Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc sống sau lũ lụt ở Nga

Sau trận lũ lụt ngày 7/7 làm 171 người tử nạn, người dân ở vùng Kuban, Nga đang vật lộn để tái thiết cuộc sống.

Cuộc sống sau lũ lụt ở Nga

Sau trận lũ lụt ngày 7/7 làm 171 người tử nạn, người dân ở vùng Kuban, Nga đang vật lộn để tái thiết cuộc sống.

>>Hệ thống cảnh báo thiên tai Nga: 'sống chết mặc bay'
>>Ảnh miền Nam nước Nga tan hoang trong lũ lụt

Những sự kiện bi thảm ở vùng Kuban đã là trọng tâm chú ý của cả nước Nga trong tuần lễ vừa qua. Ngày 7/7, lũ lụt làm hơn 30 nghìn người thiệt hại và gây ảnh hưởng nặng cho khoảng 200 công trình công cộng, làm ngập nước hơn 5 nghìn ngôi nhà. Sau khi hoàn thành các công tác cứu hộ, Kuban bắt tay khôi phục cuộc sống bình thường. Chính phủ Nga đặt ra nhiệm vụ: đến tháng 11 năm nay phải đảm bảo cấp nhà ở cho tất cả những người bị mất gia sản không chốn nương thân do hệ quả lũ lụt.

Trong các thành phố nghỉ dưỡng Gelendzhik và Novorossisk hiện giờ hầu như không còn gì nhắc nhở về vụ thiên tai. Đã có điện, nước và khí đốt. Đường phố được dọn sạch. Trên bãi biển lại đông người, mặc dù các bác sĩ chưa khuyên ai nên bơi lội, bởi nhà chuyên môn vẫn e ngại về độ an toàn của nước biển ở vùng ven bờ.

Bị lũ lụt tàn phá nặng nề hơn cả là thành phố Krymsk. Hàng trăm ngôi nhà hư hỏng, các tầng hầm và tầng trệt của hầu hết các tòa nhà trong thành phố đều ngập nước. Trong công cuộc thanh toán hậu quả thiên tai, huy động hơn 10 nghìn nhân lực và 2 nghìn đơn vị kỹ thuật. Đã khôi phục được đường điện, hệ thống cấp nước đã hoạt động, đang kết thúc khâu cuối cùng để cấp khí đốt. Các cửa hàng và hiệu thuốc làm việc trở lại. Tất cả những ai cần đều được phân phối thức ăn nóng, đồ dùng vệ sinh cá nhân và quần áo.

Ban quản lý khối phố và đội tình nguyện viên lập danh sách các nạn nhân, kiểm kê xác định mức độ thiệt hại. Viện trợ nhân đạo liên tục được chuyển đến Krymsk. Từ các vùng miền khác nhau trong cả nước, đã gửi gần 2000 tấn hàng viện trợ nhân đạo để chia sẻ khó khăn với nhân dân vùng bị thiên tai. Kinh phí cứu trợ và bồi thường được lấy ra từ ngân sách Liên bang và đã phân bổ khoảng 4 tỷ rúp (tương đương với hơn 133 triệu USD). Tiền của Nhà nước bắt đầu đến tay người dân. Những ai cần đều nhận được sự trợ giúp tâm lý cần thiết.

Dành cho những người bị mất nhà cửa, tại Krymsk đang xây cất 800 ngôi nhà mới. Công trình cần hoàn thành trong vòng khoảng 3-4 tháng. Đã lựa chọn ba địa điểm, nơi dự kiến kiến thiết những tòa nhà, với yêu cầu phải đảm bảo an toàn, để tránh tái diễn thảm kịch.

Ảnh:  RIA Novosti

Trận lũ lụt ngày 7/7 là hung dữ nhất trong toàn bộ lịch sử quan sát khí tượng của khu vực. Mưa lớn ở khắp các khu vực miền núi, sau đó những dòng chảy cuồn cuộn hỗn loạn tràn dọc theo lòng sông suối, đổ ập xuống các thung lũng, nơi tập trung các điểm dân cư. Cơ quan Khí tượng thủy văn Nga phát đi dự báo bão một vài giờ trước khi nước mưa lũ nhấn chìm Kuban. Nhưng không ai có thể hình dung sớm được quy mô ghê gớm của thảm họa thiên tai này.

Tuy nhiên, lẽ ra vẫn có thể tránh được thiệt hại về người, nếu như ở Kuban lưu tâm đến dự báo thời tiết. Về chuyện mưa lớn thì các nhà khí tượng cảnh báo từ trước. Vì vậy, không chỉ riêng thiên nhiên có lỗi, mà trong thảm kịch vừa qua có cả vai trò của yếu tố con người, ông Aleksei Kokorin điều phối viên chương trình “Khí hậu và năng lượng” của Quĩ bảo vệ thiên nhiên hoang dã toàn thế giới (WWF) nhận xét.

“Mưa nặng là chuyện đã dự đoán. Việc lắp đặt các trạm radar Doppler cho phép phát hiện sự tiềm ẩn lượng mưa lớn từ trước. Và nếu chú ý đúng mức thì sau đó có thể không gặp thảm họa. Nói cách khác, thiên tai nhiều khi chính là phản ứng của con người, hết lần này đến lần khác đã lơ là bỏ qua những cảnh báo quan trọng mà giới chuyên môn và thiết bị kỹ thuật tiên tiến đã cung cấp cho chúng ta”.

Còn có thêm một nguyên nhân nữa trong tai họa của Kuban. Vai trò định mệnh ác độc ở đây là hai công trình kỹ thuật - cầu đường sắt và xa lộ cao tốc, đã biến thành vật ngáng trở ngăn chặn, không cho thông thoát nước mưa. Chính vì thế đã sinh ra đợt sóng dữ cao tới 7 mét đổ ập xuống Krymsk.

Các chuyên viên nhận xét rằng, lẽ ra có thể tránh được kịch bản bi thảm, nếu như trong thiết kế cây cầu đường sắt và xa lộ có trù định tạo những “cánh cổng” rộng lớn hơn, để nước thoát qua đó một cách tự do. Yếu tố này phải được tính đến khi xây dựng những cơ sở hạ tầng cơ sở ở những khu vực khác, nơi có thể xảy ra tình huống tương tự.

Hiển nhiên, vẫn cần tiếp tục xem xét chi tiết, phân tích kỹ lưỡng mọi yếu tố để xác định đầy đủ lý do thảm kịch. Nếu biết rút ra kết luận đúng đắn, thì có thể tránh lặp lại thảm họa. Không chỉ riêng với Kuban, mà còn ở các khu vực khác của nước Nga, nơi hiện hữu nguy cơ lũ lụt.

Theo Ruvr

Theo Ruvr

Bạn có thể quan tâm