"Chuyện cảm động không đến từ con người" là tập 1 của cuốn sách "Chó dẫn đường phiêu lưu ký" được hoàn thành khi tác giả mới 13 tuổi. Cuốn sách tiếp theo có tên "Người bạn tri kỷ vượt lên rào cản ngôn ngữ" được hoàn thành khi Mikhail Samarsky 15 tuổi. Đây được cho là những cuốn sách gây chấn động nước Nga.
Cuộc sống của chú chó Trison và “những người được bảo bọc” như “Một chiếc cầu vồng. Cầu vồng có nhiều màu sắc. Màu này phản chiếu màu kia nhưng hai màu liền kề nhau cũng có sự dung hòa nhất định. Cuộc đời cũng thế, có muôn màu sáng tối.” Trison có ánh sáng của mắt, sự nhanh nhạy của mũi thì bên cạnh đó là sự tối tăm của những người khiếm thị đang được cậu giúp đỡ.
Tác phẩm là sự đồng cảm sâu sắc với những người kém may mắn trong cuộc sống khi không nhìn thấy ánh sáng, phải sống trong bóng đêm lặng lẽ. Chính vì lẽ đó, ngay khi vừa ra đời, "Chuyện cảm động không đến từ con người" nhanh chóng tạo được tiếng vang tại Nga và được ấn hành bằng chữ nổi với các ngôn ngữ như Đức, Czech, Bulgaria, Thụy Điển và đang được dựng thành phim truyện nhựa.
“Chó dẫn đường phiêu lưu ký – Người bạn tri kỷ vượt lên rào cản ngôn ngữ” được xem là phần hai của quyển sách “Chó dẫn đường phiêu lưu ký – Câu chuyện cảm động không đến từ con người.” Trong phần này, bạn đọc không chỉ làm quen với những người đồng hành mới được chú chó Trison “bảo bọc” mà còn làm quen với con mèo Kilusia - “kỳ quái quan thế giới theo cách gọi của Trison. Chó và mèo chẳng thuận nhau bao giờ nên câu chuyện càng trở nên hài hước và vui nhộn hơn bao giờ hết.
Bìa của cuốn sách. |
Trison không chỉ có những cuộc phiêu lưu đáng tự hào mà còn là những câu chuyện sâu sắc về tình yêu thương của con người dành cho vật nuôi và tình cảm của một chú chó dẫn đường dành cho những người khiếm thị. Trison hay gọi cuộc đời của mình như cách gọi của một số ít người là “Đời chó má”, cũng có nhiều thăng trầm, vui buồn như có lúc chú đã được sống trong ngôi nhà đầy tình yêu thương của nhà văn mù Anna Ygorevna Krivosheeva, hay cuộc sống với bà Polina Foteevna Ivankhnik. Bà đã khiến Trison phải bị bắt vào đồn công an vì bà đã lợi dụng Trison và biến cậu thành một công cụ để ăn cắp đồ của siêu thị. Đây có lẽ là điều khiến cho Trison thấy xấu hổ nhất trong cuộc đời làm chó dẫn đường của mình. Tuy nhiên, bên cạnh việc nghiện rượu, bà Polina cũng biết giúp đỡ người khác khi lâm vào cảnh khó khăn, dù rằng bà là một người già khuyết tật. Chính điều này đã khiến Trison cảm thấy yêu quý bà hơn sau những gì bà đã làm cho cậu.
Hai cuốn sách về “Chó dẫn đường phiêu lưu ký” đã giúp cho Mikhail Samarsky, khi ấy chỉ là cậu bé mười lăm tuổi trở thành “Người vén màn đêm” vì với hai quyển sách này, tổng thống Liên bang Nga lúc bấy giờ là Dmitri Medvedev đã sửa ngay chính sách đối với người khiếm thị. Nhờ đó, các học sinh khiếm thị sau khi ra trường được mang theo đầy đủ thiết bị chuyên dụng để bước vào cuộc đời, có thể học tập và lao động như mọi người khác.
Không chỉ hấp dẫn, lôi cuốn với nhiều tình tiết độc đáo đầy kịch tính, “Chó dẫn đường phiêu lưu ký” còn là lời nhắc nhở về tình thương và lòng nhân ái, khi mà trong xã hội hiện đại ngày càng thưa vắng dần sự quan tâm, đồng cảm với những con người tật nguyền, bất hạnh… Tác phẩm đã được ấn hành ở Mỹ bằng tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ khác trên toàn thế giới.
Mikhail Samarsky là một tác giả tài năng sinh năm 1996, hiện vừa mới tốt nghiệp trường phổ thông năng khiếu nội trú trực thuộc ĐH tổng hợp quốc gia Matxcơva mang tên Lomonosov.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống văn chương (bố là nhà soạn kịch, mẹ là nhà văn chuyên viết truyện trinh thám), từ năm 12 tuổi, Mikhail Samarsky đã bắt đầu đam mê sáng tác.