Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cuộc sống trên Internet không hề ảo'

Đó là khẳng định của Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực trong buổi giao lưu trực tuyến "15 năm Internet Việt Nam" trên Zing TV.

'Cuộc sống trên Internet không hề ảo'

Đó là khẳng định của Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực trong buổi giao lưu trực tuyến "15 năm Internet Việt Nam" trên Zing TV.

Buổi giao lưu còn có sự tham gia của hai khách mời khác là Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên và Tổng giám đốc Công ty cổ phần VNG Lê Hồng Minh, được truyền hình trực tuyến trên Zing TV.

Cước phí giảm 100 lần, tốc độ đường truyền tăng 20 lần

Nói về những thành tựu đã đạt được trong suốt 15 năm phát triển vừa qua của Internet tại Việt Nam, ông Mai Liêm Trực chia sẻ, kể từ khi bắt đầu được cung cấp, cơ sở hạ tầng Internet từ con số 0 tròn trĩnh đã sánh ngang với các nước trên thế giới với đầy đủ các công nghệ hiện đại như kết nối Internet dùng cáp quang hay kết nối không dây 3G. Cước sử dụng Internet tại Việt Nam đã giảm 100 lần kể từ thời điểm Internet mở cửa cho đến nay, tính theo giá trị đồng tiền. Nhờ đó, Internet đã và đang góp phần lớn lao vào việc thay đổi cuộc sống, từ kinh tế, văn hóa đến các hoạt động vui chơi giải trí của người Việt Nam.

Ông Mai Liêm Trực - người đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành Internet Việt Nam. Ảnh: Lữ Đắc Long.

Trong khi đó, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, thì đưa ra một loạt con số ấn tượng minh chứng cho tốc độ phát triển như vũ bão của Internet tại Việt Nam. Theo đó, trong khoảng 10 năm qua, tốc độ đường truyền Internet tại Việt Nam đã tăng gấp 20 lần, thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Việt Nam cũng đang đứng trong top 20 nước có lượng người dùng Internet nhiều nhất thế giới, với hơn 31 triệu người dùng. Con số đó của năm 2003 chỉ là 3 triệu người.

Một thông số rất đáng chú ý nữa là 95% các xã ở nông thôn đã được nối cáp quang, 87% các xã sử dụng mạng ADSL. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra một thực tế là dù 95% các xã đã có cáp quang nhưng có bao nhiêu người nông dân được sử dụng dịch vụ đó vẫn còn là một dấu hỏi, một trăn trở lớn của những người làm quản lý.

Trên thực tế, một số tỉnh, thành hiện nay đã áp dụng thành công mô hình Wi-Fi miễn phí như Quảng Ninh, Hội An, Huế. Việc mô hình này có được mở rộng ra các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay không, theo ông Mai Liêm Trực, sẽ phụ thuộc nhiều vào tư duy quản lý của các lãnh đạo địa phương. Hiện tại, Việt Nam vẫn còn gần 60 triệu người dân chưa biết đến Internet. Làm thế nào để gần 60 triệu người này có cơ hội được tiếp cận, sử dụng và tận hưởng các tiện ích mà Internet mang lại chính là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo.

Mặc dù vậy, ông Trực cũng bày tỏ tin tưởng rằng, rồi đây sẽ có nhiều địa phương áp dụng mô hình này, và việc phổ cập Wi-Fi sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Theo ông, nếu làm được điều này, một số các bức xúc trong xã hội hiện nay như ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện... sẽ được giảm tải, học sinh sẽ không còn phải cõng những chiếc ba lô nặng trĩu đến trường nữa, và số lượng cảnh sát phải có mặt trên đường sẽ được giảm xuống.

