Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí tri thức trực tuyến

Cuốn sách ảnh hưởng lớn nhất ở Indonesia

"Chiến binh cầu vồng" được dịch ra 26 thứ tiếng, bán được trên năm trăm triệu bản và là một trong những đại diện xuất sắc nhất của văn học Indonesia hiện đại.

Cuốn sách ảnh hưởng lớn nhất ở Indonesia

"Chiến binh cầu vồng" được dịch ra 26 thứ tiếng, bán được trên năm trăm triệu bản và là một trong những đại diện xuất sắc nhất của văn học Indonesia hiện đại.

Được xuất bản lần đầu năm 2005, Chiến binh cầu vồng là tác phẩm đầu tay và cũng là câu chuyện thật về ấu thơ của Andrea Hirata – nhà văn ăn khách nhất từ trước tới nay của Indonesia.

Ngay tại lần xuất bản đầu tiên, cuốn sách đã đạt được thành công vang dội, sau đó được chuyển thể thành phim điện ảnh, nhạc kịch và cả phim truyền hình. Sau sự kiện xuất bản và hàng loạt những tác phẩm chuyển thể, lượng khách du lịch tới đảo Belitong, nơi được lấy làm bối cảnh của câu chuyện trở nên tăng đột biến. Một phần vì thế, Chiến binh cầu vồng được xem là một hiện tượng đặc biệt, một cơn chấn động lớn tại Indonesia.

Cuốn sách có giá bìa 82.000 đồng.

Cuốn sách là câu chuyện đầy sống động diễn ra tại hòn đảo Belitong, nơi mà giáo dục đã “trở thành một nỗ lực vô ích đối với những đứa trẻ bị mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo, chẳng mấy hi vọng được cắp sách đến trường, phải cật lực vì cái ăn cái mặc hằng ngày dưới sự phân biệt đối xử”.

Thế nhưng, ở nơi đó vẫn tồn tại những con người lao động dù khổ cực và thiếu thốn đến mấy vẫn cố gắng cho con họ đi học. Ở nơi đó vẫn tồn tại một ngôi trường với ông hiệu trưởng già yêu nghề, yêu học trò và coi nghiệp dạy học như một lẽ sống, một cô giáo trẻ chấp nhận đương đầu với những thế lực cửa quyền để bảo vệ ngôi trường nghèo nàn xiêu vẹo…

Và hơn hết, ở nơi đó, có những đứa trẻ ngày ngày làm công việc cu ly toàn thời gian để kiếm tiền phụ giúp gia đình, nhưng hàng đêm vẫn khát khao mơ ước được học chữ, được đến trường dù phải vượt qua quãng đường đạp xe mỗi ngày bốn mươi cây số, vượt qua đầm cá sấu lúc nhúc bọn ăn thịt người… Ở nơi đó, là nơi vẫn tồn tại niềm tin, niềm hy vọng được chạm tới con đường của tri thức, mơ cao, vươn cao tới cuộc sống khai sáng của học thuật, cuộc sống no đủ của những người có học.

“Trong khi cô Mus và thầy hiệu trưởng Harfan lo rằng trường sẽ có nguy cơ đóng cửa, các bậc phụ huynh lại lo lắng về những khoản chi phí, còn lũ chúng tôi – chín đứa nhỏ mắc kẹt chính giữa – lại lo cả bọn sẽ không được đi học mất thôi.

Năm trước Trường Tiểu học Muhammadiyah chỉ có mười một học sinh. Thầy hiệu trưởng Harfan không mấy tin rằng năm nay trường sẽ đạt chỉ tiêu mười học sinh, nên thầy đã âm thầm chuẩn bị bài diễn văn đóng cửa trường học. Thầy chỉ mong muốn duy nhất một điều – thêm một học sinh nữa. Thực tế đó sẽ khiến cho bài diễn văn càng thêm xót xa.

