Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cưỡng bức bảo kê vườn tiêu

Nhiều nông dân tại huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) phải cắn răng trả tiền “bảo kê” hằng năm để không bị chặt phá tiêu.

Chuyện đau đầu mà nhiều nông dân tại huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) chưa biết giải quyết thế nào, là phải trả tiền “bảo kê” hằng năm để không bị chặt tiêu.

Ngày 7/8, Công an xã Đray Bhăng và Công an huyện Cư Kuin truy bắt một nhóm đối tượng trộm cắp, “bảo kê” có tổ chức trên địa bàn. Trước đó, nhóm “anh chị” này chuyên thực hiện các vụ trộm cắp, phá hoại các vườn tiêu rồi buộc người dân phải đóng “hụi chết” để được bảo vệ...

Không đóng tiền sẽ bị phá tiêu

Nhiều hộ dân tại các xã Ea B’hốk, Đray Bhăng, Ea Ninh... của huyện Cư Kuin đang rất hoang mang trước nạn trộm tiêu xảy ra dồn dập trong vài tháng trở lại đây. Bà L.T.M. (thôn Kim Châu, xã Đray Bhăng) từng bị cắt trụi mấy chục bụi tiêu chỉ trong một đêm.

Bà M. bộc bạch, giá như gia đình bà đồng ý chi tiền cho một nhóm thanh niên “nhận canh vườn” thì đã yên ổn. Gia đình bà M. có rẫy tiêu khoảng 1.000 trụ, ba năm tuổi, cách nhà khoảng 3 km, có làm một cái lều và nhờ người cháu canh rẫy.

Một người dân tại xã Đray Bhăng xót xa vì vườn tiêu của gia đình bị cắt hàng chục trụ mà vẫn không tìm ra thủ phạm.

Một người dân tại xã Đray Bhăng xót xa vì vườn tiêu của gia đình bị cắt hàng chục trụ mà vẫn không tìm ra thủ phạm.

“Khoảng một tháng trước, có hai thanh niên vào gặp đứa cháu vờ hỏi xin số điện thoại của chồng tôi. Sau đó người này gọi điện cho gia đình, đặt vấn đề sẽ nhận trông coi vườn tiêu, giá mỗi trụ là 10.000 đồng trong một năm, đảm bảo không bao giờ bị mất trộm. Chồng tôi không biết ai và nghĩ vườn mình thì tự canh, cần gì nhờ ai, nên cúp máy”, bà M. kể.

Mấy ngày sau đó, người này liên tục gọi vào số chồng bà đặt vấn đề nếu không trả tiền thì sẽ không ai bảo vệ được vườn tiêu. “Sau đó chúng tôi nhận được tin nhắn từ số máy trên có nội dung “tiêu đẹp hè”. Ngay tối hôm đó, 17 trụ tiêu của gia đình tôi bị phá tan hoang”, bà M. xót xa.

Tương tự, ông M.S.L. (cùng thôn với bà M.) cũng được một số điện thoại lạ gọi điện gợi ý để người này “coi giùm” vườn tiêu, cà phê với giá 10.000 đồng một trụ trong một năm. Ông L. nói không cần thì liền bị nhắn tin đe dọa nếu không đưa tiền sẽ bị phá tiêu.

“Tối 31/7, gia đình tôi đã bị cắt trụi 40 trụ tiêu. Công an nói đã xác định được đối tượng phá hoại nhưng chưa thể bắt quả tang, xử lý được. Bọn này chưa bị bắt, gia đình tôi như ngồi trên đống lửa vì phải canh tiêu suốt ngày đêm”, ông L. lo lắng.

Trong khi đó, ông T.V.Q. (xã Ea Bhăng) còn đau khổ hơn, vì đã mất tiền “bảo kê” mà vẫn bị... mất trộm. Trước đó đầu năm 2015, ông Q. nhận được gợi ý từ một đối tượng, nếu chi tiền thì vườn tiêu của ông đảm bảo không có ai phá. Ông Q. trồng được 500 trụ tiêu và trả cho nhóm bảo kê 5 triệu đồng một năm.

“Dù đã trả tiền cho nhóm thanh niên này, nhưng ngày 31/7, kẻ gian vẫn trèo qua tường rào gia đình cắt mất hơn 40 trụ tiêu sắp cho thu hoạch. Anh tôi gọi điện cho người đã nhận bảo kê vườn tiêu thì không ai nhấc máy”, bà L.M.B. (em gái ông Q.) cho biết.

Cũng theo bà B., rẫy của bốn anh chị em bà chung một thửa nên cùng góp tiền làm tường rào xung quanh nhưng vẫn liên tục bị mất trộm. Quanh vùng, nhiều hộ gia đình đã phải trả tiền cho nhóm bảo kê này, nhưng nếu bị mất trộm cũng không dám tố cáo vì sợ còn bị mất nhiều hơn.

Một chủ vườn tiêu ở thôn Kim Châu, xã Đray Bhăng, Đắk Lắk bị cắt hàng chục trụ tiêu trong một đêm.