Không thể triệt tiêu mặt xấu của Internet

Có khá nhiều độc giả đặt câu hỏi về những mặt trái mà Internet mang lại cho đời sống con người, bên cạnh những mặt tích cực. Tổng giám đốc Công ty VNG Lê Hồng Minh chia sẻ, Internet cũng như tất cả mọi thứ trong cuộc sống đều có hai mặt. Ông lấy một ví dụ về Nobel là người phát minh ra thuốc nổ với mục đích hoàn toàn tốt. Nhưng sau đó, chính phát minh của ông đã được tận dụng để làm ra những loại vũ khí có sức hủy diệt lớn. Mặc dù vậy về bản chất, đó vẫn là một phát minh đột phá và tên của Nobel đã được đặt cho những giải thưởng khoa học danh giá nhất hành tinh. Internet cũng vậy, việc cần làm là tìm cách hạn chế những mặt tiêu cực của nó. Ông Minh chia sẻ: "Tất cả mọi thứ không bao giờ hoàn hảo và chúng ta không đủ sức triệt tiêu tất cả những điểm xấu của Internet. Do đó, nên hướng đến những điều tốt đẹp, những mặt tích cực Internet mang lại". 

Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam. Ảnh: Lữ Đắc Long.

Cùng chung quan điểm đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực cho rằng, Internet chính là công trình vĩ đại nhất của con người. Internet ra đời đã bổ sung thêm cho nhân loại một môi trường sống mới, đó là môi trường online. Ông cũng bác bỏ quan điểm cho rằng cuộc sống trên Internet là cuộc sống ảo. Chẳng hạn như Chính phủ điện tử không hề ảo, nó giúp người dân tiếp cận với thông tin ban hành từ Chính phủ dễ dàng hơn. Tại Việt Nam, lượng người dùng Internet chỉ là hơn 30 triệu người, nhưng các nghị định ban hành trên Chính phủ điện tử có sức tác động đến toàn bộ người Việt.

Về những mặt trái của Internet, ví dụ như hiện tượng nhiễu loạn thông tin, ông Trực cho rằng thông tin trên mạng là do con người cung cấp, bản thân Internet không thể tự gây nhiễu loạn thông tin. Trong cuộc sống thường ngày, mỗi người đều gặp phải những vấn đề tương tự. Mỗi sự việc đều tồn tại những thông tin chính thống hoặc không chính thống, hay hoặc dở. Internet là một kênh thông tin cũng mang trong mình những vấn đề đó.

Cũng theo ông Trực, câu hỏi về việc ngăn chặn những hệ lụy từ Internet đã được đặt ra ngay từ thời điểm Internet được mở cửa tại Việt Nam (năm 1997). Ông khẳng định, chúng ta không thể ngăn chặn được những mặt tiêu cực của Internet mà chỉ có các giải pháp để hạn chế những tác động xấu của nó. Có 3 giải pháp được đưa ra, một trong số đó là các giải pháp kỹ thuật như tường lửa hay các phần mềm quản lý. Thứ hai chính là các biện pháp quản lý hành chính, bao gồm các thông tư, quy định. Biện pháp cuối cùng, cũng là quan trọng nhất, chính là việc nâng cao nhận thức của người dùng. Tuy nhiên, ông cũng nhận định, chúng ta cần thêm thời gian để phổ biến, nâng cao ý thức của người dùng Internet.

'Cạnh tranh với đối thủ nước ngoài như hãng xe nội đấu với Mercedes'

Trả lời cho câu hỏi về vấn đề cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước với các đối thủ đến từ nước ngoài, ông Lê Hồng Minh cho biết đây là vấn đề của toàn xã hội, của nhà nước, chứ không của riêng bất cứ doanh nghiệp nào. Những doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đều đã là doanh nghiệp toàn cầu, với lực lượng hùng hậu, công nghệ phát triển vượt bậc, trong khi doanh nghiệp trong nước phải chịu khá nhiều những quy định, thủ tục và hàng rào pháp lý. Để giải bài toán này, theo ông Minh, cách tốt nhất chính là việc các doanh nghiệp phải tự thân vận động, để tìm và mang đến cho người dùng những sản phẩm, giá trị khác biệt, những thứ không tìm thấy được ở doanh nghiệp nước ngoài hoặc những thứ họ làm chưa tốt.

