Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu giám đốc chi nhánh BIDV nhận sai trong vụ thất thoát 181 tỷ đồng

Cựu giám đốc BIDV chi nhánh Thành Đô Đỗ Quốc Hùng thừa nhận bản thân có một phần lỗi trong việc thẩm định cho vay đối với doanh nghiệp kém năng lực.

Sau gần 2 tuần tạm hoãn, ngày 14/3, TAND TP Hà Nội mở lại phiên xử 7 bị cáo là cựu cán bộ Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) các chi nhánh Thành Đô và Tây Nam Quảng Ninh trong vụ vi phạm quy định về cho vay khi thẩm định dự án Việt Hòa - Kenmark.

5 người trong 7 bị cáo từng công tác tại BIDV chi nhánh Thành Đô gồm: Đỗ Quốc Hùng (giám đốc), Lưu Thị Bích Thủy (phó giám đốc), Phạm Anh Tài (trưởng phòng tín dụng), Nguyễn Văn Hà (phó phòng tín dụng), Lại Minh Ngọc (trưởng phòng thẩm định). Hai cá nhân còn lại thuộc chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh là Lê Vũ Thanh (cựu giám đốc) và Đỗ Xuân Khoan (cựu phó phòng tín dụng).

Là người đầu tiên trả lời, bị cáo Đỗ Quốc Hùng thừa nhận một số nội dung trong cáo trạng. Ông kiến nghị được giải trình rõ hơn về lý do ký đề nghị duyệt Công ty Kenmark (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) vay vốn.

Ngan hang BIDV anh 1

Bị cáo Đỗ Quốc Hùng. Ảnh: N.H.

Theo cáo trạng, ngày 4/2/2008, Công ty Kenmark do ông Hwang Jonathan Chen Yu (quốc tịch Mỹ) ký hợp đồng vay hơn 67,6 triệu USD của các chi nhánh 3 nhà băng gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB) và BIDV.

Lúc đó, pháp lý của hồ sơ thẩm định cho vay không đầy đủ, tài liệu đảm bảo yêu cầu đối với dự án cũng không đạt và doanh nghiệp thiếu năng lực về tài chính. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cảnh báo Công ty Cheermaster (chủ sở hữu Kenmark) có chỉ số rủi ro cao. Tuy nhiên, tháng 1/2008, BIDV các chi nhánh Thành Đô, Tây Nam Quảng Ninh và Đông Anh chấp thuận phê duyệt cho công ty trên vay tối đa 68 triệu USD. Cùng thời gian này, SHB Quảng Ninh cũng đồng ý cho doanh nghiệp này vay hơn 18 triệu USD, còn phía HBB Bắc Ninh cho vay 10 triệu USD.

Trả lời HĐXX, ông Hùng cho rằng khi xem xét chủ đầu tư đã thống nhất phải đánh giá đầy đủ năng lực tài chính của Kenmark. Bị cáo khai khi đó, đây là đơn vị có uy tín và doanh nghiệp hoạt động ở nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, hồ sơ dự án có phê duyệt quy hoạch của UBND tỉnh Hải Dương, có quyết định chấp thuận cho mở khu công nghiệp và hệ thống nhà xưởng được xây ngay sát quốc lộ 5. Theo ông Hùng, nhà xưởng này rất to, bị cáo nghĩ họ đã được cấp giấy phép xây dựng.

Trước khi cho Công ty Kenmark vay tiền, bị cáo đã báo cáo Hội sở để xin phép chủ trương và được chấp thuận. Sau đó, ông Hùng tổ chức họp với các ngân hàng SHB Quảng Ninh, BIDV Đông Anh và Tây Nam Quảng Ninh, HabuBank Bắc Ninh, để lập tổ thẩm định thực hiện việc cho vay.

Về nội dung cáo trạng nêu các ngân hàng xem xét cho Kenmart vay vốn dù doanh nghiệp không đủ điều kiện cho vay, ông Hùng cho rằng thời điểm khi xem báo cáo thẩm định, bị cáo không biết có những nội dung này. Đến khi làm việc với cơ quan điều tra, ông mới nắm bắt.

Cựu giám đốc chi nhánh Thành Đô quả quyết quá trình thẩm định, bị cáo đã lưu ý các chi nhánh phải đánh giá kỹ hồ sơ của bên cần vay. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, các ngân hàng và chi nhánh mới ký giải ngân cho Kenmark tổng số tiền như cáo trạng nêu.

"Kết quả điều tra cũng như kết luận giám định nêu việc giải ngân chưa đúng quy định, không tuân thủ quy trình 2 bước như Hội sở yêu cầu. Bị cáo thấy thế nào?", HĐXX tiếp tục truy vấn. Trả lời nội dung này, ông Hùng cho rằng mình và các cán bộ chi nhánh Thành Đô đã thực hiện theo chỉ đạo của Hội sở chính.

