Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuốn film bị bỏ quên trên gác mái hé lộ nhiếp ảnh gia bậc thầy

Nhiều thập kỷ sau khi qua đời, một người nông dân tại Moldova bỗng trở thành nhiếp ảnh gia có tác phẩm được triển lãm ở nhiều châu lục.

Các bức ảnh của Zaharia Cusnir được trưng bày bên ngôi nhà cũ của ông tại Rosietici, Moldova. Ảnh: New York Times.

Ông Zaharia Cusnir đã mất gần 30 năm trước tại Rosietici - một ngôi làng nhỏ ở phía Bắc thủ đô Chisinau, Moldova. Ít ai nhớ đến người nông dân già này, ngoại trừ một số người cùng thời. Ấn tượng lớn nhất của họ về ông Cusnir là đam mê chụp ảnh.

“Ông ấy có mặt ở mọi đám hiếu hỉ với chiếc máy ảnh”, ông Vyacheslav Bulkhak, một trong những người hiếm hoi còn có ký ức về ông Cusnir, nói với New York Times.

Dù vậy, Zaharia Cusnir lại đang là cái tên được nhiều người biết đến trong làng nhiếp ảnh thế giới như một nghệ sĩ với tài năng hiếm có. Những bức ảnh của ông đã được triển lãm khắp châu Âu và sẽ được trưng bày ở Mỹ vào năm sau. Sách tập hợp ảnh của Cusnir cũng đã được xuất bản.

Ông Cusnir được so sánh với Vivian Maier - nữ nhiếp ảnh gia người Mỹ cũng chỉ được biết đến sau khi qua đời. Cái tên của ông có lẽ đã chìm trong dòng chảy lịch sử nếu không có một phát hiện bất ngờ sáu năm về trước.

Phát hiện bất ngờ

Năm 2016, Victor Maxian, một sinh viên tại Học viện Nghệ thuật Chisinau, tới làng Rosietici để tìm kiếm nơi quay phim tài liệu. Số phận đã đưa anh tới ngôi nhà bị bỏ hoang của ông Cusnir.

Khi bước vào trong, anh tìm thấy một số tấm phim âm bản cũ vứt rải rác trên nền nhà. Những tấm ảnh này vốn được cất trên căn gác thượng, nhưng bị rơi xuống qua một lỗ hổng trên trần nhà. Căn gác thượng là nơi ông Cusnir đã cất giữ bộ sưu tầm quý giá của mình trước khi qua đời năm 1993.

Vài ngày sau đó, Maxian quay trở lại ngôi làng cùng với người thầy của mình, giáo sư Nicolae Pojoga. Họ thu thập mọi bức ảnh mà họ có thể tìm thấy, phát hiện gần 4.000 tấm phim âm bản. Hai thầy trò dành ra nhiều tháng sau đó để phục chế và rửa ảnh.

buc anh lang quen anh 1

Các tấm ảnh cũ của ông Cusnir. Ảnh: New York Times.

“Ngay khi nhìn thấy những bức ảnh của Zaharia (tức ông Cusnir), tôi đã biết rằng chúng rất đặc biệt. Đây là phát hiện tuyệt vời”, giáo sư Pojoga nói.

Tuy nhiên, người dân địa phương không mấy ấn tượng. Khi Maxian đưa một số tấm phim cho Ioana Cebotari, con gái của ông Cusnir sống gần đó, bà cười và gọi đây là đống “đồ bỏ đi cũ” của cha mình.

Bà Maria Ratnikova, một người con gái khác, nói rằng chụp ảnh không chỉ là sở thích hay nghề nghiệp của ông Cusnir - dù ông kiếm được tiền từ công việc này. Thay vào đó, đây là “tình yêu lớn”.

Lần đầu tiên ông Cusnir nhìn thấy máy ảnh là khi được một người họ hàng giới thiệu. Bà Ratnikova cho biết cha mình đã say mê đồ vật này từ thời điểm đó.

Ông tiết kiệm tiền để mua một chiếc máy ảnh Lubitel - loại máy ảnh bình dân do Liên Xô sản xuất - và biến một trong hai căn phòng ở nhà mình thành buồng tối, nơi ông làm việc khi con cái đã ngủ.

“Ông ấy làm việc với những tấm phim cả đêm. Tôi không biết ông ấy ngủ lúc nào nữa”, bà Ratnikova hồi tưởng.

"Ông ấy luôn chụp ảnh"

Khi còn sống, lần duy nhất ông Cusnir nhận được sự chú ý từ bên ngoài làng mình là khi ông nổ súng vào những tên trộm đang lục lọi trong vườn. Với hành động này, ông đã bị tuyên khoảng 2-3 năm tù - các thành viên trong gia đình ông không còn có thể nhớ chính xác.

Sau khi ra tù, ông không thể quay trở lại làm giáo viên. Do đó, ông chuyển sang làm cho nông trang tập thể của làng, cũng như tới các làng khác chụp ảnh để kiếm thêm thu nhập - đôi khi chỉ là một vài quả trứng.

“Tôi không thể tưởng tượng rằng một người như vậy có thể trở nên nổi tiếng”, bà Vera Bors, 78 tuổi, nói. Ông Cusnir từng chụp hai bức ảnh chân dung bà Bors khi người phụ nữ này còn trẻ.

buc anh lang quen anh 2

Bà Bors (phải) trong một tấm ảnh của ông Cusnir. Ảnh: New York Times.

“Ông ấy luôn chụp ảnh”, bà Bors hồi tưởng. “Chúng tôi đều mong được ông ấy chụp”.

Tại Rosietici, một tấm biển gỗ đã được dựng lên để hướng dẫn du khách tới ngôi nhà cũ của ông Cusnir. Những bức ảnh của ông cũng được in lên các tấm bảng lớn.

Người dựng nên những tấm bảng này chính là Maxian. Ông cho biết bản thân muốn tài năng của ông Cusnir được chính những người Moldova đón nhận.

Maxian mong mọi người “nhìn vào những bức ảnh này để hiểu về hiện tại, để nhớ về quá khứ mà họ không biết đến hoặc đã lãng quên”.

Về phần mình, giáo sư Pojoga cảm thấy tự hào vì “chiến tích” đưa những bức ảnh của ông Cusnir ra với thế giới.

“Tôi chưa bao giờ cảm thấy nhiều cảm xúc như khi phát hiện những bức ảnh này”, ông nói. “Đây là chuyến phiêu lưu tuyệt vời trong cuộc đời tôi”.

Những cuốn sách nhiếp ảnh đáng chú ý trong năm 2022

Theo bình chọn của các biên tập viên tại tạp chí Smithsonian, 5 cuốn sách ảnh đẹp nhất 2022 gồm: "Like a River", "Theatrum Equorum", "Bird Planet", "Ice" và "Tierra del Sol".

Đằng sau bức ảnh phá kỷ lục thế giới của Messi

Tác giả của tấm ảnh là một nhiếp ảnh gia kỳ cựu người Anh. Ông không biết siêu sao làng bóng đá chia sẻ lại ảnh mình chụp cho đến khi người nhà, đồng nghiệp thông báo.

Mở cửa thư viện nhiếp ảnh lớn nhất châu Phi tại Ghana

Thư viện nhiếp ảnh lớn nhất châu Phi đã được khai trương tại thủ đô Accra của Ghana, trưng bày tác phẩm của những tài năng nhiếp ảnh lục địa này.

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm