Đại tá Li Lian Qing, 83 tuổi, từng là cận vệ của cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Ảnh: China Daily |
7 năm trước, Li Lian Qing, khi đó 76 tuổi, đã khiến các đồng chí của ông bất ngờ bởi quyết định từ bỏ cuộc sống tại thủ đô Bắc Kinh để trở về quê hương, một vùng nông thôn hẻo lánh ở tỉnh Quảng Đông.
Giờ đây, đứng dưới ánh chiều tà, ông già 83 tuổi nhìn về sườn đồi và nở một nụ cười mãn nguyện. Một đàn gia súc đang trở về chuồng.
"Mỗi lần tôi rung chiếc chuông, lũ bò sẽ biết rằng chúng phải về nhà. Đó là lý do tại sao mọi người lại gọi tôi là tổng chỉ huy đàn bò. Gọi bò về là một trong những niềm vui lớn nhất của tôi", Li nói.
Cơ duyên đến với Li sau khi một người phụ nữ ở quê nói rằng nhà từ đường của dòng họ, nơi các gia đình thờ cúng tổ tiên, và căn nhà cũ của ông đã xuống cấp nặng nề. Vì vậy, ông trở về quê hương để xem xét tình hình rồi đem số tiền mà ông dành dụm cả đời để tu sửa nhà tổ, đường xá và nạo vét kênh mương ở quê hương. Sau đó, vào năm 2010, Li mở một nông trang chăn nuôi gia súc.
"Nhiều người, bao gồm những đồng đội của tôi, không thể hiểu rằng tại sao tôi lại thích sống trong một trang trại bò hôi thối hơn là tận hưởng chính sách chăm sóc đặc biệt của chính phủ. Tôi nói với bọn họ rằng con người sẽ chẳng thể làm được gì nếu họ chỉ biết quan tâm tới bản thân", Li tâm sự.
"Vì nhân dân phục vụ"
Theo China Daily, trên bức tường trong phòng khách của trang trại, ngoài bức chân dung của Mao Trạch Đông, ông lão 83 tuổi treo xung quanh nhiều bức ảnh của ông với cố chủ tịch Mao và nguyên soái Diệp Kiếm Anh.
Ngay cổng vào của nông trang, Li treo một tấm bảng lớn mang dòng chữ "Vì nhân dân phục vụ" - câu nói nổi tiếng của cố Chủ tịch Mao lúc sinh thời - bên cạnh lá quốc kỳ.
"Con người ta nên cống hiến hết mình khi còn sống. Dù trong hoàn cảnh nào cũng nên vì nhân dân phục vụ. Đó là những điều mà tôi học từ Chủ tịch Mao. Tôi làm những việc này không phải vì mong sẽ nổi tiếng, mà chỉ vì tôi nghĩ rằng đó là điều mà tôi nên làm cho Đảng, cho đất nước và cho nhân dân", Li nói.
Theo He Bing Quan, cháu họ của Li, trang trại có diện tích khoảng 20 ha. Nó là nhà của 300 chú bò và đem lại cho địa phương một khoản thu nhập 300.000 nhân dân tệ mỗi năm thông qua việc mướn công nhân, mua thức ăn cho gia súc và thuê đất.
"Nhờ trang trại mà đất đai ở làng không bị bỏ hoang. Thật đáng khâm phục khi một người lính già mang quân hàm cao lại trở về một vùng quê miền đồi núi hẻo lánh ở tuổi này", He bình luận.
Năm 1951, Li Lian Qing nhập ngũ. Sau 6 năm, ông trở thành một thành viên trong biệt đội an ninh bảo vệ chủ tịch Mao Trạch Đông. Lúc đó, Li mới chỉ là một chàng thanh niên 25 tuổi. Sau khi Mao qua đời, Li giữ chức vụ đội trưởng và tiếp tục phục vụ trong đội cận vệ của Nguyên soái Diệp Kiếm Anh.
Sau khi về hưu, nhà nước cấp cho Li một căn hộ có diện tích hơn 200 m2 tại thủ đô Bắc Kinh. Nơi đó hoàn toàn trái ngược với căn phòng 10 m2 đơn giản mà người lính già đang ở tại trang trại.
Suốt hai năm đầu tiên, hai ông cháu phải chia nhau một cái giường gỗ. Cảnh tượng ấy đã khiến con gái của Li khóc khi đến trang trại. Thậm chí vợ của Li còn kêu ca rằng cơ thể ông "sặc mùi phân bò" mỗi lần ông về thăm gia đình tại Bắc Kinh.
Cuộc sống lành mạnh
Tuy đã nghỉ hưu song những thói quen quân ngũ vẫn hiện hữu trong cuộc sống hiện tại của người lính già. Mỗi ngày, tổng chỉ huy của đàn bò thức dậy vào lúc 5h sáng, hít đất 100 cái và tập võ10 phút trước khi vào bếp làm bữa sáng cho các công nhân. Sau đó, ông thưởng thức chương trình Con người và Thiên Nhiên.
He Zhi Ming, một công nhân làm việc tại trang trại, cho biết: "Li luôn đề cao kỷ luật và tinh thần trách nhiệm. Ông ấy sẽ mắng chúng tôi nếu chúng tôi không sắp xếp dụng cụ và thức ăn dành cho gia súc đúng chỗ. Nhưng ông ấy không bao giờ để bụng lâu".
Ông lão 83 tuổi cho hay: "Việc nhà nông giúp giáo dục con người, bao gồm cả tôi".
Li tâm sự, khi còn nhỏ, ông thường giúp bố cắt cỏ, chăn bò, nhưng việc quản lý một trang trại lớn và hiện đại là một thách thức khó khăn.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng người đời sẽ nói gì sau khi tôi chết. Nhưng tôi tin chắc ai đó sẽ gánh vác công việc mà tôi đang làm", Li nói.