Sách Mù lòa. |
Đôi lúc, ở trên đường, hay ở một nơi xa nào đó, khi ta dừng lại hoặc tỉnh dậy bất chợt, lúc đầu óc trống rỗng, tự nhiên ta bật ra câu hỏi, hỏi chính ta: đây là đâu, bây giờ là khi nào? Nhiều lúc ngơ ngẩn, ta hỏi thêm, ta là ai và ta sẽ ra làm sao?
Thường là ta sẽ trả lời được câu hỏi trong ngắn hạn, và ở quy mô hẹp. Nhưng nếu mở rộng câu hỏi ra cho “chúng ta” và nhìn dài hạn hơn, ta cũng loay hoay trăn trở, không biết trả lời như thế nào, hoặc trả lời như thế nào cho thỏa đáng.
Mù lòa, cùng Hang động, và Mọi cái tên là ba quyển của Jose Saragamo, là bộ ba không đi tìm câu trả lời, mà hỏi lại những câu hỏi trên ở giác độ khá độc đáo. Mọi cái tên cho tằng ta chẳng là ai (là gì) cả, ta chỉ là cái tên nếu ta tự nhìn lại ta từ góc độ cá nhân của mỗi người, và cuối cùng, ta chỉ là cái tên như mọi cái tên trên bia mộ. Nên muốn tìm ta (tức là sau khi ta đã chết đi) thì đừng đi tìm tên, mã số định danh, mà phải tìm ta (đã chết) ở giữa những người sống. Mà ta (đã chết) giữa những người sống (là những ký ức, câu chuyện, hình ảnh) cuối cùng cũng nhạt phai.
Hang động, mượn hình ảnh Hang động của Socrate (trong Cộng hòa của Plato) cho rằng cả cuộc đời Ta cuối cùng xét lại, cũng chỉ là những tù nhân trong Hang động thăm thẳm tối, có thể nhìn thấy cửa hang, nơi sáng, nhưng vì những xiềng xích vô hình níu kéo, mà đa phần không thể đạt tới được tự do của mình.
Mù lòa là tác phẩm lớn nhất, nói về ta ở giác độ rộng hơn, hỏi về Chúng ta là ai (và Chúng ta như thế nào tốt hay xấu, thiện hay ác), hỏi về Chúng ta sẽ là ai, như thế nào (tốt xấu, thiện ác) khi các điều kiện hiện thời của chúng ta thay đổi.
Giả sử một ngày mọi thứ được coi là đặc điểm của xã hội văn mình bị gãy đổ, con người quay về tình trạng như thời kỳ nguyên thủy, thì con người- vốn- đã- văn minh sẽ hành xử như thế nào, liệu những thứ được coi là văn minh, là đạo đức còn được duy trì nữa hay không, hay con người sẽ trở thành một con người khác, một loài khác.
Mù lòa đưa ra một giả định rằng cả xã hội bị bệnh dịch mù lòa, mọi người trở thành mù, không thấy gì. Khi ấy toàn xã hội bị ngừng trệ, nền văn minh bị tan vỡ, con người hành động theo bản năng. Lúc ấy, người đọc bị cuốn theo câu hỏi, vậy Ta sẽ thế nào, có còn đủ tốt hay không, mà thật ra thế nào là tốt, trong một bình thường mới.
Mù lòa nêu lên vai trò quan trọng của thể chế để điều tiết, ngay cả khi con người quay về trạng thái nguyên thủy. Vì bản chất con người, nếu không bị ràng buộc bởi các quy ước văn minh (vốn được coi là xiềng xích vô hình trong Hang động) sẽ có xu hướng hành xử với nhau giống như những con thú nhiều hơn là con người.
Do đó cần có nhà nước để điều tiết hành vi, nếu không muốn con người đi tới chỗ bế tắc (hoặc những giá trị của con người bị thối rữa hoàn toàn).
Tuy vậy dường như Saragamo có nhận định tương đối bi quan về bản chất Chúng ta, cho rằng Chúng ta đều xấu xa, tham lam, và đều coi tư hữu vừa là cứu cánh vừa là Phương tiện. Nhưng thực ra Chúng ta có đúng là xấu xa như thế không?
Kafka trong Hóa Thân (The Metamorphosis) lại nêu ra nhận định theo một hướng khác. Chúng ta chỉ là những cá nhân, bất lực, cô đơn, ít kết nối với xã hội, và các mối kết nối với xã hội nếu có thì càng ngày càng mong manh càng dễ đổ vỡ. Chúng ta, hay nói đúng hơn là Ta (số ít) luôn cảm thấy như bị cách ly khỏi xã hội, khỏi những người khác, và những Ta khác ấy, không thể hiểu, cảm thông, chia sẻ với Ta này. Mối quan hệ mỏng manh nếu có giữa Ta ta và Ta khác chỉ là vì nghĩa vụ hơn là vì tình thương yêu quan tâm, chăm sóc.
Ở đây, Mù lòa hình như khác hẳn với Hóa thân vì Saragamo cho rằng con người có phần tốt xấu và khi quay về trạng thái nguyên thủy thì dù phần xấu có vượt trội thì con người vẫn có những kết nối bầy đàn.
Còn Kafka, không chỉ ở trong Hóa thân, mà còn ở Lâu đài hoặc Vụ án đều cho rằng mỗi con người đều cô đơn, bị áp chế, bị cách ly và đều bất lực trong việc muốn mình sẽ là ai, sẽ như thế nào ở bình diện mỗi cá nhân, trong ngắn hạn.
Mù lòa là một tác phẩm rất đáng đọc. Tất nhiên nếu có thời gian thì nên đọc thêm (như là một phần của combo) các cuốn (1) Homo Deus (Yuval Noah Harari) để xem loài người sẽ thế nào từ góc độ non-fiction, (2) Hóa thân (Franz Kafka), để xem ta là ai từ góc độ cá nhân.
Còn nếu coi Mù lòa như là một tác phẩm nói về cách ứng xử trong giai đoạn dịch bệnh, thi nên đọc thêm (1) Dịch Hạch (Albert Calmus) để xem xã hội thay đổi thế nào khi có dịch bệnh (rất giống thay đổi của xã hội đương thời), và (2) Chết ở Venice (Thomas Mann), để thấy một con người trước khi có thể chết vì dịch bệch thì đã chết vì những ham muốn không được thỏa mãn.
Để biết có nên đồng ý hay không đồng ý về vai trò của nhà nước và thể chế nói chung đối với nhân loại thì nên đọc thêm hai cuốn của Francis Fukuyama (Trật tự chính trị & Suy tàn chính trị và Nguồn gốc trật tự chính trị) - dĩ nhiên hai cuốn này còn nói về nhiều nội dung lớn khác, và tất nhiên chắc chắn sẽ phải đọc Tại sao các quốc gia thất bại, một tác phẩm viết về thể chế xuất sắc của Daron Acemoglu và James Robinson.
Bài viết của độc giả Phạm Văn Cung, được gửi từ email "c...@worldbank.org".
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.