Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc tình 'trái cấm' và thói háo danh sống gấp

Milan Kundera là một nhà văn lớn thế kỷ 20, tiểu thuyết gia có lối viết độc đáo. Bản dịch "Chậm" của Ngân Xuyên vừa được tái bản, làm vừa lòng những người hâm mộ nhà văn này.

Khi đọc Chậm, độc giả sẽ luôn có thể phá lên cười và say mê theo từng suy tưởng của nhân vật Kundera trong một đêm hè xao động. Trong tiểu thuyết, Kundera kể lại hai câu chuyện tình, cách nhau hai trăm năm nhưng có chung một bối cảnh: Một khách sạn bên bờ sông Seine thơ mộng, trữ tình. Hai câu chuyện đó đan cài vào nhau và cùng dao động giữa hai thái cực: Cái thiêng và cái tục. Ẩn dưới những thiên truyện ảo mộng và phóng đãng này là những suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc của nhà văn về đời sống hiện đại, về mối liên hệ bí nhiệm giữa sự chậm rãi và ký ức, giữa khát khao lãng quên chính đời sống và lựa chọn sống “gấp” ngày nay.

Lối sống gấp gáp hay là mong muốn lãng quên?

Có một mối liên hệ bí ẩn giữa sự chậm rãi và ký ức, giữa tốc độ và lãng quên. Ta hãy xem một tình huống hết sức tầm thường: Một người đang đi trên phố. Chợt một lúc anh ta cố nhớ lại một điều gì đó, nhưng trí nhớ cứ tuột đi. Bất giác vào lúc ấy anh ta bước chậm lại. Ngược lại, một người đang muốn quên đi một chuyện khó chịu vừa xảy ra thì tự nhiên bước nhanh hơn, dường như anh ta muốn nhanh chóng tránh ra xa cái vẫn đang gần mình về mặt thời gian. Trong môn Toán học hiện sinh, kinh nghiệm này có dạng hai phương trình cơ bản: Mức độ chậm tỷ lệ thuận với cường độ trí nhớ, mức độ nhanh tỷ lệ thuận với cường độ lãng quên.

Milan Kundera,  Cham,  Ngan Xuyen,  Van hoc Czech anh 1
Chậm của Milan Kundera. Ảnh: NN

Sau những chương mở đầu, độc giả sẽ được Kundera giới thiệu về những ý niệm của chủ nghĩa hưởng lạc và hiện tượng xã hội hiện đại đang làm giới hạn khả năng tận hưởng những điều thanh nhã và đẹp đẽ của cuộc sống. Với một chủ đề “nghiêm túc” như thế nhưng Chậm lại được viết rất thiếu nghiêm túc, rất nhiều những câu văn đầy mỉa mai, bất kính, thậm chí là… lan man. Cuốn sách như chuyện trò thân mật giữa những người bạn ngà ngà say, “tung chiêu xuất chưởng” đấu khẩu thông minh và duyên dáng trong một quán cà phê văn chương nào đó ở Paris.

Vì sao cái thú chậm rãi đã biến đâu mất rồi? Ôi, họ đâu rồi, những chàng lười của những ngày xưa? Họ đâu rồi, những nhân vật vô công rồi nghề trong các bài hát dân gian, những gã lãng du lang thang từ cối xay gió này đến cối xay gió khác và đêm đêm ngủ dưới ánh sao trời? Có phải họ đã biến mất cùng với những dấu chân, với thảo nguyên, với những khoảng rừng thưa, với thiên nhiên? Có một câu tục ngữ Séc mô tả sự nhàn rỗi dịu ngọt của họ bằng một câu ẩn dụ: “Họ ngắm nhìn các cửa sổ nhà Trời”. Người ngắm nhìn cửa sổ nhà Trời không hề buồn chán; đó là người sung sướng. Trong thế giới chúng ta, sự nhàn rỗi bị chuyển thành sự ngồi không, đấy là một điều hoàn toàn khác: Người ngồi không là người buồn phiền, bứt rứt, luôn luôn phải đi kiếm những hoạt động mà anh ta thiếu.