Một chủ vườn tiêu ở thôn Kim Châu, xã Đray Bhăng, Đắk Lắk bị cắt hàng chục trụ tiêu trong một đêm.

Chính quyền bất lực?

Ông Nguyễn Đình Hoan - Trưởng Công an xã Đray Bhăng - xác nhận trên địa bàn xã đang có một nhóm tội phạm chuyên trộm dây tiêu, nhận bảo kê vườn cây của người dân.

Theo ông Hoan, nhóm tội phạm này là những thanh niên lêu lổng, có tiền án tiền sự về tội trộm cắp, cố ý gây thương tích nên người dân rất sợ. Nhóm này có người chuyên thực hiện các vụ trộm, có tổ chức, nhận hàng đưa đi tiêu thụ thành một đường dây khép kín.

“Theo tố cáo, nhóm này ra giá, nếu chủ vườn không đồng ý để cho chúng trông coi thì sẽ bị phá hoại vườn cây. Nhiều người bị đe dọa nên lo trả tiền cho nhóm này. Tuy nhiên phần lớn người dân dù bị mất trộm, bị phá hoại đều không dám khai báo với công an vì sợ bị trả thù, bị phá nhiều hơn.

Bằng các biện pháp khác, chúng tôi đã tổ chức mật phục để bắt quả tang, nhằm có căn cứ điều tra mở rộng, rất tiếc vẫn chưa bắt được (!). Hiện các đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa phương”, ông Hoan thông tin.

Ông Hoan cho biết, thêm nạn bảo kê vườn tiêu, cà phê không chỉ xảy ra mới đây. Mấy năm trước từng có người bị đe dọa chặt phá vườn cà phê, nên phải trả tiền cho các nhóm tội phạm. Công an cũng đã triệt phá được một số nhóm.

Hai năm trở lại đây, nạn này lại bùng phát khiến người dân lo lắng. Mới đây, công an phải thông báo cho người dân ai bị mất trộm, phá hoại thì khai báo để công an nắm tình hình, ngay sau đó đã có gần 20 tin báo của người dân.

Trong khi đó, ông Trương Văn Phụng - Trưởng Công an xã Ea Bhốk - cho biết, địa bàn xã chưa có thông tin về nạn bảo kê, nhưng nạn phá hoại vườn cây, trộm dây tiêu thì “tháng nào cũng xảy ra”. Theo ông Phụng, từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã đã xảy ra 15-16 vụ trộm dây, phá hoại tiêu. Tuy nhiên đến nay chưa bắt được vụ nào.

Gần đây nhất là ngày 5/8, bảy hộ gia đình tại thôn 3 và thôn 8 (xã Ea Bhốk) bị kẻ xấu chặt phá 4-16 trụ tiêu/hộ, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. “Đây không phải do thù tức cá nhân, mà việc chặt phá nhằm đe dọa người dân để đạt được mục đích nào đó.

Tuy nhiên, công an xã chỉ nắm tình hình, bảo vệ hiện trường và báo công an huyện để điều tra”, ông Phụng giãi bày. Về việc có hay không một nhóm bảo kê cố tình tạo ra các vụ phá hoại để bắt người dân phải nộp tiền, ông Phụng nói chưa thấy người dân nào phản ảnh.

Một lãnh đạo Công an huyện Cư Kuin xác nhận, công an huyện đang thực hiện chuyên án truy bắt nhóm trộm chuyên bắt người dân trả tiền bảo kê.

“Để đấu tranh, đưa ra ánh sáng nhóm tội phạm này sẽ rất cam go, mất nhiều công sức. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều lực lượng nhằm triệt phá bằng được nhóm đối tượng này, để trả lại bình yên cho nhân dân” - lãnh đạo này khẳng định.

Giăng điện phòng trộm dây tiêu

Đến chiều 7/8, tại vườn tiêu của gia đình ông T.M.T. (xã Ea B’Hốk) vẫn để hai tấm biển báo ở đầu và cuối vườn: “Không phận sự miễn vào, có điện giật”. Lý do ông T. phải để tấm bảng cảnh báo này, vì thời gian gần đây có quá nhiều vụ trộm cắp dây tiêu xảy ra trên địa bàn.

Một lãnh đạo tại Công an huyện Cư Kuin kể, do tình trạng mất trộm, bị phá hoại dây tiêu diễn ra khá thường xuyên nên người dân rất lo lắng. Nhiều người dân đã phải mắc võng, dựng lều bên cạnh vườn tiêu để canh.

Cá biệt có người còn cắm chông, vây rào thép đề phòng trộm. Công an các xã, huyện cũng đã nhắc nhở việc giăng lưới điện, cắm chông quanh vườn là phạm pháp. Tuy nhiên việc người dân phải cảnh báo như vậy cũng là bất đắc dĩ.


Tây Nguyên: Đổ xô trồng tiêu lạ

Nhiều người dân Tây Nguyên đang đua nhau trồng giống tiêu lạ với gốc ghép có nguồn gốc ngoại lai là cây trầu amazon.

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20150810/cuong-buc-bao-ke-vuon-tieu/822807.html

Theo Trung Tân - Tiến Thành/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm