Một con mèo hoang trên bờ biển phía nam của cảng Hokianga ở Vùng Northland, New Zealand. Ảnh: CNN. |
Sự kiện này sẽ là một phần của hoạt động gây quỹ do Cuộc thi săn bắn North Canterbury tổ chức cho trường Rotherham, nằm ở vùng Canterbury của Đảo Nam, New Zealand.
Ngày 15/4 vừa qua, ban tổ chức đã công bố một hạng mục mới dành cho trẻ em dưới 14 tuổi trong cuộc thi hàng năm này. Tên hạng mục này là săn mèo hoang để giành giải thưởng cao nhất trị giá 250 NZD (150 USD).
Thông báo này ngay lập tức bị dư luận lên án, khiến các nhà tổ chức phải rút lại thông báo sự kiện vào ngày 17/4.
Trong bản thông cáo hôm 19/4, các nhà tổ chức cho biết “nhiều email và tin nhắn với từ ngữ công kích, không phù hợp đã được gửi đến trường và những bên liên quan.”
“Chúng tôi rất thất vọng về những phản hồi này và muốn làm rõ rằng cuộc thi do một cộng đồng độc lập tổ chức”, thông cáo ghi rõ.
Mèo là vật nuôi phổ biến và được nhiều người New Zealand yêu quý, nhưng mèo hoang dã là vấn đề gây mâu thuẫn giữa những người yêu động vật và chính quyền vì tác động chúng có thể gây ra cho các động vật hoang dã khác.
Ở Australia, chính quyền cho biết mèo hoang đe dọa sự tồn tại của hơn 100 loài bản địa. Loài này giết hàng triệu con chim, bò sát, ếch và động vật có vú mỗi ngày, khiến các nhà chức trách phải thường xuyên sắp xếp các cuộc diệt trừ diện rộng.
Những người tổ chức cuộc thi ở Canterbury khẳng định rằng cuộc thi săn bắn cho trẻ em chỉ để giết mèo hoang, sử dụng súng hoặc một số phương tiện khác, nhằm “bảo vệ các loài chim bản địa và một vài loài dễ bị tổn thương khác”.
“Việc gây quỹ và an ninh trường học là ưu tiên hàng đầu, vì vậy chúng tôi quyết định rút lại hạng mục này trong năm nay để tránh phản ứng dữ dội hơn nữa”, đại diện tổ chức cho biết.
“Để nói cho rõ ràng thì đối với mọi hạng mục săn bắn, thợ săn của chúng tôi phải tuân theo Đạo luật về súng năm 1983 và các bổ sung, sửa đổi, cũng như Đạo luật phúc lợi động vật năm 1999”, vị đại diện tổ chức nói.
Khó phân biệt mèo hoang và mèo nhà có thể dẫn đến tình trạng "giết nhầm còn hơn bỏ sót". Ảnh: Waikato Regional Council. |
Vật nuôi sợ hãi
Để tránh gặp phải những tình huống không đáng có, phía tổ chức trước đó đã công bố danh sách các quy tắc nhằm hạn chế những trường hợp nhắm vào vật nuôi.
Ban tổ chức cho biết bất kỳ đứa trẻ nào mang về mèo được gắn chip - dấu hiệu cho thấy đó là mèo nhà - sẽ bị loại.
Nhóm cũng lưu ý rằng các cuộc săn bắt đối với các loài khác như lợn và hươu vẫn sẽ tiến hành.
Hiệp hội Phòng chống ngược đãi động vật New Zealand cho biết họ “rất hài lòng và nhẹ nhõm” khi cuộc thi giết mèo dành cho trẻ em đã bị hủy bỏ. SPCA cho biết: “Trẻ em cũng như người lớn sẽ không thể phân biệt được sự khác biệt giữa một con mèo hoang hay một con mèo nhà”.
“Có khả năng cao là thú cưng của ai đó có thể bị giết trong sự kiện này. Ngoài ra, trẻ em thường sử dụng súng hơi trong những cuộc thi như vậy, làm tăng đau đớn, thời gian dài có thể dẫn đến tử vong”, cơ quan này cho biết thêm.
Tổ chức bảo vệ động vật PETA cũng hoan nghênh quyết định hủy bỏ sự kiện này.
Trong một tuyên bố, Jason Baker, Phó chủ tịch châu Á của PETA cho biết: “Khuyến khích trẻ em săn lùng và giết hại động vật chắc chắn là phương pháp giáo dục không đúng, trẻ sẽ có xu hướng giải quyết vấn đề bằng bạo lực... Chúng ta cần nuôi dưỡng sự đồng cảm và lòng trắc ẩn ở trẻ em, chứ không phải khiến các em tin rằng động vật “kém cỏi hơn” con người, và tự cho mình quyền đối xử tàn bạo với chúng”.
Sự kiện này đã thu hút sự chú ý đáng kể ở nước ngoài, bao gồm cả diễn viên hài người Anh Ricky Gervais, một người nổi tiếng yêu động vật với hơn 15 triệu người theo dõi trên Twitter.
“Cần một vài ý tưởng PR mới để khiến thế giới yêu thích New Zealand hơn. Một thứ gì đó liên quan đến trẻ em và mèo nhỏ chẳng hạn”, Gervais chốt lại thông tin về cuộc thi săn mèo bằng bình luận mỉa mai.
Mèo hoang có thể là "hung thần" đối với nhiều loài động vật. Ảnh: BBC. |
Đe dọa từ mèo hoang
New Zealand là một trong những quốc đảo xa xôi tận cùng trên thế giới. Nơi đây không có động vật có vú bản địa nào ngoài dơi.
Nhiều năm trước, tại New Zealand từng diễn ra chiến dịch chống mèo, dành cả một năm khuyến khích những người yêu mèo tránh tìm vật nuôi mới khi thú cưng vừa chết.
“Mèo có thể là sinh vật tàn độc nhất trong thế giới động vật, chúng tra tấn và giết chóc hàng loạt một cách không thương tiếc”, Thủ tướng lúc đó là John Key, người cũng có một con mèo tên là Moonbeam, cho biết.
Helen Blackie, nhà tư vấn an toàn sinh học tại Boffa Miskell chia sẻ với CNN: “Nếu nhìn lại quá khứ, chúng ta sẽ thấy mèo hoang là nguyên nhân gây ra sự tuyệt chủng của 6 loài chim và là tác nhân hàng đầu làm suy giảm quần thể chim, dơi, ếch và thằn lằn”.
Bà Blackie, người nghiên cứu về mèo hoang trong 20 năm, cho biết số lượng mèo đã bùng nổ trong thập kỷ qua. Bà cũng cho hay ở một số khu vực mà các loài gây hại được theo dõi bằng camera, mèo hoang đông hơn cả các loài khác như thú có túi.
Sách về thế giới tự nhiên
Mục Thế giới giới thiệu những cuốn sách viết về cuộc sống tự nhiên giúp mỗi cá nhân mở rộng tầm nhìn và gợi cảm hứng trong hành trình bảo tồn thiên nhiên, môi trường sống.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.