Ông cũng đưa ra ví dụ thực tế về việc cạnh tranh giữa Zing Me và Facebook. Theo ông, việc Zing Me cạnh tranh với Facebook chẳng khác gì một hãng xe nội cạnh tranh với Mercedes. Họ có những kỹ sư giỏi nhất, có những công nghệ tiên tiến nhất và đã thành công ở rất nhiều nước trên thế giới. Nếu như một hãng xe Việt cho ra mắt một dòng xe mới còn có lợi thế là giá rẻ và được người Việt ủng hộ, thì thế giới Internet là một thế giới phẳng, và các sản phẩm trên đó phải cạnh tranh hoàn toàn sòng phẳng.Giải pháp mà  Zing Me đã lựa chọn là đẩy mạnh blog - một hình thức chia sẻ cá nhân khá phổ biến nhưng Facebook không hoặc chưa chú trọng phát triển. Ông hy vọng người dùng Việt, những người thích viết blog, sẽ tìm đến với Zing Me.

Ông Lê Hồng Minh - Tổng giám đốc VNG. Ảnh: Lữ Đắc Long.

Ông Minh cũng chia sẻ thêm, Zing nói chung và mạng xã hội Zing Me nói riêng là dự án rất lớn của VNG. Trong khoảng 3 năm đầu, số lượng người dùng của Zing Me rất lớn, lớn nhất tại Việt Nam thời điểm đó. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận, từ đầu năm 2012, Zing Me đã bị Facebook qua mặt. Theo ông, đây là điều không lạ, nhưng không phải vì thế mà Zing Me chấp nhận chuyện đó. Ông Minh cho biết, trong giai đoạn đầu, Zing Me chấp nhận đi theo, học hỏi những cái hay từ phía đối thủ, nhưng chắc chắn trong giai đoạn tiếp theo, Zing Me cần tạo ra sự khác biệt, bởi nếu không có gì khác biệt, chẳng có lý do gì để người dùng chọn sản phẩm của công ty ông.

Trong khi đó, nói về vấn đề cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, ông Mai Liêm Trực lại đề cập nhiều hơn đến vai trò của các cơ quan Nhà nước. Trước hết, ông cho biết, doanh nghiệp cần thông cảm cho các cơ quan quản lý, bởi họ là những người lo cho lợi ích chung, không chỉ cho riêng người dùng hoặc doanh nghiệp. Ông cũng cho biết, tư duy chung của người quản lý là phải tìm cách "quản" được, hay theo cách nói của ông là "quản được thì cho làm, không thì ngãng ra", hay "tư tưởng quan liêu bao cấp vẫn còn nặng".

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, Nhà nước không nên "cấm" mà nên "cho làm", "cái nào chưa được thì chỉ ra". Điều đó mới đúng với quy định "người dân được làm những gì nhà nước không cấm", thay vì "anh phải có đủ tiêu chí, tôi mới cho làm".

Ông Vũ Hoàng Liên cũng đưa thêm giải pháp, đó là bên cạnh việc chờ cơ chế quản lý thay đổi, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến việc tập hợp nội dung cụ thể để thuyết phục cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu có một nhóm các doanh nghiệp có chung quan điểm, chắc chắn các cơ quan Nhà nước sẽ đón nhận ý kiến. Ông cũng tin tưởng rằng, biện pháp này sẽ đem lại hiệu quả trong thời gian tới.

