Cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noel Poirier, người nhiễm virus SARS-CoV-2 và được điều trị khỏi bệnh tại Việt Nam, viết từ giường bệnh của ông rằng truyền thống đề cao cộng đồng và tập thể chính là yếu tố then chốt khiến Việt Nam khống chế dịch thành công cho đến thời điểm này, cũng như một số nước châu Á khác. Trong khi đó, việc không cân bằng được tinh thần cá nhân với trách nhiệm cộng đồng đang góp phần khiến virus lây lan ở Pháp và nhiều nước khác.
Zing lược dịch bài viết của ông Jean-Noel Poirier trên trang Causeur.fr.
Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Vương quốc Anh, Mỹ. Các nước phương Tây luôn nghĩ mình mang những giá trị riêng, nay lại mang virus. Một loại virus còn mang tính toàn cầu hơn tất thảy những giá trị kia.
Cho đến nay, các nước châu Á - mà cụ thể là các nước theo văn hóa Nho giáo - đã thành công trong việc ngăn chặn và kìm hãm làn sóng mà nhiều nước phương Tây chúng ta đang phải dốc toàn lực đối phó.
Không có ca tử vong
Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Singapore, Hong Kong, Nhật Bản và Hàn Quốc hay được lấy ra làm ví dụ. Nhưng chúng ta quên đi đất nước Nho giáo còn lại, thân thương với chúng ta và gần gũi với lịch sử của chúng ta: Việt Nam.
Thành công của Việt Nam trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 còn thuyết phục hơn cả Hàn Quốc, một cường quốc công nghiệp.
Tính đến giữa tháng 4/2020, số người dương tính với virus corona chủng mới ở đất nước này chưa tới 300 và tỉ lệ tử vong là 0%.
Trong văn hóa Nho giáo, ở Việt Nam cũng như Hàn Quốc, Nhật Bản hay các quốc gia và vùng lãnh thổ nói tiếng Hoa (Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hong Kong, Singapore), lợi ích của tập thể được đặt lên trên quyền cá nhân.
Việt Nam đã phản ứng rất nhanh và cực kỳ thận trọng. Các trường học đóng cửa từ ngày 18/1 vào dịp nghỉ tết Âm lịch và hiện vẫn chưa hoạt động trở lại.
Người dân Việt Nam, vốn quen đeo khẩu trang khi ra đường để tránh nắng và ô nhiễm, nay lại càng sử dụng thường xuyên hơn. Những chai nước rửa tay sát khuẩn được đặt ở mọi điểm công cộng từ cuối tháng 1 (quán cà phê, lối vào tòa nhà, thang máy...).
Người đeo khẩu trang tại Việt Nam hôm 12/4. Ảnh: Reuters. |
Biên giới với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được đóng từ sớm, bắt đầu với Trung Quốc từ ngày 1/2, chỉ một tuần sau khi ca dương tính đầu tiên được công bố (đây là người trở về từ Vũ Hán, được phát hiện dương tính ngày 23/1).
Hơn thế nữa, từ những ngày đầu, Việt Nam đã áp dụng một phương pháp rất nghiêm ngặt: xác định người và nhóm người có nguy cơ nhiễm, tập trung lại, xét nghiệm, và cách ly các ca dương tính.
Phương pháp này không khác nhiều so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): "Xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm và cách ly". Không quá khó để thực hiện. Nhưng cần phải quyết định thực hiện ngay từ khi mối nguy đầu tiên xuất hiện. Và Việt Nam đã làm rất tốt.
Viết từ bệnh viện Hà Nội
Không thể thống kê chính thức những “bệnh nhân vô hình”, những người mang mầm bệnh nhưng khỏe mạnh và không biết mình nhiễm virus, mà họ thì có ở khắp nơi.
Những trường hợp này ở Việt Nam nhiều khả năng ít hơn châu Âu, bởi chính sách xét nghiệm và cách ly bài bản, có hệ thống, đang được áp dụng tại đất nước này. Số ca nhiễm đã phát hiện tại Việt Nam là rất thấp ở một quốc gia cách Vũ Hán chỉ 3 giờ bay.
Các bệnh viện không bị quá tải và số lượng bệnh nhân vào ra đều được kiểm soát. Các bạn có thể tin lời tôi, bởi tôi là một nhân chứng sống. Tôi đang viết cho các bạn từ phòng số 541 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hà Nội, nơi tập trung phần lớn ca bệnh được phát hiện.
