Một phụ nữ cao tuổi bế đứa cháu suy dinh dưỡng trong một trạm xá dã chiến do tổ chức Bác sĩ không biên giới thành lập trong đầm lầy Sudd. Ảnh: The New York Times. |
Đầm lầy Sudd ở Nam Sudan lớn đến nỗi con người có thể thấy nó từ vũ trụ. Trong mùa mưa, nó trải dài trên một khu vực có diện tích tương đương nước Pháp. Rừng sậy rậm rạp và những con cá sấu từng khiến những nhà thám hiểm quả cảm muốn nghiên cứu nguồn nước của sông Nile.
Vào ban đêm, vô số đàn muỗi hung dữ săn lùng động vật để hút máu. Ruồi xêxê (loại côn trùng gây chứng ngủ thiếp cho những động vật mà chúng đốt), nhiều loại rắn độc cũng tung hoành ở đây, chưa kể tới độ ẩm cao tới mức khó thở, The New York Times mô tả.
Mặc dù vậy, Sudd vẫn trở thành nơi hàng nghìn người dân ẩn náu. Họ là những dân thường lẩn trốn cuộc nội chiến ở Nam Sudan.
Geng Keah Deng, 50 tuổi, trúng đạn và chảy máu khi ông rời làng gần thành phố Leer hồi hè để chạy vào đầm lầy.
“Chúng tôi bơi tới khi không thể bơi và ăn hoa súng để tồn tại”, Deng kể.
Người đàn ông 50 tuổi biết những hiểm họa trong đầm lầy, song ông cũng hiểu rằng ở lại làng là việc bất khả thi.
“Những kẻ tham chiến không chỉ muốn giết những người mang vũ khí, mà còn tàn sát dân thường. Chiến binh bắn người và tìm phụ nữ trẻ”, Deng nói về những chiến binh từng xông vào làng của ông sau khi đoàn tụ với người thân trong đầm lầy.
Khoảng 80.000 người đang ẩn nấu ở đây. Chiến binh của các bên vẫn chưa vào đầm lầy nên người dân có thể bảo toàn tính mạng.
Deng có 5 con gái. Ông chứng kiến cảnh tượng chiến binh bắt một đứa con gái sau khi họ bắn ông. Giờ đây ông không biết số phận của 4 cô còn lại.
“Chúng tôi không biết các con đã bị giết hay phải làm vợ của những người đàn ông khác”, ông thổ lộ.
Những ngôi nhà ở một khu vực xa xôi thuộc đầm lầy Sudd. Ảnh: ASA. |
4 năm đã trôi qua từ khi Nam Sudan giành độc lập từ Sudan để trở thành quốc gia trẻ nhất thế giới. Nhưng từ thời điểm ấy tới nay, nội chiến đã xé nát đất nước.
Sự tranh giành quyền lực giữa Tổng thống Salva Kiir và Phó tổng thống Riek Machar nhanh chóng trở thành cuộc nội chiến, khiến những nhóm sắc tộc lớn nhất đất nước tàn sát lẫn nhau. Nội chiến ở Nam Sudan có thể trở thành một trong những xung đột thảm khốc nhất trên hành tinh, với 4,4 triệu người đối mặt với nguy cơ đói và 2,2 triệu người phải bỏ nhà để tránh bạo lực.
Liên minh châu Phi đã thành lập một ủy ban để điều tra cuộc nội chiến ở Nam Sudan. Một báo cáo mà ủy ban công bố tháng trước cung cấp những bằng chứng cho thấy, mọi bên tham gia nội chiến đều phạm tội ác diệt chủng. Ủy ban trì hoãn việc công bố báo cáo trong nhiều tháng do lo ngại nó có thể thổi bùng căng thẳng và cản trở những nỗ lực đàm phán để ký kết thỏa thuận hòa bình.
Mặc dù xung đột không phải là hiện tượng mới mẻ ở Nam Sudan, phần lớn người dân mà thành viên của ủy ban điều tra gặp đều kể rằng quy mô và mức độ man rợ của những hành động diệt chủng mà họ chứng kiến trong cuộc nội chiến đã đạt mức cao nhất.
Các nhà điều tra cũng tìm thấy những bằng chứng cho thấy chiến đẩy trẻ em ra tiền tuyến và hãm hiếp phụ nữ là hành vi khá phổ biến trong nội chiến ở Nam Sudan. Mức độ tàn bạo của những vụ thảm sát khiến việc hàn gắn bất đồng giữa các phe phái trở thành mục tiêu cực kỳ khó khăn.
“Tôi từng chứng kiến cảnh chiến binh ép người dân ăn thịt đồng loại. Bọn chúng giết một người trong nhóm, rồi bắt những người còn lại ăn thịt người chết”, một người trong trại tị nạn của Liên Hợp Quốc kể.