Theo AFP, trong cuốn tiểu sử có nhan đề "Benedict XVI - A Life", giáo hoàng danh dự 93 tuổi cho rằng ông là nạn nhân của việc "xuyên tạc sự thật một cách ác ý" trong những phản ứng đối với sự can dự của ông vào các cuộc tranh luận thần học.
"Những phản ứng đến từ ngành thần học Đức rất sai lầm và thiếu thiện chí tới mức tôi không muốn nói về nó", cựu giáo hoàng cho biết, theo các đoạn phỏng vấn trong cuốn sách được công bố bởi hãng thông tấn DPA.
"Tôi không muốn phân tích lý do thực sự tại sao có người lại muốn tôi im tiếng", giáo hoàng danh dự nói thêm.
Giáo hội Đức từ lâu đã được lãnh đạo bởi các giáo sĩ có tư tưởng cấp tiến, trái ngược với chủ nghĩa truyền thống kiên định - điều gắn liền với tên tuổi của Giáo hoàng Benedict.
Cựu giáo hoàng, tên thật là Joseph Ratzinger, đứng đầu Vatican từ năm 2005 tới 2013 và thường xuyên bị chỉ trích vì thái độ của ông với đạo Hồi hoặc với những vấn đề của xã hội hiện đại. Ông cũng nhiều lần bày tỏ quan điểm trái ngược với các nỗ lực cải cách của người kế nhiệm là Giáo hoàng Francis.
Giáo hoàng Benedict và Giáo hoàng Francis tại quảng trường St. Peter trong một sự kiện năm 2014. Ảnh: AFP. |
Trong cuốn tiểu sử mới được xuất bản, cựu giáo hoàng cho biết mối quan hệ của ông với người kế nhiệm không hề đi xuống, mà thậm chí còn trở nên gắn kết hơn.
Sau khi về hưu, cựu giáo hoàng không trở lại làm Hồng y Joseph Ratzinger mà tiếp tục ở lại Vatican với tư cách "giáo hoàng danh dự". Ông vẫn làm việc và thỉnh thoảng lại khiến thế giới chú ý vì bày tỏ các quan điểm được cho là mang tính can thiệp vào công việc của người kế nhiệm.
Đầu năm nay, trong một cuốn sách mà ông chấp bút với Hồng y Robert Sarah - người nổi tiếng là bảo thủ, cựu giáo hoàng Benedict đã khẳng định yêu cầu độc thân với các linh mục, trong thời điểm mà Giáo hoàng Francis đang xem xét cho phép linh mục tại một số khu vực hẻo lánh có thể là người đã lấy vợ.
Sau 48 giờ ầm ỹ, cựu giáo hoàng Benedict đã yêu cầu rút tên ông khỏi cuốn sách trên.
Tuy nhiên, trong cuốn tiểu sử mới được xuất bản, cựu giáo hoàng vẫn bày tỏ quan điểm truyền thống của mình đối với các vấn đề xã hội, trong đó có hôn nhân đồng tính.
"Một thế kỷ trước, bất cứ ai cũng sẽ nghĩ thật là lố bịch khi nói về hôn nhân đồng giới. Ngày nay, bất cứ ai phản đối điều đó sẽ bị xã hội xa lánh", Giáo hoàng Benedict cho biết.
"Cũng tương tự là việc phá thai và tạo ra con người trong phòng thí nghiệm", cựu giáo hoàng nói thêm.