Để minh chứng luận thuyết về ký ức và tốc độ trên, Kundera kể song song hai câu chuyện tình, một câu chuyện tình “dùng dằng nửa ở nửa về” kinh điển của thế kỉ 18 và chuyện tình một đêm chớp nhoáng thời hiện đại. Những người tình xưa kia thật biết cách chinh phục khoái lạc, biết cách chinh phục nhau bằng một nhịp điệu chậm rãi, khoan thai, nhất cử, nhất động đều được gán cho những ý nghĩa và tầm quan trọng. Chuyện tình đó là một tác phẩm được tạo tác công phu và nhờ đó, nó trở nên thật đáng nhớ:

Bằng cách làm chậm lại dòng chảy cái đêm của họ, chia nó ra thành ba chặng tách biệt nhau, bà T. đã thành công trong việc làm cho khoảng thời gian nhỏ nhoi dành cho họ hiện ra như một công trình kiến trúc nhỏ tuyệt đẹp, có một hình thù. Tạo hình thù cho một khúc đoạn thời gian, đó là yêu cầu của cái đẹp nhưng cũng là yêu cầu của ký ức. Bởi vì cái vô hình thù là cái không nắm bắt được và không ghi nhớ được. Khoác cho cuộc gặp gỡ của họ một hình thù là điều đặc biệt quý giá với họ, bởi vì cái đêm của họ không có ngày mai và sẽ chỉ được lặp lại trong ký ức mà thôi.

Thói háo danh ám ảnh thời hiện đại

Đối nghịch với nhịp điệu uể oải thư nhàn của cuộc tình “trái cấm” là câu chuyện thời hiện đại, lấy bối cảnh một hội nghị của những nhà côn trùng học lừng danh. Kundera thẳng thắn “lộn trái” tất cả những nhân vật của ông. Ông nói rằng họ đều là “người khiêu vũ”, những kẻ háo danh, thích sự chú ý và lắm mưu nhiều kế. Berck là một vũ công sành sỏi tận dụng mọi cơ hội để thu hút sự chú ý của công chúng, lớn tiếng tuyên bố sự liêm chính và những giá trị đạo đức. Vincent tuyên bố khinh miệt Berck và những “vũ công” như thế, nhưng bản thân anh ta cũng là một vũ công, lúc nào cũng cố gắng tỏa sáng giữa những người bạn của mình bằng những ý tưởng vay mượn rồi sau đó tìm đủ mọi cách để gây ấn tượng với một người phụ nữ mà anh ta chọn trong hội nghị. Immaculata là một phóng viên cố gắng được bước vào vòng hào quang của sự nổi tiếng vây quanh Berck. Tất cả những cảnh tượng đó, thật trớ trêu, thật hài hước, thể hiện sự đứt gãy trong mối quan hệ liên nhân, tình yêu trong đó biến thành những mô phỏng kỳ quái của đam mê, không hơn, không kém.

Tại sao chúng ta lại ám ảnh về danh tiếng và sự chú ý đến thế? Kundera “đổ lỗi” cho sự phát minh của nhiếp ảnh tiếp sau đó là điện ảnh và truyền hình. Kundera bóc trần thói háo danh tồn tại ở những cấp độ tế vi trong tất cả chúng ta. Ông chỉ ra rằng vinh quang không chỉ là chuyện riêng của những người nổi tiếng mà nó liên quan đến tất thảy mọi người. Sự ám ảnh dành cho các diễn viên và các nghệ sĩ giải trí của chúng ta được lý giải như là nhu cầu được sống như những “kẻ được chọn”, những “vũ công” với cuộc đời sống động và đẹp đẽ.

Milan Kundera,  Cham,  Ngan Xuyen,  Van hoc Czech anh 2
Tiểu thuyết gia Milan Kundera. Ảnh: NN.

Chính nỗi ám ảnh muốn biến cuộc đời mình thành chất liệu làm nên nghệ thuật đó là bản chất thật sự của người khiêu vũ; nó không thuyết giảng đạo đức mà nó nhảy múa cái đạo đức ấy! Nó muốn làm cả thế giới xúc động và choáng ngợp trước vẻ đẹp cuộc đời nó! Nó say mê đời mình như nhà điêu khắc say mê bức tượng ông ta đang tạc.

Chúng ta đuổi theo những điều phù phiếm và luôn luôn là kẻ thất bại, Kundera khẳng định. Và cuối cùng, chúng ta lại có một thèm muốn duy nhất là quên đi chính đời sống đó, muốn bôi xóa và tiêu hủy tất cả những dấu vết của nó và tìm đến tốc độ như một sự cứu rỗi, để lãng quên tất thảy.

Có thể tiểu thuyết này sẽ khiến chúng ta có cảm giác rằng chính tác giả của nó là một “vũ công” cừ khôi, nó là cách để Kundera gây ấn tượng với độc giả về sự hài hước và hoạt ngôn, những quan sát tinh tế về bản tính của con người, của chúng ta. Có thể Chậm không gây ra hiệu ứng này mạnh mẽ như những tiểu thuyết nổi tiếng khác của Kundera nhưng nó vẫn là một trải nghiệm đọc vô cùng lôi cuốn.



Nancy Nguyễn

Bạn có thể quan tâm