Là CEO của một nhà cung cấp game online cũng như mạng xã hội hàng đầu Việt Nam, ông Lê Hồng Minh nhận được một câu hỏi của độc giả ở TP. HCM về tương lai của game online. Ông Minh cho biết, không dễ để đưa ra dự đoán chính xác, nhưng theo cá nhân ông, game sẽ tiếp tục phát triển. Ông cũng đưa ra những diễn giải của riêng mình, theo đó game hiện đang là ngành giải trí lớn nhất thế giới. Trong thời gian tới, game sẽ không chỉ bó hẹp trong phạm vi giải trí, mà sẽ lan rộng sang nhiều khía cạnh khác, chẳng hạn như dùng game cho các mục đích giáo dục và kinh doanh.

Trả lời về vai trò của các hiệp hội trong việc hỗ trợ các nhà quản lý và doanh nghiệp, đồng thời mang lại giá trị thực sự cho cộng đồng, ông Vũ Hoàng Liên, với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, cho rằng hiện tại Hiệp hội đang trong quá trình vận động và có triển vọng đóng góp nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Hiệp hội Internet Việt Nam đã chủ động, tích cực trong việc gắn kết các nhà cung cấp và người sử dụng với nhau, tuy nhiên hiện tại những đóng góp cụ thể nhất mới chỉ nằm ở mức động viên, thúc đẩy. Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ có thêm nhiều chương trình, dự án. Với việc được Bộ Thông tin - Truyền thông tạo nhiều điều kiện hơn, ông Liên tin tưởng chắc chắn rằng Hiệp hội sẽ có nhiều đóng góp lành mạnh, đúng mục tiêu và hiệu quả hơn nữa.

Các khách mời đã có những trao đổi thẳng thắn về các vấn đề liên quan đến thị trường Internet, viễn thông và CNTT Việt Nam. Ảnh: Lữ Đắc Long.

'Việt Nam phải là nước mạnh nhờ CNTT'

Trước khi kết thúc buổi giao lưu, trả lời câu hỏi của MC về những kỳ vọng đối với ngành Internet Việt Nam trong 5 năm tới, ông Mai Liêm Trực cho rằng điều mấu chốt nhất là phải nâng cấp tư duy quản lý. Theo quan điểm của ông, quản lý là để thúc đẩy phát triển chứ không phải hạn chế phát triển. Các nhà quản lý cần đặt ra tầm nhìn 5 năm, 10 năm, 20 năm, xem khi đó toàn bộ nền kinh tế xã hội sẽ phát triển như thế nào, Việt Nam đi lên bằng cách gì, từ đấy hình dung ra hướng phát triển của Internet, để Việt Nam không chỉ mạnh về CNTT, mà phải là nước mạnh nhờ CNTT.

Ông Vũ Hoàng Liên cho rằng, hiện tại cả về hạ tầng lẫn tiêu dùng, chúng ta đều đang nhập khẩu. Mong muốn của ông là trong vòng 5 năm tới, ngành Internet và CNTT Việt Nam có thể xuất khẩu ra bên ngoài. Hiện tại, đã có nhiều bạn trẻ phát triển ứng dụng, đăng tải lên các App Store và kiếm tiền từ đó. Đây là một ví dụ của việc xuất khẩu sản phẩm và chất xám, tuy nhiên trong 5 năm tới, chúng ta cần làm được nhiều hơn thế, để làm sao người dùng nước ngoài phải thích xem nội dung và sử dụng các sản phẩm của chúng ta. Ngoài ra, môi trường Internet hiện tại đang rất sôi động, nhưng dường như mới chỉ có sự tương tác giữa người dân với nhau. Ông hy vọng trong 5 năm tới, Chính phủ điện tử phải có sự giao tiếp, tương tác với dân nhiều hơn nữa trên môi trường Internet.

Trong khi đó, Tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh thì chỉ có một mong ước ngắn gọn, đó là trong 5 năm tới, số lượng người được tiếp cận và sử dụng Internet tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, đạt khoảng 60 triệu người, phục vụ những nhu cầu cơ bản và hữu ích hàng ngày. Đặc biệt, sẽ có nhiều người sử dụng Internet thông qua các thiết bị di động hơn.

Nhóm Phóng viên

Theo Infonet

Nhóm Phóng viên

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm