Đây là một trong những nội dung tại Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Theo đó, trong đợt tăng giá điện lần này, giá truyền tải điện sẽ được ưu tiên điều chỉnh. Động thái này nhằm giúp Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia có thể nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các chỉ tiêu tài chính theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, bảo đảm tự thu xếp đủ vốn cho đầu tư phát triển lưới điện truyền tải.
Cũng tại văn bản này, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan liên quan hoàn thiện các nội dung của Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII).
Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương chuẩn bị tài liệu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/3/2015 để xem xét, báo cáo Thường trực Chính phủ các giải pháp để bảo đảm cung cấp điện trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Các công trình nguồn và lưới điện cấp bách và đề xuất các cơ chế đặc thù cho phép áp dụng, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nguồn, lưới điện cấp bách trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng đồng ý bổ sung dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, công suất 600 MW vào danh mục các nguồn điện cấp bách, thuộc Quy hoạch điện VII, đưa vào vận hành năm 2019, để bảo đảm cung cấp điện cho khu vực phía Nam. Bộ Công thương tổng hợp vào danh mục các dự án nguồn điện cấp bách trong báo cáo Thường trực Chính phủ.
Bộ Công thương tập trung chỉ đạo, giải quyết theo thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành của các dự án nhiệt điện khu vực phía Nam: Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 4, Long Phú 1, Sông Hậu 1; trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Từ năm 2015 không xuất khẩu than cám
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị liên quan từ năm 2015 không được xuất khẩu than cám, điều chỉnh hợp lý kế hoạch khai thác và dự trữ than để đảm bảo cho sản xuất điện trong các năm từ 2018 – 2020.
Đồng thời chỉ đạo sớm hoàn thiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam, trong đó đề xuất sản lượng than khai thác ổn định, lâu dài, bảo đảm phát triển bền vững ngành than và cung cấp than ổn định cho sản xuất điện và các lĩnh vực khác. Trên cơ sở khả năng sản xuất than trong nước (khoảng 50 – 60 triệu tấn), đề xuất các nhà máy điện, các xí nghiệp công nghiệp hiện có và đang xây dựng có yêu cầu khắt khe về chất lượng, chủng loại than, được đảm bảo cung cấp lâu dài; các dự án nhà máy điện than mới phải tính toán sử dụng than nhập khẩu.
Bộ Công thương khẩn trương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo chưa có cơ chế hỗ trợ (năng lượng mặt trời, địa nhiệt…).
Sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các nhà máy điện và Tổng công ty truyền tải điện quốc gia tăng cường công tác sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện, các đường dây và trạm biến áp truyền tải điện khu vực miền Nam để đảm bảo huy động vận hành với công suất và số giờ cao từ năm 2017.
Đồng thời ưu tiên nguồn lực để đẩy nhanh đầu tư phát triển lưới truyền tải và phân phối điện nhằm khắc phục triệt để hiện tượng quá tải, bảo đảm lưới điện có dự phòng, thực hiện tốt mục tiêu giảm tổn thất, nâng cao độ linh hoạt và an toàn cung cấp điện.