… Rốt cuộc, thời khắc quyết định đã điểm. Mười một giờ năm phút rồi mà tổng số học sinh vẫn chưa đủ mười. Niềm hân hoan vô bờ bến khi được đến trường trong tôi giờ đã gần như cạn sạch. Tôi hất tay cha ra khỏi vai. Sahara nức nở khóc trong vòng tay mẹ nó bởi vì quả thực nó muốn đi học tại Trường Tiểu học Muhammadiyah này biết mấy…

Thầy hiệu trưởng Harfan đến bên các bậc phụ huynh và chào lần lượt từng người một. Thật đau lòng. Ai cũng vỗ vỗ lưng thầy tỏ ý an ủi. Hai mắt cô Mus giờ giàn giạ nước. Thầy hiệu trưởng Harfan bước ra đứng trước các bậc phụ huynh. Trông thầy thật khốn khổ khi chuẩn bị đọc bài phát biểu cuối cùng của mình. Thế nhưng, ngay khi thầy vừa thốt ra được mấy từ, “Assalamu’alaikum, cầu chúc mọi người an lành”, thì thằng Trapani hét tướng lên và chỉ tay về phía ngoài sân trường, khiến ai nấy đều giật bắn mình.

“Harun kìa!”

… Cậu con trai ấy là Harun, một cậu con trai vui nhộn và là bạn tốt của cả bọn chúng tôi. Cậu đã mười lăm tuổi, ngang với tuổi cô Mus, nhưng đầu óc hơi kém phát triển. Cậu vô cùng sung sướng và bước đi thật nhanh, gần như chạy, như thể cậu không đợi được thêm một phút giây nào nữa để nhập bọn cùng chúng tôi. Cậu chẳng để ý gì đến mẹ mình, còn bà thì khấp kha khấp khởi chạy theo cậu con trai, cố nắm chặt tay cậu.

Cả hai gần như thở không ra hơi khi đến được trước mặt thầy hiệu trưởng Harfan.

“Thưa thầy,” bà mẹ nói trong hơi thở hổn hển. “Làm ơn nhận thằng Harun với. Trường dành cho trẻ đặc biệt mãi tít ở đảo Bangka. Chúng tôi không thể đủ tiền để cho thằng bé học ở đấy”.

Haurn khoanh tay trước ngực, nét mặt bừng lên rạng rỡ. Mẹ cậu nói tiếp.

“Và quan trọng hơn cả, đưa nó vào học trường này còn hơn là cho nó ở nhà, thằng bé cứ rượt đuổi bọn gà con chạy tán loạn hết cả.”

Harun ngoác miệng cười, để hở những chếc răng dài, vàng khè.

Thầy hiệu trưởng Harfan cũng cười. Thầy đưa mắt nhìn cô Mus, nhún vai.

“Đủ mười rồi đấy,” thầy nói.

Harun đã cứu chúng tôi” (trích đoạn cuốn sách Chiến binh cầu vồng).

Lời văn sống động và chân thực đến cùng cực, cảm xúc sóng sánh và được gói lại thật tròn đầy trong từng câu chữ, cuốn sách như một lời kể chuyện tự nhiên, với giọng kể lúc tủi hờn, khi xót xa, lúc đớn đau phẫn nộ và tuyệt vọng vì cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo, cuả bất công xã hội. Tuy nhiên, không vì thế mà cuốn sách mất đi những ánh sáng tươi đẹp của hy vọng và lấp lánh niềm vui, niềm hạnh phúc của thời học trò trong sáng với cả nước mắt lẫn tiếng cười.

Như một nguồn cảm hứng bất tận cho những người đam mê vẻ đẹp của những câu chuyện kể bằng ngôn ngữ, Chiến binh cầu vồng đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng lan ra khắp toàn thế giới. Cuốn sách được dịch ra 26 thứ tiếng, bán được trên năm trăm triệu bản và là một trong những đại diện xuất sắc nhất của văn học Indonesia hiện đại.

Sách hiện đã có mặt tại nhà sách trực tuyến 123.vn. Bạn đọc quan tâm có thể đặt sách online để được hưởng ưu đãi giảm giá 20%, đồng thời tham gia chương trình khuyến mãi “Mua sách hay – Trao tay quà sốc” để có cơ hội nhận được Kindle Fire HD hoặc Ipod Nano 7. Chương trình kéo dài đến hết ngày 21/3/2013.

Hà Phương

 

Hà Phương

Bạn có thể quan tâm