Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuốn tiểu thuyết lạ lùng về một gia đình hành nghề trộm cắp vặt

Được chuyển thể từ bộ phim cùng tên của đạo diễn Hirokazu Kore-eda, tiểu thuyết "Gia đình trộm cắp" thuộc thể loại tâm lý xã hội sắp đến tay độc giả Việt Nam.

Kore-eda Hirokazu (sinh ngày 6/6/1962) là đạo diễn, nhà sản xuất phim, biên kịch và biên tập viên người Nhật. Bộ phim Gia đình trộm cắp (tên tiếng Anh: Shoplifters) thấm đẫm tinh thần nhân văn của ông đã giành giải thưởng Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 2018 trước sự ngỡ ngàng của rất nhiều người.

Đạo diễn Hirokazu Kore-eda có sự nghiệp điện ảnh kéo dài gần 3 thập niên được thế giới biết đến với những bộ phim phản ánh góc khuất của xã hội hiện đại Nhật Bản, ông hướng máy quay đến số phận của những con người vô danh.

Nhung dom sang trong mot gia dinh trom cap anh 1
Sách Gia đình trộm cắp.

Cuốn sách và bộ phim thuộc thể loại tâm lý xã hội Gia đình trộm cắp, bằng hai ngôn ngữ văn chương và điện ảnh cũng kể câu chuyện về những con người thuộc tầng lớp dưới cùng của xã hội Nhật Bản - như là một hệ quả và mặt tối của nền văn minh - dựa trên những câu chuyện có thực từng xảy ra ở thành phố Osaka.

Kore-eda Hirokazu từng khẳng định: “Tôi không bao giờ làm phim để tán tụng hay chỉ trích điều gì. Dạng phim đó chỉ là phim tuyên truyền mà thôi”. Ông tiếp cận những mảnh đời thấp cổ, bé họng cũng với tâm thế như thế, không tô hồng cũng không phán xét điều gì, chỉ đơn giản là phản ánh bằng con mắt sắc sảo và để lại không gian suy tư, chiêm nghiệm cho người đọc, người xem.

Các nhân vật trong Gia đình trộm cắp là những con người bị bỏ rơi theo nghĩa đen của từ này, làm những nghề mạt hạng để lần hồi sống. Nhân vật chính Osamu làm việc tại một công trường xây dựng nhưng thường xuyên “kiếm thêm” bằng cách bán lại những món đồ mà anh ta ăn cắp được từ các cửa hàng và siêu thị. Osamu còn dạy Shota, cậu bé mà anh ta cưu mang, rằng: “Những thứ trong cửa hàng đều chưa thuộc về ai cả”, vì vậy họ có quyền lấy chúng. Shota vẫn luôn tin sẽ không ai phải chịu đau khổ bởi vì thứ đó bị mất đi nên cậu bé cũng ăn cắp mà không chút mảy may cắn rứt.

Vợ của Osamu tên là Noboyu làm công việc dọn dẹp trong khách sạn và cũng ăn cắp những món đồ khi có cơ hội. Một cô gái trẻ tên Aki cũng góp gạo thổi cơm chung với họ trong gia đình “rổ rá cạp lại”, kiếm tiền bằng cách làm việc cho một cửa hàng cung cấp dịch vụ khiêu dâm. Hatsue là người bà trong gia đình, hỗ trợ chi tiêu trong nhà bằng tiền lương hưu của mình và thi thoảng kiếm chác thêm bằng cách tế nhị vòi tiền những đứa con của vợ hai của người chồng quá cố.

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu với sự việc vào một đêm mùa đông lạnh giá, Osamu và cậu bé Shota về nhà sau một phi vụ ăn cắp thành công thì tình cờ gặp một bé gái bốn tuổi đang sắp chết cóng trên ban công. Anh ta quyết định mang cô bé về nhà mình mà không suy nghĩ quá nhiều về những hệ lụy. Gia đình có thêm một thành viên mới và theo đó là những biến cố mới có thể làm đứt gãy những mối kết nối giữa họ.

Nhung dom sang trong mot gia dinh trom cap anh 2
Hình ảnh trong phim Gia đình trộm cắp.

Gia đình được tạo nên từ những “phế phẩm” về mặt xã hội tưởng chừng như thiếu nền tảng, những điều kiện “cần” và “đủ” của một gia đình đúng nghĩa đó lại chính là nơi chúng ta có thể tìm thấy những đốm sáng của tình người và hạnh phúc. Cuộc sống tạm bợ trong căn nhà cũ kỹ chật chội đôi khi xuất hiện những tiếng cười, những mộng mơ, những vụn mảnh của hạnh phúc, những “dấu hiệu nhận biết” của một gia đình, dù chỉ là gia đình “chắp vá”.

Tác phẩm gợi nhắc chúng ta về câu hỏi cơ bản nhưng cần thiết: Gia đình là gì nếu thiếu những liên nối nhỏ bé, những niềm vui chung, những bữa cơm cùng chia sẻ, sự gần gũi thể lý, những xúc chạm và ấp ôm? Tại sao, trong xã hội hiện đại, nhiều người lựa chọn sống trong những chiếc hộp cá nhân ích kỷ, coi gia đình là trách nhiệm và một hệ lụy cần vượt qua?

Oscar Wilde từng viết: “Tất cả chúng ta đều sống nơi bùn lầy nước đọng, nhưng có những người biết nhìn lên trời và ngắm những vì sao”. Gia đình trộm cắp là một tác phẩm lột tả điều đó một cách nhân văn và đẹp đẽ nhất, có khả năng “kết nối những con người xung đột trong một thế giới nhiều chia cắt và cách biệt” (Hirokazu Koreeda). Buổi ra mắt sách tại Cafe sách Đông Tây hứa hẹn sẽ có những chuyện trò đầy thú vị về tác phẩm này.



Nancy Nguyễn

Bạn có thể quan tâm