Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc sống sau thời kỳ hoàng kim của ngành thép ở Trung Quốc

Một người dân tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc cho hay, tiền lương cho công nhân giảm, ngày càng nhiều nhà máy phá sản và những lao động ngoại tỉnh mất việc việc phải trở về nhà.

Nhà máy thép Fu Feng bị bỏ hoang ở ngoại ô thành phố Đường Sơn. Ảnh: The Guardian

Một biển quảng cáo bên đường cao tốc dẫn vào “thủ đô” thép của Trung Quốc gợi lên kỷ nguyên vàng son khi nền kinh tế tại đất nước này phát triển với tốc độ thần kỳ.

“Hãy huy động các nguồn lực vật chất. Hoạt động kinh doanh sẽ chi phối tương lai”, một tấm bảng viết.

Tuy nhiên, tại nhà máy thép Fu Feng ở vùng ngoại ô thành phố Đường Sơn, một trung tâm công nghiệp cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 200 km về phía đông nam, dấu hiệu của những ngày vinh quang đang lụi tàn.

Từ khi chủ nhà máy Fu Feng tuyên bố phá sản vào đầu năm ngoái, cỏ dại và rỉ sét bắt đầu bao phủ lên phế tích công nghiệp của đơn vị sản xuất này.

“Chẳng ai ở đây, chỉ có chúng tôi”, một trong 3 nhân viên bảo vệ nói. Họ bất chấp nhiệt độ xuống dưới 0 độ C và tuyết rơi để đi kiểm tra các thiết bị đã cũ. Cũng như nhiều nhà máy khác trong khu vực, cơ sở sản xuất này phải ngừng kinh doanh do nhu cầu của thị trường giảm mạnh.

Theo The Guardian, Đường Sơn, một thành phố 7 triệu dân tại tỉnh Hà Bắc – trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc, từng bị tàn phá bởi một trận động đất vào năm 1976 với 250.000 nạn nhân thiệt mạng. Tuy nhiên, nó sống lại từ tro tàn và trở thành “cường quốc” công nghiệp nặng trong làn sóng bùng nổ của Trung Quốc.

Đầu năm 2011, Trung Quốc chính thức vượt qua Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Hậu quả của bước đại nhảy vọt này chính là tình trạng ô nhiễm nặng nề và những nhà máy thép là một phần của nguyên nhân.

Tiếp đến, chính phủ nước này bắt đầu đẩy mạnh nỗ lực giảm sản lượng thép thừa và chuyển đổi mô hình kinh tế bền vững hơn, một số khu vực từng nhộn nhịp của thành phố Đường Sơn trở nên hiu quạnh.

Sau khi ngành công nghiệp thép lao dốc, nhiều nhà máy và khu ở của công nhân bị bỏ hoang. Ảnh: The Guardian

Gần nhà máy Fu Feng, các căn nhà bỏ trống của những người lao động bị sa thải đều đóng kín với những tấm kim loại. Tuyết rơi trên đường khiến khung cảnh nơi đây càng trở nên hoang vắng và kỳ quái. Những công nhân, người vẫn còn công việc thì phàn nàn về tình trạng cắt giảm lương khi giá thép giảm, chính phủ ngừng hỗ trợ và những người chủ thì cố chèo lái con thuyền đang chòng chành.

Cách khu phức hợp của nhà máy chừng vài trăm mét, cơ sở của một công ty khác, Công ty Công nghệ Thép cán nguội Luyện kim Trung Quốc Heng Tong, cũng bị bỏ hoang. Dây cáp điện rủ xuống một hàng rào sắt chặn ở cổng ra vào.

“Mọi thứ thật ảm đạm”, một công nhân nhà máy đã nghỉ hưu sống tại một ngôi làng gần Fu Feng, nói.

Một người đàn ông khác, người làm việc tại nhà máy Guo Feng gần đó, cho hay, lương hàng tháng của ông giảm 25%. “Cuộc sống hiện tại thực sự khó khăn”, ông phàn nàn.

“Mọi thứ ở đây là thép. Nếu nó đóng cửa, mọi chuyện chấm hết. Nếu công tư của chúng tôi đóng cửa, chúng tôi sẽ không có đất, không có tiền và không có công việc”, một người đàn ông 52 tuổi giấu tên cho biết.

Công ty thép Fu Feng đóng cửa khiến 2.000 lao động thất nghiệp. Ảnh: The Guardian.

Tuần trước, Trung Quốc thông báo, nền kinh tế nước này tăng trưởng ở mức chậm nhất trong 25 năm qua. Thông tin này khiến nhiều người thêm lo ngại về sự mất đà tăng phát triển của cường quốc đứng thứ 2 thế giới về kinh tế. Một số chuyên gia kinh tế dự đoán, tình trạng này có thể ảnh hưởng tới thị trường tài chính toàn cầu.