Tôi từng có hai tuần ở Paris và quay lại Việt Nam thì nhận kết quả xét nghiệm dương tính. Tôi được chuyển tới bệnh viện lúc 2h sáng hôm 25/3. Tôi không có bất cứ triệu chứng nào, không có vẻ gì là bị bệnh, nhưng tôi vẫn phải ở lại bệnh viện cho đến khi âm tính trở lại.
Ở lại bệnh viện không phải vì bản thân tôi, mà là để bảo vệ cộng đồng khỏi bị tôi lây nhiễm. Cho bệnh nhân dương tính không có vấn đề nghiêm trọng về thể chất được về nhà, mà lại còn không đeo khẩu trang, là điều không tưởng ở đây. Tại Việt Nam, bảo vệ lợi ích tập thể được ưu tiên hơn tất thảy. Tự do cá nhân xếp sau.
Ông Jean-Noel Poirier trong ngày xuất viện. Ảnh: Việt Hùng. |
Tập thể là trên hết
Chiến lược ứng phó với Covid-19 của Việt Nam đơn giản, quyền riêng tư không có tiếng nói ở đây. Ai bị nhiễm virus đều phải cung cấp danh tính của tất cả người họ đã gặp (F1) trong những ngày trước đó và liệt kê tất cả địa điểm họ đã đi qua.
Tôi đã làm điều này vào đêm 24/3, trước khi nhập viện. Mà tốt nhất là đừng nói dối. Bạn có thể bị khiển trách nặng nề vì xâm phạm lợi ích cộng đồng.
Các trường hợp F1 ngay lập tức được cách ly tại một trung tâm hoặc tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm. Mỗi F1 có nghĩa vụ phải thông báo cho người mà họ đã tiếp xúc (F2). Và những người F2 phải thực hiện các quy định giãn cách xã hội và cách ly tại nhà trong 14 ngày.
Tính tới ngày 4/4, hơn 73.000 người đã được cách ly, 40% trong số họ thực hiện cách ly tại trung tâm khép kín do quân đội quản lý, tại nhà hoặc bệnh viện.
Nếu F1 dương tính, F2 của người đó trở thành F1, tới lượt họ được đưa tới trung tâm cách ly và xét nghiệm. Và cứ thế. Truy vết người nhiễm và người có nguy cơ nhiễm là công việc vĩ đại hay tỉ mẩn, hiểu sao cũng được.
Nếu chính sách đó hiệu quả với khoảng 100 triệu dân, thì nó có nghĩa đơn giản là bởi mọi người dân đều đồng tình áp dụng. Ở Việt Nam, cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia và vùng lãnh thổ nói tiếng Hoa, sự đồng thuận này dựa trên thực tế về văn hóa và văn minh cơ bản.
Ở các nước theo tinh thần Nho giáo, bảo vệ tập thể và lợi ích tập thể được đặt trên quyền lợi cá nhân. Người nghi nhiễm virus bình tĩnh chấp nhận thực hiện cách ly hai tuần trong một trại quân sự cách nhà mình đến 30 km bởi sự hy sinh này được mọi người xem là cần thiết cho sức khỏe cộng đồng. Từ chối không phải một lựa chọn.
Không phải cứ muốn là theo được
Người dân châu Âu chúng ta hẳn không thể chịu đựng được các biện pháp đang được áp dụng tại Việt Nam. Chúng ta sẽ không thể chấp nhận các biện pháp này và thấy chúng rất không phù hợp với các giá trị của chúng ta. Nhưng chính những giá trị đó của chúng ta lại phần nào khiến virus corona lan rộng khắp châu Âu.
Tương lai sẽ trả lời liệu những biện pháp mà Việt Nam cùng các nước láng giềng sử dụng có phù hợp hơn các biện pháp chúng ta đang từ từ áp dụng hay không. Nhưng hiện tại, có vẻ các nước Nho giáo này, không ảnh, không kèn trống, đang nhắc nhở chúng ta một bài học xưa như Trái Đất.
Đó là điều hiển nhiên. Trước kẻ thù, một tập thể gắn kết, kỷ luật và được lãnh đạo tốt (thì càng tốt hơn) luôn chiến thắng đám đông những cá nhân tự tung tự tác, không nghe lời chỉ huy. Bài học muôn thuở.
