Trong vụ án chuyến bay giải cứu, 3 cựu cán bộ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) bị cáo buộc nhận hối lộ tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng. Họ gồm cựu Cục phó Trần Văn Dự, cựu Phó trưởng Phòng Tham mưu Vũ Anh Tuấn và cán bộ tham mưu Vũ Sỹ Cường.
Theo CQĐT, sau khi có chủ trương đưa công dân Việt Nam về nước, Bộ Công an ủy quyền cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh tiếp nhận, tham mưu việc phê hay không phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay của Bộ Ngoại giao. Ông Dự là người duyệt, ký văn bản cho ý kiến về kế hoạch chuyến bay combo. Hai bị can còn lại được giao đề xuất, soạn thảo văn bản để ông Dự ký trả lời Bộ Ngoại giao.
Khi thực thi công vụ, 3 bị can trên tạo nhóm lợi ích, yêu cầu doanh nghiệp phải chi 50-200 triệu đồng cho mỗi chuyến bay, hoặc từ 500.000 đến 1,5 triệu đồng/người được đưa về nước. Nhận được tiền, họ mới chấp thuận đề nghị, còn doanh nghiệp nào không hối lộ đều bị gây khó dễ.
Tháng 6/2021, bị can Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty Masterlife) mượn 3 pháp nhân công ty để nộp hồ sơ xin duyệt chuyến bay combo. Nhằm gây khó khăn cho doanh nghiệp chưa đưa tiền, Tuấn đề xuất ông Dự chưa chấp thuận các hồ sơ này. Vì vậy, bà Xa gặp Cường để nhờ giúp đỡ.
Các bị can Trần Văn Dự và Vũ Anh Tuấn. |
Nghe bị can Cường báo cáo, ông Tuấn đề nghị bà Xa phải chi 1 triệu đồng/khách, tương đương 10.000 USD mỗi chuyến bay. Cuối tháng 6, bà Xa đưa cho Cường 20.000 USD tại một quán cà phê gần trụ sở Cục Xuất nhập cảnh để xin cấp phép 2 chuyến bay. Nhận tiền xong, ông Tuấn giữ lại 9.000 USD và chia cho Cường 11.000 USD. Tháng 7 và 9/2021, Cường nhận thêm 1,95 tỷ đồng từ bị can Bùi Huy Hoàng để xin cấp phép 2 chuyến bay cho Công ty Sora (của bị can Võ Thị Hồng).
Sau 2 lần nhận tiền, bị can Tuấn và Cường đề xuất ông Dự ký 8 văn bản gửi Bộ Ngoại giao chấp thuận để các doanh nghiệp tổ chức bay. Ngoài các công ty chủ động nhờ ông Dự, Tuấn hoặc Cường giúp đỡ, CQĐT còn xác định bị can Tuấn chủ động gọi điện cho đại diện các doanh nghiệp yêu cầu phải chi tiền.
"Nhiều trường hợp Vũ Anh Tuấn trực tiếp nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp, hoặc chỉ đạo Vũ Sỹ Cường nhận tiền hối lộ mà không báo cáo bị can Trần Văn Dự", kết luận nêu. Ngoài ra, có một số trường hợp, ông Dự, Tuấn hay Cường trực tiếp nhận tiền riêng lẻ từ doanh nghiệp, họ không cho nhau biết.
Bị can Dự khai được Vũ Anh Tuấn thông báo tổng số tiền họ nhận hối lộ là 7,5 tỷ đồng. Trong đó, ông Dự và Tuấn chiếm hưởng 3,05 tỷ mỗi người, còn Cường nhận 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, cựu Cục phó Trần Văn Dự còn nhận thêm 100 triệu đồng của 2 doanh nghiệp. CQĐT xác định ông Dự nhận hối lộ 7,6 tỷ đồng và hưởng lợi 3,15 tỷ. Bị can đã nộp lại 2 tỷ đồng.
Đối với Vũ Anh Tuấn, CQĐT xác định trong tổng số tiền hơn 27,3 tỷ đồng nhận từ các doanh nghiệp, bị can khai chỉ nhận hối lộ 14,3 tỷ và chỉ báo cáo ông Dự số tiền đã nhận là 7,55 tỷ. Ngoài ra, ông Tuấn còn khai đã nhận tiền của cá nhân khác, CQĐT sẽ điều tra làm rõ ở giai đoạn sau của vụ án. Nhà chức trách cáo buộc ông Tuấn nhận hối lộ hơn 27,3 tỷ đồng và hưởng lợi 22,8 tỷ. Quá trình điều tra, người thân của ông Tuấn nộp lại 3,38 tỷ đồng.
Còn cựu cán bộ tham mưu Vũ Sỹ Cường được Vũ Anh Tuấn chia cho hơn 1,4 tỷ đồng. Theo kết luận, ông Cường hưởng lợi số tiền này nhưng do giúp sức cho Tuấn nhận hối lộ nên phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền hơn 2,8 tỷ (là tiền ăn chia với Tuấn). Ngoài ra, ông Cường còn nhận trên 6,5 tỷ đồng từ 2 đại diện doanh nghiệp. Như vậy, bị can đã nhận hối lộ gần 9,4 tỷ đồng và hưởng lợi trên 5,5 tỷ. Ông Cường đã nộp khắc phục được 320 triệu đồng.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…