo luận cách đánh bại Thái Lan

Trước khi bước vào buổi tập, HLV Park Hang-seo cùng các học trò thảo luận, đánh giá sức mạnh của tuyển Thái Lan.

Chanathip - khác biệt của tuyển Thái Lan với Việt Nam

Chỉ cao 1,57 m, Chanathip Songkrasin vẫn thực hiện điều mà không một cầu thủ nào ở Thái Lan và Đông Nam Á làm được, đó là chinh phục bóng đá Nhật Bản.

Tường Linh

Bạn có thể quan tâm