“Việt Nam có quyết tâm chính trị ở mức cao nhất, từ cấp trung ương tới địa phương và là cách tiếp cận ‘toàn bộ chính quyền’”, tiến sĩ John MacArthur, Giám đốc văn phòng CDC Mỹ tại Thái Lan, cho biết trong một buổi họp báo trực tuyến về hợp tác của CDC với khu vực Đông Nam Á.
Đánh giá về cách ứng phó của Việt Nam với Covid-19, ông nói Việt Nam rộng mở lắng nghe ý kiến từ CDC, WHO và các học giả bên ngoài, từ đó xây dựng những hướng dẫn của mình dựa vào các hướng dẫn của quốc tế.
CDC có văn phòng ở Việt Nam nhằm hợp tác trong các vấn đề an ninh y tế, hỗ trợ kỹ năng về theo dõi dịch bệnh, phòng thí nghiệm, truy vết tiếp xúc và tập huấn dịch tễ.
Bác sĩ và bệnh nhân trong Bệnh viện Bạch Mai trong những ngày nơi này bị phong tỏa đầu tháng 4. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai. |
“Các cộng sự của tôi ở Hà Nội nhận định hệ thống y tế cộng đồng của Việt Nam rất mạnh. Chính phủ rất nghiêm túc trong phòng chống dịch ở mức cao nhất, và có cách tiếp cận toàn bộ chính quyền, đó là vì sao Việt Nam đang có những thành công”, ông trả lời câu hỏi của Zing.
Ông MacArthur cũng nêu một số yếu tố khác giúp ích cho nỗ lực chống dịch của Việt Nam, như dựa vào bằng chứng khi quyết định chính sách, và đã có khoảng 15 năm qua tạo nguồn lực cần thiết cho việc truy vết tiếp xúc, công việc “dưới mặt đất” tốn kém nhất để kiềm chế dịch bệnh, cũng như năng lực phòng thí nghiệm.
“Quan hệ hợp tác giữa CDC với chính phủ và Bộ Y tế rất chặt chẽ. Năm ngoái, tiến sĩ Robert Redfield, Giám đốc CDC Mỹ đã nêu Hà Nội có tiềm năng là trung tâm cho các hoạt động tương lai của CDC trong khu vực”, ông MacArthur nói thêm. CDC hiện có văn phòng tại 6 trên 10 nước ASEAN. CDC có hoạt động nước ngoài quy mô lớn nhất tại Thái Lan, bắt nguồn từ 40 năm trước.
Khi được hỏi liệu số ca nhiễm thấp ở Việt Nam có đang đánh giá thấp tình hình hay không, ông đánh giá con số đó phản ánh đúng tình hình.
“Đội ngũ của chúng tôi từng đi tới hiện trường với các nhân viên điều tra lịch sử tiếp xúc, giống những gì chúng tôi làm ở Thái Lan. Khi có quan hệ hợp tác chặt chẽ như vậy, chúng tôi có thể ‘bám’ theo nhân viên y tế của các nước, tận mắt chứng kiến xem con số là thật hay không thật... Đội ngũ của chúng tôi ở Việt Nam cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy con số ở Việt Nam là không đúng”, ông nói.
Khi được hỏi khi nào các nước có thể gỡ bỏ phong tỏa, tiến sĩ Barbara Marston, người đứng đầu tổ công tác quốc tế của CDC về dịch Covid-19, cho biết chưa ai biết rõ hoàn toàn câu trả lời.
“Chúng ta sẽ phải nhìn xem số ca nhiễm sẽ giảm như thế nào, liệu hệ thống y tế đã sẵn sàng chưa (nếu có nhiều ca mới)... mỗi nước sẽ có những câu hỏi riêng. Chúng tôi không có hướng dẫn cụ thể, chỉ biết rằng những gì mỗi nước đã làm cần phải được theo dõi, đánh giá, và mọi người cần sẵn sàng khi cần thay đổi”, bà Marston nói với các phóng viên.
Tính đến sáng 15/4, Việt Nam có 267 bệnh nhân mắc Covid-19, chưa có ca tử vong.