Trong nhiều năm trước đây, có một nhà thơ trẻ (anh Nguyễn Đức Quang nay là Tổng biên tập báo Thiếu niên Tiền phong) đã đi tìm mãi không biết ông Bắc Thôn tác giả Hai làng Tà Pình và Động Hía là ai?
Bắc Thôn không phải là một nhà văn chuyên nghiệp, ông đã tham gia quân đội từ năm 1946, ông đã từng là chính trị viên đại đội thuộc sư đoàn 312, tham gia các chiến dịch Mộc Châu, Sơn La, Tây Tiến, Điện Biên Phủ… Sau này ông là một nhà báo và mất lặng lẽ ở Hà Nội vì bệnh nặng từ năm 1967…
Hai làng Tà Pình và Động Hía được tác giả Bắc Thôn kể từ một câu chuyện có thật ông được biết trong thời gian bị lạc đơn vị, sống với đồng bào miền núi. Truyện về tình bạn của em bé Vừ A Sình người Mèo (Tà Pình) và em bé Triệu Đại Mã người Mán (Động Hía) ra đời từ năm 1958 đã được bạn đọc rất mến mộ và được tái bản nhiều lần.
Năm 1992, cuộc tìm kiếm của những người trẻ hâm mộ tác giả Bắc Thôn đã đi đến đích! Biết được tên thật của ông là Nguyễn Tuấn San, em ruột nhà thơ Thâm Tâm (tên thật là Nguyễn Tuấn Trình) tác giả bài thơ Tống biệt hành nổi tiếng, thế là câu hỏi về thành công đột xuất của ông trong tác phẩm Hai làng Tà Pình và Động Hía phần nào đã được "giải mã" từ truyền thống văn học của gia đình ông.
Tác phẩm Hai làng Tà Pình và Động Hía của nhà văn Bắc Thôn. |
Mở đầu câu chuyện, tác giả Bắc Thôn đã đưa bạn đọc đến hai làng Tà Pình và Động Hía: "Trên các miền rừng núi, người Mèo và người Mán thường ở rất cao. Mãi tận đỉnh núi, hay mãi tận mây xanh cũng được. Người ta thường gọi đó là những rẻo cao hẻo lánh của tổ quốc chúng ta…"
Đưa bạn đọc lên "tận mây xanh", rồi kể lại cho chúng ta những truyện xưa cũ mâu thuẫn truyền đời giữa hai làng từ chuyện một con ngựa quý của ông Thống lý người Mèo bị ông vua người Mán chém chết mà thành một mối thù hằn hết đời này sang đời khác, đến cả trẻ con làng Mèo không chơi với trẻ con làng Mán. Thế rồi đến một ngày kia hai cậu bé Mán và Mèo đã phá lệ làng chơi với nhau và rồi một ngày quân Pháp kéo đến, cậu bé người Mán Động Hía Triệu Đại Mã đã bỏ mình để cứu làng Mèo Tà Pình.
Thuở ấu thơ, hễ đọc đến những trang cuối của cuốn sách, nước mắt tôi cứ trào ra xót thương, xúc động… Ôi, mong sao hai làng đừng bao giờ thù hằn nhau nữa!
Ngày ấy, chuyện mâu thuẫn giữa hai làng ở bên cạnh nhau như hàng xóm láng giềng hình như không phải chỉ có ở trên núi cao. Ở dưới đồng bằng cũng có không ít những đôi làng như vậy. Tôi nhớ ngày tôi đi dạy học về vùng nông thôn có dịp đã được nghe giới thiệu về hai làng A và B ở bên nhau: "Cô giáo ơi, hai cái làng này cứ như là "Hai làng Tà Pình và Động Hía" ấy!" Thế đấy các bạn ạ, đã có một thời cụm từ "Hai làng Tà Pình và Động Hía" là để chỉ hai làng bên cạnh nhau và có mâu thuẫn truyền đời!
Ngày nay những đỉnh núi cao, đến cả nơi cao nhất như đỉnh Phan-xi-păng cũng không còn cao và xa nữa, hình như ai cũng có thể đến được. Người Mèo và người Mán cũng không còn xa lạ với những thành phố lớn hiện đại…
Thế nhưng câu chuyện "Hai làng Tà Pình và Động Hía" thù ghét nhau truyền đời dường như vẫn còn lẩn quất đâu đây. Câu chuyện của tác giả Bắc Thôn kể dường như vẫn là những lời nhắc nhở chúng ta hôm nay, hãy vì trẻ thơ mà xóa đi những làn ngăn cách vô hình vẫn còn là rào cản tình người thương mến nhau…