Tháng 11/2018, ông Carlos Ghosn, khi ấy là chủ tịch hãng xe hơi Nissan, bị chính quyền Nhật Bản bắt giữ vì các cáo buộc liên quan đến tài chính. Cụ thể, ông Ghosn bị nghi ngờ khai man thu nhập và sử dụng tiền của công ty sai mục đích.
Vào thời điểm đó, ông Ghosn cũng là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của hãng xe hơi Renault (Pháp). Ông còn là nhà lãnh đạo của liên minh 3 bên, gồm hai tập đoàn xe hơi mà ông làm chủ và Mitsubishi.
Dù ông Ghosn không nhận tội song tin tức này vẫn gây chấn động Nhật Bản và ngành công nghiệp xe hơi. Tại Nhật Bản, ông Ghosn là nhà điều hành hiếm hoi người nước ngoài và được trọng vọng vì đưa Nissan thoát khỏi nguy cơ phá sản.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với đài BBC, ông Carlos Ghosn đã kể lại chi tiết vụ đào tẩu khỏi Nhật Bản vào năm 2019.
“Máy bay dự kiến cất cánh vào 23h”, ông Ghosn nhớ lại. “Tôi nghĩ 30 phút nằm trong chiếc hộp kín và đợi máy bay cất cánh là khoảng thời gian lâu nhất mà tôi từng trải qua trong đời”.
Vụ bắt giữ gây chấn động
Cựu chủ tịch Nissan kể lại giây phút mà ông bị bắt giữ tại sân bay Tokyo vào 3 năm trước. “Cảm giác giống như bạn bị xe bus đâm, hoặc một điều gì đó rất đau đớn đang xảy ra”, ông nói. “Ký ức duy nhất của tôi là cảm thấy sốc và toàn thân bị đóng băng”.
Sau đó, ông Ghosn được đưa đến Trung tâm Giam giữ Tokyo. Tại đây, ông phải mặc quần áo tù nhân và ở trong một xà lim. “Tôi bỗng dung phải học cách sống mà không có đồng hồ, không máy tính hay điện thoại, không gì cả”, ông nói.
Ông Ghosn bị giam giữ hơn một năm rồi bị quản thúc tại gia sau khi trả tiền bảo lãnh. Nhiều tháng trôi qua, song phiên tòa xét xử vẫn không diễn ra. Nhiều người lo sợ ông sẽ phải đợi nhiều năm, và có thể phải ngồi tù 15 năm nếu bị kết án.
Ông Carlos Ghosn và người vợ Carole. Ảnh: Reuters. |
Trong thời gian bị quản thúc tại gia, ông Ghosn được thông báo rằng ông không thể gặp người vợ Carole. Đây cũng là lúc ông quyết định tìm cách thoát khỏi Nhật Bản.
"Vì không được lộ mặt nên tôi phải trốn ở đâu đó”, ông nói. “Cách duy nhất để trốn là tôi chui vào một chiếc hộp hành lý lớn. Không ai có thể nhận ra tôi và kế hoạch sẽ thành công”.
Ông Ghosn nảy ra ý tưởng về những chiếc hộp đen đựng nhạc cụ. Ông cho rằng đây là phương tiện “hợp lý nhất, đặc biệt vào thời điểm Nhật Bản tổ chức nhiều buổi hòa nhạc”.
Để không bị phát hiện, ông phải đi mua những bộ quần áo thông thường, khác hẳn những bộ vest đắt tiền mà ông từng mặc.
“Tôi đi đến những nơi tôi chưa từng đến và mua những bộ đồ tôi chưa từng mua”, ông giải thích. “Tôi làm tất cả để tạo cơ hội tối đa cho kế hoạch thành công, đồng thời không gây ra sự chú ý”.
Kế hoạch đào tẩu
Từ nhà riêng ở thủ đô Tokyo, ông Ghosn đi tàu cao tốc đến thành phố Osaka. Tại đây, ông đã thu xếp một máy bay riêng chờ sẵn. Chiếc hộp nhạc cụ mà ông định chui vào cũng được ký gửi ở một khách sạn gần đó.
“Khi vào trong hộp, tôi không nghĩ về quá khứ hay tương lai. Tôi chỉ nghĩ đến thời điểm ấy”, ông Ghosn nhớ lại. “Tôi không sợ hãi hay có bất kỳ cảm xúc nào ngoại trừ sự tập trung cao độ và quyết tâm cao”.
Cha con người Mỹ Michael và Peter Taylor đóng giả làm nhạc sĩ, đưa chiếc hộp đựng ông Ghosn đến sân bay. Nhìn chung, cựu chủ tịch Nissan đã ở trong hộp suốt một tiếng rưỡi, dù ông cảm thấy như “một năm rưỡi”.
Những chiếc hộp nhạc cụ mà ông Ghosn chui vào. Ảnh: WSJ. |
Khi chiếc máy bay tư nhân cất cánh, ông Ghosn dường như được giải phóng khỏi mọi giới hạn. Họ đã bay xuyên đêm, đổi máy bay ở Thổ Nhĩ Kỳ rồi hạ cánh tại Beirut vào sáng ngày hôm sau.
Ông Ghosn lựa chọn điểm đến này vì Lebanon không có hiệp ước dẫn độ với Nhật Bản. Song cha con Michael và Peter Taylor, hai công dân Mỹ, đã bị bắt giữ và dẫn độ về Nhật Bản. Họ đối mặt với án tù 3 năm, do cấu kết với ông Ghosn trong vụ đào tẩu.
Greg Kelly, một đồng nghiệp cũ của ông Ghosn tại Nissan, cũng đối mặt với án tù ở Nhật Bản vì vướng cáo buộc giúp ông chủ che giấu thu nhập.
“Tôi đã được thông báo về phiên tòa xét xử Greg Kelly, có lẽ là vào cuối năm nay. Không ai biết phiên tòa ấy sẽ kết thúc như thế nào”, ông nói thêm. “Tôi cảm thấy buồn cho những nạn nhân của hệ thống tư pháp tại Nhật Bản”.
Theo CNN, ông Ghosn được sinh ra ở Brazil, con của một gia đình Lebanon và Pháp. Ông bắt đầu sự nghiệp với hãng Michelin, và sau đó chuyển sang Renault. Ông có công lớn trong việc tái cơ cấu lại công ty này ở thời điểm nó gặp khó khăn và mang về lợi nhuận. Ông gia nhập Nissan vào năm 1999 sau khi Renault mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn của công ty này.