Cựu Giám đốc IAEA chưa thể thành thủ tướng Ai Cập
Quá trình chuyển giao chính trị ở Ai Cập sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị giới quân sự lật đổ vẫn chưa thể hoàn tất khi quyết định bổ nhiệm chính trị gia có đầu óc tự do Mohamed ElBaradei làm thủ tướng lâm thời bị các nhóm Hồi giáo phản đối.
Ngày 6/7, quyết định bổ nhiệm ông ElBaradei, cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã được truyền thông nhà nước đưa tin, nhưng ngay trước nửa đêm, một người phát ngôn từ phủ tổng thống thông báo thủ tướng mới chưa được thông qua, theo Hãng tin Reuters.
Đảng Nour, lực lượng Hồi giáo lớn thứ hai ở Ai Cập sau Phong trào Anh em Hồi giáo của ông Morsi, là lực lượng chính phản đối quyết định bổ nhiệm ông ElBaradei, cho thấy thách thức lớn của quân đội trong việc tìm kiếm sự đồng thuận giữa những người bảo thủ và ôn hòa, Reuters bình luận.
Làn sóng bạo động mới ở Ai Cập đã làm 35 người thiệt mạng. |
Đụng độ đã diễn ra giữa hàng nghìn người ủng hộ và chống đối ông Morsi từ ngày 5/7 khiến ít nhất 35 người thiệt mạng và 1.000 người bị thương. Bạo lực bùng phát ở nhiều thành phố và thị trấn, bao gồm trung tâm Cairo. Các công tố viên Ai Cập đã bắt giữ năm lãnh đạo cấp cao của Phong trào Anh em Hồi giáo trong mấy tuần lễ qua, cáo buộc họ là những người kích động bạo lực. Trong số những người bị bắt giữ có Saad el-Katatni, phụ trách các vấn đề chính trị của phong trào, và Khairat El-Shater, một cố vấn cấp cao.
Phong trào Anh em Hồi giáo sau đó ra tuyên bố nói họ không muốn liên quan tới kế hoạch về một chính phủ lâm thời của quân đội và yêu cầu đưa ông Morsi trở lại nắm quyền. Đảng Nour thì đồng ý kế hoạch chuyển giao và tiến hành các cuộc bầu cử mới, nhưng quyết định không ủng hộ ông ElBaradei làm thủ tướng của đảng này đã khiến kế hoạch chuyển giao của quân đội đứng trước những thách thức lớn.
Chính phủ hiện giờ, do Tổng thống lâm thời Adli Mansour, vốn là cựu chánh án Tòa án tối cao Ai Cập, đã quyết định hoãn lại việc bổ nhiệm thủ tướng.
Ngày 6/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên án tình trạng bạo lực và nói Mỹ chưa làm việc với đảng hay nhóm chính trị cụ thể nào ở Ai Cập. Washington đã không lên án cuộc đảo chính của quân đội, gây ra nghi ngờ trong Phong trào Anh em Hồi giáo rằng Mỹ ủng hộ, hoặc ít ra là nhắm mắt làm ngơ trước việc ông Morsi, tổng thống được bầu dân chủ và tự do đầu tiên ở Ai Cập, bị lật đổ.
Tuy nhiên, ông Obama đã ra lệnh xem xét lại khoản viện trợ thường niên 1,5 tỉ USD của Mỹ cho Ai Cập, hầu hết là cho quân đội nước này. Khoản viện trợ này có thể bị cắt theo luật Mỹ nếu như quân đội Ai Cập lật đổ một lãnh đạo được bầu ra dân chủ. Ai Cập hiện đứng trước sức ép phải nhận khoản viện trợ đó sau khi đồng nội tệ mất giá 11% trong năm 2012, tình hình kinh tế rất ảm đạm do ngành du lịch chủ lực bị ảnh hưởng nặng nề bởi bất ổn chính trị.
Trong diễn biến khác, theo Tân Hoa xã, sáng 7/7 nhóm phiến quân đã đánh bom hệ thống đường ống dẫn khí đốt tại tỉnh Bắc Sinai.
Theo Tuổi trẻ