Phúc Zelo được khán giả biết tới khi cùng nhóm đoạt giải nhất chương trình Làng hài mở hội. Mới đây, anh ghi dấu với tiểu phẩm Lão hà tiện trong Tiếu lâm tứ trụ. Trước đó, khi thực hiện Chuyện Pattaya, anh phải đầu tư 20 triệu đồng. Số tiền này khiến tài khoản của anh trống rỗng và còn phải vay thêm người thân.
Diễn viên của sân khấu Thế giới trẻ tên thật là Trần Hồng Phúc. Chia sẻ về biệt danh Phúc Zelo, anh giải thích: “Tôi thấy tên Hồng Phúc hơi yếu đuối nên đã xin phép mẹ dùng nghệ danh khác. Tên Phúc Zelo bắt nguồn từ sở thích màu vàng nhưng vì chữ tiếng Anh hơi khó đọc nên tôi nói lái sang Zelo”.
Phúc Zelo hiện là diễn viên của sân khấu Thế giới trẻ. Ảnh: NVCC. |
- Mọi người cho rằng diễn viên trẻ thi game show được lợi nhiều hơn. Vì sao anh lại thiếu thốn đến mức vay tiền để đi thi?
- Tôi thi game show cũng với mục đích được học hỏi và tìm kiếm cơ hội. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ thi Tiếu lâm tứ trụ là những tiết mục hài đơn giản nhưng không ngờ các giám khảo đòi hỏi tiểu phẩm chiều sâu, học thuật.
Nếu tôi không cố gắng đạt điểm cao thì không có nhiều cơ hội vào vòng trong. Áp lực của mỗi thí sinh là ngoài chiến đấu với ba đội, còn phải cạnh tranh với thành viên cả trong đội để đi sâu vào vòng trong.
Khi dựng tiểu phẩm Chuyện Pattaya, tôi muốn phần thi của mình ấn tượng nên mời thêm vũ công, thuê thêm trang phục. Tôi không ngờ khi tổng kết lại, tiết mục ngốn của tôi gần 20 triệu đồng. Tôi chỉ có khoảng 3-4 triệu trong tài khoản nên số tiền 20 triệu đồng với tôi là quá lớn.
Lúc thi, tôi chỉ mong được giải nhất để có tiền trả nợ, không ngờ đối thủ của tôi – anh Minh Dũng lại quá mạnh (cười).
- Anh bắt đầu cuộc sống ở Sài Gòn thế nào khi không có sự hỗ trợ của gia đình về tiền bạc?
- Tôi may mắn được về sân khấu Thế giới trẻ diễn từ khi còn đang học năm thứ hai của trường sân khấu. Mới đầu, tôi chỉ diễn vai phụ, chạy qua la làng một chút rồi vô. Sau đó, tôi được anh Ngọc Hùng – quản lý sân khấu cho “đúp” vai thứ chính. Mỗi tháng ở sân khấu tôi nhận được lương 5-6 triệu đồng và quan trọng hơn là tôi học hỏi được cách diễn, đọc thoại từ các anh chị lớn. Mùa kịch Tết năm nay, tôi đã được giao vai chính ở sân khấu.
Ngoài ra, để kiếm thêm thu nhập, tôi phải chạy game show, đi quay phim, diễn hỗ trợ mọi người thi chương trình. Trước đây, tôi còn xin vô vũ đoàn học múa và diễn ở các nhà hàng tiệc cưới với cát- xê 80.000 đồng, múa minh họa cho ca sĩ, sân khấu...
Tôi cũng chinh chiến thời gian dài với nghề diễn viên quần chúng. Tôi thường nói vui mình là người nổi tiếng trong showbiz quần chúng.
Phúc Zelo từng nhận giải nhất chương trình Làng hài mở hội. Ảnh: NVCC. |
- Cuộc sống hiện nay của anh thay đổi thế nào so với trước?
- Đúng là tôi sống đỡ khổ hơn thời làm diễn viên quần chúng với cát-xê 80.000 đồng. Tôi vẫn nhớ lần đầu đi đóng phim, chờ từ 6h sáng đến 23h mới được quay trong 5 phút, nhìn thấy được cái lưng. Thời gian đó, có ngày tôi chỉ có 2.000 đồng trong túi, phải ăn mì tôm chống đói. Hiện, tôi nhận được nhiều lời mời đóng phim hơn, sống đỡ hơn xưa nhưng nói dư dả thì chưa.
Tôi khó khăn vì tôi vẫn đang vừa học vừa làm. Tôi đang học thêm khoa đạo diễn nên khá tốn kém. Nếu lâu lâu, tôi dành dụm được 3-4 triệu đồng thì phải đóng tiền học và thi hết kỳ gần 8 triệu đồng. Mỗi năm tiền học phải tiêu tốn tới 15 triệu đồng. Như vậy làm sao tôi có thể dư dả được?
May mắn, tôi có chị gái và dì ở Sài Gòn nên khi thiếu hụt, tôi có chỗ để vay mượn.
- Ra khỏi nhà từ lúc 15 tuổi vì thương ba mẹ khó khăn, đến nay gia cảnh nhà anh thế nào?
- Cha tôi trước chạy ghe chở vật liệu xây dựng. Nghề này chỉ mùa nắng mới có việc chứ mùa mưa hầu như nghỉ ở nhà. Thời gian đó cả nhà không có gì ăn thì phải đi bắt cá, giăng lưới sống qua ngày. Thấy gia đình cực quá, muốn ba mẹ bớt một miệng ăn nên tôi xin ra khỏi nhà.
Hiện cha tôi lớn tuổi không đi chở xe được nữa nên chị em tôi góp vốn để mở bán cơm phần ở nhà. Thỉnh thoảng tôi cũng có gửi được một chút tiền về cho ba mẹ.
Tiết mục khiến Phúc Zelo tốn 20 triệu đồng đầu tư. Ảnh: NVCC. |
- Nghề diễn bấp bênh, cát-xê không dư dả, anh từng có ý định chuyển nghề?
- Có nhiều lúc tôi tự hỏi đến một ngày không diễn được nữa, không ai mời thì sống ra sao. Đó cũng là lý do tôi quyết định học đạo diễn sân khấu. Nếu sau này tôi không còn được diễn thì có thể xin về làm ở công ty nào đó hoặc đài truyền hình ở quê.
Bây giờ, được diễn là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi. Không nổi đình đám nhưng tôi cũng đã chinh phục được một số vai diễn mình thích, thỏa mãn với nhiều ý tưởng cho tiểu phẩm mình tham gia.