Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cười một chút với đời để xót xa cho phận người

Những tình huống rất đơn giản được nhà văn Hồ Anh Thái nhào nặn một cách vừa vặn cùng giọng kể châm biếm đầy màu sắc. Ông đem đến cho độc giả những truyện ngắn đáng đọc và ngẫm ngợi.

Trượt chân trên tầng cao là tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn Hồ Anh Thái. 22 truyện ngắn trong tập sách này là những lát cắt đa dạng từ đời sống, với các câu chuyện được kể từ nhiều phận người khác nhau. Bức tranh xã hội từ thời kỳ bao cấp còn khốn khó, cho tới cuộc sống hối hả của hiện đại, được tác giả lồng ghép một cách khéo léo trong những truyện ngắn dí dỏm, châm biếm thói đời một cách sâu sắc.

Khi đọc tập truyện ngắn này, chắc chắn độc giả sẽ bật cười vì những tình tiết hài hước vừa mang tính kịch, nhưng vẫn giữ được nét đời. Mỗi nhân vật mang tới một câu chuyện vụn vặt, tưởng chừng rất quen thuộc mà ta có thể thấy, nghe hay đọc ở bất cứ đâu, nhưng qua ngòi bút của Hồ Anh Thái, những chi tiết rất đời thường ấy lại khiến ta ngẫm ngợi nhiều hơn.

Bức tranh xã hội đa sắc và dí dỏm

Các truyện ngắn trong Trượt chân trên tầng cao đưa người đọc đến với nhiều bối cảnh khác nhau. Đó là những căn hộ tập thể xây theo kiểu lắp ghép, một “niềm mơ ước” của những người dân Hà Nội mấy chục năm trước. Ở đó, xảy ra đủ chuyện bi hài. Người ta lén lút ngoại tình, những mối tình “ngoài vợ, ngoài chồng” ấy vốn chẳng thể công khai.

Ho Anh Thai anh 1

Tập truyện ngắn Trượt chân trên tầng cao của nhà văn Hồ Anh Thái. Ảnh: Q.A.

Có cặp đôi “quá lứa lỡ thì” muốn tìm hiểu nhau nhưng cũng phải vụng trộm vì sợ người đời soi mói. Trong những khu tập thể chật chội, thiếu tiện nghi, một khu nhà vệ sinh cả mấy chục con người dùng chung, người ta tranh nhau từng phân, từng tấc một, tình người, tình nghĩa láng giềng cùng những giá trị cao đẹp mà bao đời người Việt tôn thờ bỗng bị coi nhẹ.

Lúc này, ngoài hoàn cảnh ngặt nghèo, khổ sở của bản thân, con người ta không muốn quan tâm thêm điều gì nữa. Trong không gian tù túng, ngột ngạt ấy, những tính xấu của con người như: Nhỏ nhen, ích kỷ, vụ lợi, tham lam… bỗng lộ ra nhanh chóng như thể đem cái áo sờn phơi ra trước nắng rồi ngắm nghía, bao nhiêu chỗ rách, vết bẩn cứ thế lộ ra không thể giấu.

Hồ Anh Thái cũng đã trải qua thời bao cấp khó khăn ấy, nên ông hiểu và thương cho những nhân vật trong truyện ngắn của mình. Họ không chỉ là nhân vật, đó chính là những con người mà tác giả đã gặp trong đời sống và đem lòng thương cảm. Câu chuyện và ký ức của họ đại diện cho một thế hệ. Những chi tiết mà nhà văn đưa vào tác phẩm là những hồi ức người ta nửa muốn nhớ, nửa muốn lãng quên.

Nhiều năm làm việc trong ngành ngoại giao, có cơ hội đi đến nhiều quốc gia, cuộc sống của người Việt nơi đất khách là một đề tài không xa lạ trong văn Hồ Anh Thái. Ở tập truyện ngắn này, nhà văn đã kể chuyện của những người tha hương bằng những điểm nhìn khác nhau.

Nhân vật trong truyện ngắn của Hồ Anh Thái thuộc nhiều tầng lớp, nhiều ngành nghề. Có người làm việc ở đại sứ quán, có người ra nước ngoài làm thuê, người thì theo đuổi giấc mộng học hành. Mỗi nhân vật mang tới một câu chuyện khác nhau.

Dù xa quê hương xứ sở, họ vẫn luôn nhớ mình là người Việt. Bằng cách này hay cách khác, họ cố gắng giữ gìn những nét Việt trong tâm hồn mình. Họ xa đất mẹ với mong muốn tìm một chân trời mới, văn minh hơn, hào nhoáng hơn; nhưng khi đi xa rồi họ mới nhận ra nơi đó không thuộc về mình.

Cảm giác lạc lõng, chênh vênh luôn xâm chiếm tâm hồn họ, dù đã cố gắng hòa nhập với cuộc sống mới. Vì nhiều lý do, họ chưa thể trở về. Trong lúc cô đơn, các nhân vật chợt nhận ra cuộc sống nơi đất khách là một chiếc áo quá rộng, càng cố gắng càng thấy kệch cỡm và nực cười. Chẳng có cách nào để thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại, họ đành tự cười mình và thấy thật xót xa.

Trong tập truyện ngắn này, chúng ta bắt gặp hình ảnh của những con người hiện đại, đang ngày ngày vật lộn với cuộc mưu sinh. Trang trải cho cuộc sống đắt đỏ ở các đô thị lớn là một điều không dễ dàng. Ở đó, những người chồng người cha phải không ngừng nỗ lực vì gia đình, họ mệt mỏi, kiệt sức nhưng không dám thở than. Bởi sau vài lời than vãn là những cuộc cãi vã giữa hai vợ chồng.

Tiếng cười đầy chua xót

Các nhân vật trong tập truyện ngắn Trượt chân trên tầng cao không có tên, vài nhân vật được tác giả đặt biệt danh. Bởi nhà văn không muốn kể một câu chuyện cụ thể của một người. Nhân vật của Hồ Anh Thái có thể là bất cứ ai trong chúng ta, những con người đang nỗ lực từng ngày để giữ lấy sự lương thiện trong một đời sống đầy biến động.

Nếu ai từng yêu thích Hồ Anh Thái qua những truyện ngắn như: Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Tựa vào gốc anh đào mà ngủ, hay Năm trăm… thì ở tập truyện ngắn này, chúng ta gặp một Hồ Anh Thái khác, dí dỏm và vui tươi hơn, nhưng vẫn thâm trầm đầy minh triết. Đó là một văn nhân vừa quen vừa lạ, một người cầm bút luôn nỗ lực làm mới mình.

Không tập trung vào xây dựng bối cảnh hay cốt truyện, những yếu tố ấy chỉ là công cụ để Hồ Anh Thái bày tỏ suy nghĩ của mình. Ông dường như muốn tác phẩm là nơi để giãi bày bao tâm sự cùng độc giả, thông qua trang văn trò chuyện với bạn đọc.

Chẳng còn những tình tiết lớp lang và đầy ám ảnh, các truyện ngắn trong Trượt chân trên tầng cao hấp dẫn người đọc nhờ giọng văn dí dỏm, duyên dáng. Một giọng văn được viết bởi một cây bút điêu luyện với chữ nghĩa và hiểu đời. Tập truyện này là thứ văn chương không dễ đọc với số đông độc giả, nhưng nếu thử cầm nó lên, chắc chắn các bạn sẽ tò mò vì những điều thoắt ẩn thoắt hiện trong trang viết của Hồ Anh Thái.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm