Bà Nguyễn Thị Nhung, HLV trưởng tuyển bắn súng Việt Nam giành HCV Olympic Rio 2016. Ảnh: Cục TDTT. |
Theo đó, Chủ tịch VKF là tiến sĩ Vũ Đức Thịnh, nguyên Trưởng bộ môn boxing của Uỷ ban Thể dục thể thao (nay là Cục Thể dục thể thao). Một trong 7 Phó chủ tịch là bà Nguyễn Thị Nhung, cựu HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam, nguyên Trưởng bộ môn bắn súng Uỷ ban TDTT (nay là Cục TDTT). Bà Nhung rút khỏi liên đoàn bắn súng hồi tháng 7/2022.
Bà Nhung chia sẻ: "Tôi vốn là VĐV bắn súng. Cả cuộc đời tôi gắn bó với thể thao và cho tới giờ tình yêu ấy không bao giờ cạn. Tôi luôn muốn đóng góp dù là nhỏ nhất cho thể thao nước nhà. Kickboxing là môn thể thao tuy mới du nhập vào Việt Nam lại có khá nhiều thành tích và phù hợp với tầm vóc của người Việt. Tôi mong muốn phát triển phong trào tập luyện kickboxing trên cả nước và phát triển bộ môn này theo hướng chuyên nghiệp, như định hướng của TTVN".
Ở nhiệm kỳ đầu tiên, liên đoàn kickboxing đặt mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá để thu hút nhiều nguồn lực xã hội. VKF sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục TDTT, đào tạo đội ngũ HLV, VĐV, trọng tài đủ năng lực; chủ động tham mưu với cơ quan quản lý Nhà nước về các chế độ, chính sách; tăng cường vai trò quản lý của Liên đoàn với các hoạt động kickboxing trên cả nước.
Kickboxing bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ năm 2009 khi nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của Đại hội Thể thao châu Á trong nhà. Ở kỳ đại hội đầu tiên tham dự, kickboxing Việt Nam dù mới hình thành, vẫn giành 2 HCV, 2 HCB.
Với cột mốc này, kickboxing Việt Nam đã có nền móng cho sự phát triển. Từ năm 2010, môn kickboxing đã tổ chức 3 giải quốc gia: Giải vô địch kickboxing toàn quốc, Giải vô địch câu lạc bộ boxing toàn quốc, Giải vô địch kickboxing trẻ toàn quốc.
Kể từ đó, phong trào tập luyện và thi đấu kickboxing đã phát triển mạnh. 3 kỳ SEA Games gần nhất, tuyển kickboxing Việt Nam giành lần lượt 4, 5 và 4 HCV.