Mười năm trước, Pháp đã mất một hợp đồng lớn với hai nhà máy điện hạt nhân ở UAE vào tay Hàn Quốc vì những lý do tương tự. Người Pháp thì cãi cọ vặt và đối đầu nhau, người Hàn Quốc thì đồng lòng và liên kết.
Màn thể hiện đầy tính chia rẽ của người Pháp chúng ta đã làm UAE lo lắng và mang lại niềm vui cho người Hàn Quốc với những đề nghị hợp lý được tất cả tán thành. Là một cán bộ của Areva (tập đoàn đa quốc gia của Pháp chuyên về năng lượng) vào thời điểm đó, tôi giữ những ký ức sống động về sự kiện đáng buồn này.
Chúng ta không thể lấy sự chắp vá các nhóm lợi ích hoặc các nhóm thiểu số với những mối bận tâm khác nhau để đối mặt với một đội quân đang nhận lệnh tiến công. Đặc biệt là trên một sân chơi phẳng, nơi không có chỗ cho những rào cản dù là nhỏ nhất.
Trong hầu hết lĩnh vực, trật tự và kỷ luật tập thể các nước Nho giáo - khi được dẫn dắt bởi chính sách sáng suốt - chiếm ưu thế so với chủ nghĩa cá nhân phương Tây.
Từ công nghiệp, giáo dục, an toàn công cộng cho tới giờ là y tế công cộng. Không có lĩnh vực nào mà chúng ta không bị vượt qua hoặc ít nhất là bắt kịp. Sự phát triển phi thường của Hàn Quốc 30 năm qua đã đủ thuyết phục những người bảo thủ nhất. Chúng ta có thể tự trấn an rằng chủ nghĩa cá nhân cho phép “sáng tạo hơn”. Có thật thế không, khi phim Parasite của Hàn Quốc đoạt giải Oscar, mà không mảy may thèm đố kỵ với những kiệt tác của chúng ta.
Chính phủ Pháp đã ra lệnh kéo dài các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội ít nhất đến ngày 11/5. Tính đến ngày 16/4, Pháp có 134.598 ca nhiễm virus corona, nhiều thứ năm thế giới (theo số liệu của Đại học John Hopkins). Số người tử vong là 17.167 người, nhiều thứ tư thế giới. Ảnh: Reuters. |
Hãy nhớ lại rằng lợi ích tập thể và tự do cá nhân từng có lúc cùng tồn tại hài hòa ở Pháp. Cái chúng ta gọi là "ý thức công dân" không gì khác hơn là sự tôn trọng quy tắc tập thể vì lợi ích toàn dân.
Nếu chúng ta không tìm được cách hài hòa giữa ý thức tập thể và tự do cá nhân - điều tạo nên sức mạnh của chúng ta cho đến đầu những năm 1980, tôi quan ngại rằng chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài nhìn các nước bên trên tiếp tục vượt mặt chúng ta trên mọi phương diện.
Năm 1870, Nhật hoàng đã cử một phái đoàn đến châu Âu để nghiên cứu cách thức các cường quốc châu Âu phát triển chính trị, quân sự và khoa học đến như vậy. Đó là sự khởi đầu của thời đại Minh Trị.
Gần một thế kỷ rưỡi sau, chẳng phải đến lượt người châu Âu chúng ta khiêm tốn gửi phái bộ đến các nước châu Á này để tìm lại vài quy tắc đơn giản của thành công tập thể hay sao?
Lời kết
Sau 17 ngày ở bệnh viện cùng năm bệnh nhân và ba lần xét nghiệm âm tính, tôi được xuất viện, về nhà. Tiếp theo, tôi lại lập tức bắt đầu quá trình cách ly nghiêm ngặt mới, không rời khỏi căn hộ của mình.
Cơ quan y tế đã phát hiện một vài trường hợp hiếm hoi tái dương tính với nồng độ virus thấp sau một vài lần xét nghiệm âm tính, vì vậy lệnh cách ly mới sẽ áp dụng cho tất cả các bệnh nhân được tuyên bố chữa khỏi.
Chính quyền không muốn có rủi ro dù là nhỏ nhất. Một lần nữa, an toàn tập thể được đặt trên tự do cá nhân. Đó là lựa chọn của mọi người dân Việt Nam. Một lựa chọn vì xã hội, lựa chọn không tưởng nơi chúng ta sống.
Bài viết được hoàn thành vào ngày 13/4/2020. Số ca dương tính với Covid-19 tại Việt Nam thời điểm đó là 262, không có trường hợp tử vong.