Đề cập việc cáo trạng quy kết bị cáo biết dự án không khả thi, hồ sơ chưa đầy đủ nhưng vẫn đề nghị cho Kenmark vay vốn, ông Hùng thừa nhận trong quá trình thẩm định hồ sơ và quản lý khách hàng khó tránh khỏi sơ suất. Bị cáo đã nhận ra điều này khi được cơ quan điều tra phân tích.

"Bị cáo cùng đồng nghiệp cũng chỉ vì mục tiêu chung phát triển khách hàng. Do năng lực và kinh nghiệm hạn chế, quá trình thực hiện vẫn còn sơ suất. Bị cáo cũng có một phần lỗi dù đó là điều không mong muốn xảy ra", ông Đỗ Quốc Hùng giãi bày.

Cùng trả lời thẩm vấn, bị cáo Lưu Thị Bích Thủy và cấp dưới cho rằng thời điểm thẩm định hồ sơ đề nghị vay vốn của Kenmart, họ đã thực hiện đúng quy trình và xem xét hồ sơ.

"Nếu biết hồ sơ chưa đủ điều kiện, chúng tôi đã không cho vay", bà Thủy bày tỏ và mong HĐXX xem xét, đánh giá.

Ngan hang BIDV anh 2

Một góc dự án Việt Hòa - Kenmark. Ảnh: Báo Đầu tư.

Theo cáo trạng, dự án nêu trên do Công ty Kenmark (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) thực hiện trên khu đất hơn 46 ha tại tỉnh Hải Dương với tổng vốn đầu tư 1.594 tỷ đồng. Ngày 4/2/2008, Công ty Kenmark do ông Hwang Jonathan Chen Yu (quốc tịch Mỹ) ký hợp đồng vay hơn 67,6 triệu USD của các chi nhánh 3 nhà băng gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB) và BIDV.

Sau đó, các ngân hàng thu giữ toàn bộ tài sản đảm bảo của công ty, bán đấu giá được gần 757 tỷ đồng. Đối trừ số tiền cho Công ty Kenmark vay đến ngày khởi tố vụ án, dư nợ không có khả năng thu hồi tại SHB, HBB và BIDV là hơn 15,5 triệu USD (tương đương hơn 360 tỷ đồng).

VKSND Tối cao xác định việc các nhà băng giải ngân là không đúng với yêu cầu về hình thức giải ngân theo chỉ đạo của BIDV, vì đến cuối năm 2008, Công ty Kenmark không đủ điều kiện để được vay vốn, không đảm bảo việc thu hồi vốn vay. Đến nay, hơn 181 tỷ đồng là dư nợ của Công ty Kenmark đã bị thất thoát không thu hồi được tại các chi nhánh ngân hàng.

Ngày 26/6/2010, Công ty Kenmark thông báo tạm dừng hoạt động, còn người đại diện pháp luật xuất cảnh khỏi Việt Nam. Sau đó, các ngân hàng thu giữ toàn bộ tài sản đảm bảo của công ty này, tổ chức bán đấu giá và thu được gần 757 tỷ đồng (tương đương hơn 32 triệu USD).

Quá trình điều tra, ông Nguyễn Văn Thắng (nguyên giám đốc SHB Quảng Ninh) đã đại diện cho các cán bộ thuộc SHB và HBB nộp gần 140 tỷ đồng vào tài khoản của SHB. Các ông Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Chí Thành thuộc BIDV Đông Hà Nội nộp gần 40 tỷ đồng vào tài khoản đơn vị này. Sau đó, SHB xác nhận các cá nhân liên quan vụ Kenmark đã khắc phục hết số tiền dư nợ gốc còn lại của công ty này tại các nhà băng. Do đó, CQĐT và VKSND Tối cao áp dụng chính sách không xử lý hình sự đối với các cá nhân trên là phù hợp.

Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.

Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…

Đại diện VietABank 'né' nhiều câu hỏi trong vụ lừa 433 tỷ đồng

Tại tòa, đại diện VietABank không trả lời câu hỏi của luật sư về việc Hội sở ngân hàng này có thẩm định hồ sơ trước và sau khi cho vay hay không.

Truy to bi can Tran Dinh Trien hinh anh

Truy tố bị can Trần Đình Triển

0

Bị can Trần Đình Triển (SN 1959) bị cáo buộc đăng tải lên Facebook nội dung không đúng, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của hệ thống TAND, cá nhân lãnh đạo TAND Tối cao.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm