Bà lái xe từ Đan Mạch. Ông đạp xe từ Đức.
Bà mang cà phê và một cái bàn. Ông mang theo vài chiếc ghế và chai rượu.
Họ ngồi xuống hai bên biên giới, cách nhau 2 mét.
Karsten Tüchsen Hansen và Inga Rasmussen vẫn ở bên nhau bất chấp biên giới giữa các quốc gia của họ đóng cửa. Ảnh: The New York Times. |
Và đó là cách mà hai người yêu nhau giữ được mối tình lãng mạn của họ ở cái tuổi 80 bất chấp việc đóng cửa biên giới nằm giữa nhà của ông ở phía Bắc nước Đức và của bà ở phía Nam Đan Mạch.
"Tình yêu là điều tuyệt vời nhất trên thế giới”
Mỗi ngày kể từ khi cảnh sát đóng cửa biên giới để tránh lây lan virus corona chủng mới, ông Karsten Tüchsen Hansen, 89 tuổi, và bà Inga Rasmussen, 85 tuổi, hẹn gặp nhau tại cửa khẩu biên giới Mollehusvej để cùng trò chuyện và nhâm nhi rượu, tuy vẫn đảm bảo duy trì khoảng cách.
“Chúng tôi đến đây vì tình yêu”, ông Tüchsen Hansen nói, “Tình yêu là điều tuyệt vời nhất trên thế giới”.
Mối tình thú vị này bắt đầu ở Đan Mạch hai năm trước.
Ông Tüchsen Hansen khi đó đang trên đường mang một bó hoa lớn để gửi tặng cho một cụ bà goá khác thì gặp bà Rasmussen trước một quầy hàng hoa quả.
Ông đổi ý và tặng bó hoa cho bà Rasmussen. Sau đó, ông mời bà đi ăn tối ở Đức và cặp đôi sớm trở nên thân thiết, khiến ba cô con gái của bà Rasmussen rất ngạc nhiên.
“Không bao giờ được kết hôn với một người Đức”, bà Rasmussen thường dặn các con, không phải vì bài ngoại, mà vì bà muốn họ sống gần nhà.
“Bây giờ đến lượt chúng nói với tôi: ‘Mẹ ơi, mẹ đang làm gì vậy?’”, bà Rasmussen nói.
Mối tình này cũng khiến tim người ta tan chảy vì những lý do cảm động hơn. Cả hai đều đã mất đi người bạn đời trong những năm gần đây, sau hơn sáu thập kỷ kết hôn, và họ đều nghĩ rằng sẽ cô đơn đến hết đời mà không có ai đồng hành nữa. “Tôi chưa bao giờ dám mơ điều này sẽ xảy ra,” bà Rasmussen nói.
Bà Rasmussen đến thăm ông Tüchsen Hansen mỗi ngày dễ dàng vì được di chuyển tự do giữa Đan Mạch và Đức.
Hai ông bà thường nấu ăn cùng nhau, trò chuyện bằng cả tiếng Đức và Đan Mạch. Bà Rasmussen thường ở lại qua đêm trước khi trở về nhà riêng ở Đan Mạch vài giờ sáng hôm sau.
Một khoảng đất nông nghiệp gần biên giới. Ảnh: The New York Times. |
Cuộc sống hạnh phúc đó đã buộc phải dừng lại đột ngột vào ngày 13/3, khi chính phủ Đan Mạch tuyên bố đóng cửa biên giới. Bà Rasmussen phải vội vã trở về nhà ở Đan Mạch, cách đó 15 phút lái xe.
Cả hai đều không biết bao giờ họ mới được gặp lại.
"Tệ nhất là chúng tôi không thể ôm nhau”
Rồi họ nghĩ ra một kế hoạch.
Trên một con đường yên tĩnh cắt qua vùng đất nông nghiệp bằng phẳng giữa hai ngôi nhà của họ, cảnh sát chặn đường chỉ bằng một hàng rào nhựa mỏng manh. Nó ở vào khoảng chính giữa hai nhà, vì vậy bà Rasmussen và ông Tüchsen Hansen quyết định gặp nhau ở đó để cùng dã ngoại mỗi buổi chiều kể từ khi hai nước phong toả.
Tuân thủ các khuyến cáo y tế, họ vẫn tránh tiếp xúc gần. “Tệ nhất là chúng tôi không thể ôm nhau,” ông Tüchsen Hansen nói. “Chúng tôi không thể hôn nhau. Chúng ta khó có thể bày tỏ tình cảm”.
Nhưng họ đã tìm ra những cách khác để thể hiện tấm lòng của mình.
Mỗi ngày, ông Tüchsen Hansen mang đến cho bà Rasmussen một món quà. Đổi lại, bà Rasmussen mang bánh quy, bánh ngọt và đôi khi là cả bữa trưa nấu sẵn. “Nếu có sự tôn trọng và chấp nhận nhau, thì chuyện thể xác không quá quan trọng”, ông Tüchsen Hansen tuyên bố.
Cảnh sát Đan Mạch cảnh báo sẽ phạt họ nếu đi lạc qua biên giới, ông Tüchsen Hansen nói.
Một trạm kiểm soát tạm thời ở Saed, Đan Mạch, tại một đoạn biên giới chính thức hơn giữa Đan Mạch và Đức. Ảnh: The New York Times. |
Henrik Frandsen, thị trưởng của một thị trấn Đan Mạch gần đó, đã nhận thấy thói quen của cặp đôi.
Một ngày, trong khi đang đạp xe dọc biên giới, ông Frandsen bắt gặp và trò chuyện với họ. Cảm động trước câu chuyện của cặp đôi già, ông đã đăng một bức ảnh của họ lên Facebook.
Trong vài ngày, họ trở nên nổi tiếng trong vùng, với câu chuyện tình được đăng trên các tờ báo và đài phát thanh địa phương.
“Tôi nghĩ rằng nó mang lại cho mọi người một chút hy vọng, một chút ánh sáng trong bóng tối”, ông Frandsen nói. “Bạn có những người cao tuổi này, những người đã tìm thấy một lối thoát”.
Do đó, điểm dã ngoại của cặp đôi đã thu hút nhiều người ghé thăm. Các nhà báo và người dân từ cả hai bên biên giới đến thăm cặp đôi vào các buổi chiều.
Một cảnh gần biên giới chụp tháng này. Ảnh: Emile Ducke/The New York Times |
Một ngày, cụ Kirsten Hansen, người phụ nữ mà ông Tüchsen Hansen ban đầu dự định tặng bó hoa hai năm trước, đã đến thăm cặp đôi.
Bà đã không biết gì về ý định ban đầu của ông Tüchsen Hansen hôm đó, nhưng đã hiểu ra mình đã bỏ lỡ những gì qua tin tức gần đây.
"Chào!" Bà vừa nói vừa cười, “Những bông hoa đó đáng lẽ là dành cho tôi đấy!”.