Hôm 21/1, Fang Xing Hai, một cố vấn kinh tế hàng đầu của chủ tịch Tập Cận Bình, đã cố gắng trấn an dư luận về khả năng của quốc gia này.

“Trung Quốc là quốc gia may mắn được lãnh đạo lâu dài bởi Chủ tịch Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo giỏi nhất thế giới. Với khả năng của ông, chúng tôi có thể đối phó với những rủi ro không thể tránh khỏi và biến động bất thường phát sinh từ quá trình chuyển đổi”, anh nói với The Wall Street Journal.

Bên cạnh đó, người đàn ông này cho biết: “Tốc độ chuyển đổi có lẽ chưa đủ nhanh đối với một số người, nhưng khá nhanh đối với một đất nước có diện tích lớn như Trung Quốc. Quá trình này sẽ tiếp tục diễn ra”.

Tuy nhiên, trước tình thế thị trường chứng khoán lao dốc và biến động gần đây, các chuyên gia đổ lỗi cho chính sách của chính phủ và ngày càng hoài nghi về khả năng xử lý các thách thức về kinh tế của Chủ tịch Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Patrick Chovanec, một chuyên gia về Trung Quốc, cho biết cơ sở chính sách của Bắc Kinh không chắc chắn. “Nếu họ không chắc chắn về tỷ giá hối đoái, họ cũng có thể không chắc chắn về thị trường chứng khoán, bất động sản và những thứ khác. Điều đó khiến bạn hoài nghi”, ông nói.

Quang cảnh vắng vẻ của "thủ đô" thép ở Trung Quốc. Ảnh: The Guardian

Trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc cố gắng kiểm soát quá trình chuyển đổi kinh tế của đất nước, người dân Đường Sơn hồi tưởng về thời kì hoàng kim của tăng trưởng 2 con số.

Fan Jian Qing, một doanh nhân địa phương 47 tuổi, cho biết, những ngày thanh bình đã đến với thành phố này vào những năm 2008 và 2009, khi nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ phi mã cần tiêu thụ sản lượng thép lớn. Những cột khói ngun ngút báo hiệu công việc kinh doanh đang bùng nổ.

“Các siêu thị luôn kín người. Nhiều doanh nghiệp đã mở ra. Người người ra ngoài ca hát và ăn uống. Tuy nhiên, mọi chuyện hiện tại đã khác. Ngày càng nhiều công ty phá sản”, Fan nói.

Cui Jian Jun, một người bán gà 46 tuổi, cho biết: “Khi nhà máy đang hoạt động, nhiều người vùng khác đã tới đây làm việc. Hiện tại, nhà máy đóng cửa, họ trở về nhà. Công việc của tôi cũng bị ảnh hưởng”.

Trung Quốc mất đà tăng trưởng ảnh hưởng đến lực lượng lao động trên cả nước. China Labour Bulletin (CLB), một nhóm vận động tại Hong Kong, ghi nhận tình trạng leo thang của các cuộc biểu tình và đình công của công nhân vào cuối năm ngoái với 2.774 vụ việc diễn ra trên cả nước, tăng gấp đôi so với năm 2014.

“Tấ cả các lĩnh vực của nền kinh tế đang gặp vấn đề. Và lý do người lao động phải đình công và biểu tình là họ không còn lựa chọn nào khác”, Geoff Crothall của CLB nói.

Crothall cho biết, 15/51 “sự cố” ở tỉnh Hà Bắc năm ngoái liên quan đến ngành công nghiệp thép. Một trong số đó diễn ra bên ngoài cổng của nhà máy thép Fu Feng, nơi các cựu công nhân bất mãn tụ tập để đòi nợ lương. Đoạn băng đăng tải trên internet cho thấy, cảnh sát đối đầu với người biểu tình. Một trong số họ bị kéo khỏi hiện trường.

Khi các nhà lãnh đạo thế giới và tầng lớp doanh nhân toàn cầu tụ họp tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở thị trấn Davos hôm 21/1, một nhóm công nhân ngành thép chen chúc trong một siêu thị nhỏ kiêm sòng bạc cách nhà máy Fu Feng không xa. Họ hút thuốc và suy nghĩ về số phận.

“Tất cả phụ thuộc và chính phủ. Nếu chính phủ muốn chúng tôi tồn tại, chúng tôi sẽ tiếp tục. Ngược lại, chúng tôi sẽ đóng cửa”, một người công nhân 52 tuổi nói.

Một người đàn ông khác cố gắng xua tan bầu không khí ảm đạm bằng một câu bông đùa: “Ít nhất thì không khí trở nên dễ thở hơn trong những ngày này”.




Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm