Trong một đêm đầy ám ảnh, hàng thập kỷ hòa bình giữa các quốc gia châu Âu đã kết thúc sau những tiếng nổ lớn ở nhiều thành phố tại Ukraine. Thời khắc đó được đánh dấu bằng bài phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Bài phát biểu được CNN nhận định như “điếu văn” cho một nền dân chủ.
Trong vài giờ, video phát trực tiếp cho thấy các phương tiện quân sự tiến vào Ukraine từ Belarus và những tiếng nổ lớn nhanh chóng vang lên khắp thủ đô Kyiv.
Tiếng còi báo động cuộc không kích vang lên, báo hiệu một cuộc khủng hoảng mới nổ ra ở một thế giới vốn đã bị rung chuyển bởi tình trạng hỗn loạn.
Ảnh hưởng của cuộc tấn công sẽ vượt xa cả lãnh thổ Nga và Ukraine. Sự kiện này sẽ mang lại những hậu quả nặng nề, bao gồm cả việc giá xăng tăng vọt vốn đã khiến nhiều người Mỹ chật vật. Và nó có thể khơi lại Chiến tranh Lạnh, tạo ra thế đối đầu mới giữa Mỹ và Nga - hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.
Mỹ rơi vào khủng hoảng
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine có thể thách thức trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Bên cạnh đó, người Mỹ sẽ phải trả giá cho cuộc tấn công này, mặc dù họ không trực tiếp chịu cảnh chiến sự như người Ukraine.
Khói bốc lên từ khu vực của Bộ Quốc phòng Ukraine ở Kyiv. Ảnh: Reuters. |
Giá xăng tăng cao và lạm phát là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Ngay sau khi cuộc tấn công của Nga bắt đầu, giá dầu đã tăng trên 100 USD/thùng, mức cao nhất kể từ 9/2014, theo CNBC.
Mỹ sẽ không thể điều quân đến đối đầu trực tiếp với Nga tại Ukraine. Ukraine không phải một thành viên của NATO nên không được hưởng các đảm bảo phòng thủ chung của liên minh.
Nhưng gần như chắc chắn rằng Washington sẽ phải điều quân trở lại các căn cứ mà họ từng rời đi 30 năm trước ở nhiều quốc gia châu Âu, để hỗ trợ đồng minh.
Các quốc gia vùng Baltic như Latvia, Lithuania và Estonia đang rơi vào tình thế đáng lo ngại. Không giống như trường hợp của Ukraine, các quốc gia này là thành viên NATO và Mỹ phải bảo vệ họ theo hiệp ước.
Nói rộng hơn, cuộc tấn công của ông Putin vào Ukraine là một thách thức đối với sức mạnh toàn cầu của Mỹ và khái niệm về một thế giới tự do và dân chủ, vốn đang giúp nước này nâng tầm ảnh hưởng.
“Khởi đầu của một cuộc chiến lớn”
Trong một bài phát biểu bất ngờ trên truyền hình, Tổng thống Putin đã phát động một chiến dịch "phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa Ukraine", vì cái mà ông gọi là “tội ác diệt chủng” đối với người Nga ở phía đông Ukraine.
Ukraine là một nước thuộc Liên Xô cũ đã đi theo con đường riêng và từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự đảm bảo an ninh. Nhưng ông Putin luôn coi đây là mối đe dọa và muốn đảm bảo Ukraine không bao giờ đạt được giấc mơ gia nhập NATO.
Người dân Kyiv tham gia một khóa học dạy cách sử dụng súng, được thực hiện bởi các cựu binh. Ảnh: AFP. |
Tầm quan trọng của cuộc tấn công đối với phần còn lại của thế giới thể hiện qua bài phát biểu của Tổng thống Ukraine Zelensky.
Ông đã gửi một thông điệp đến người dân Nga bằng ngôn ngữ của họ: "Bạn đang được nghe rằng (cuộc chiến này) sẽ giải phóng người dân Ukraine. Nhưng người dân Ukraine đang tự do".
"Chúng tôi muốn tự mình xác định lịch sử của mình. Trong hòa bình, bình tĩnh và trung thực", ông nói.
Trước đó, vị tổng thống cho biết đã nỗ lực điện đàm với ông Putin nhưng chỉ nhận được sự im lặng. “Bước đi này có thể trở thành khởi đầu của một cuộc chiến lớn ở châu Âu”, ông Zelensky nói thêm.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen cũng đưa ra quan điểm tương tự: "Có thể nói, việc bắt đầu cuộc chiến ở một nơi khô cằn có thể gây ra một ngọn lửa lớn".
Rủi ro cho ông Putin
Hiện vẫn chưa chắc chắn mức độ và thời gian của chiến dịch do Nga phát động là bao lâu, nhưng mục đích của nó rất rõ ràng.
Nga muốn Mỹ và các nước phương Tây thỏa hiệp với yêu cầu của mình, nhằm tái định hình cục diện châu Âu, đặc biệt là khu vực Đông Âu, để đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, người Ukraine rõ ràng không muốn điều này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Politico. |
Trong những ngày đầu của cuộc chiến, còn quá sớm để nói về mức độ phản kháng mà người Nga sẽ phải đối mặt. Nga có thể lật đổ chính phủ ở Ukraine. Nhưng trong một viễn cảnh khác, cuộc tấn công có thể kích động một cuộc nổi dậy nhằm đánh bại quân đội Nga và thách thức chế độ của Tổng thống Putin.
Cựu sĩ quan CIA cấp cao Paul Kolbe nói rằng cuộc tấn công có thể tạo ra tình trạng bất ổn cho người Nga.
"Cuộc xung đột sẽ kéo dài trong nhiều tháng và nhiều năm cho dù có theo chiều hướng tốt đẹp với ông Putin hay không. Ông ấy sẽ thay đổi cục diện châu Âu và thiết lập các ranh giới lâu dài bên trong Ukraine, cũng như biên giới Ukraine với phương Tây", ông nói thêm.
Chỉ vài phút trước khi cuộc tấn công bắt đầu, các nhà ngoại giao đã tập trung tại phòng họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để dự cuộc họp do Đại sứ Nga chủ trì, Guardian đưa tin.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã đưa ra lời thỉnh cầu cuối cùng: "Tôi chỉ có một điều muốn nói từ tận đáy lòng. Tổng thống Putin, hãy ngăn quân đội của ông tấn công Ukraine. Hãy cho hòa bình một cơ hội. Quá nhiều người đã chết rồi".
Nhưng dường như đã quá muộn.