Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc sống cơ cực của trẻ em Việt trong các nông trại cần sa

Bọn buôn người ép Van, một thiếu niên Việt Nam 15 tuổi, làm trong các nông trại cần sa ở Anh và chúng thường xuyên đánh đập em.

BBC dẫn lời cảnh sát Anh cho biết, người Việt Nam chiếm 1/5 trong trong số 113 nạn nhân của bọn buôn người mà họ phát hiện.

Van (tên nạn nhân đã được thay đổi) là một trong số các nạn nhân người Việt. Bọn buôn người đưa em sang Anh bằng xe tải. Chúng bắt em làm việc trong một số nông trang cần sa ở Anh. Các nông trang này thường nằm trong nhà dân để chính quyền không thể phát hiện. Do bị nhốt nên những người như Van sẽ không thể trốn thoát. Theo cảnh sát Anh, số lượng nông trang cần sa mà họ phát hiện tăng vọt trong vài năm gần đây. Vào năm 2004, họ phát hiện 2.000 trang trại, song đến năm 2011, con số này là vọt lên 16.000.

Nhiều trẻ em Việt Nam đang bị ép làm việc trong các nông trại cần cần sa ở Anh. Ảnh minh họa.

Van kể, tại một trong số những nông trang cần sa mà cậu đã làm việc, cậu thường bị đánh đập. Đầu năm 2012, cậu bỏ trốn, tìm đến đồn cảnh sát và họ giam cậu vì trồng cần sa.

Nhiều tổ chức từng cho rằng hệ thống luật pháp hỗ trợ nạn nhân của nạn buôn người ở Anh chưa phù hợp. Parosha Chandran, một luật sư nhân quyền ở Anh, cho rằng, các nạn nhân cần được bảo vệ khỏi những kẻ buôn người. Mới đây, bà Parosha cũng tranh luận tại tòa để bảo vệ một cậu bé Việt Nam khi cơ quan công tố khởi tố cậu vì trồng cần sa.

Chính quyền không truy tố Van. Họ chuyển em đến một trung tâm bảo trợ. Van nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Tuy nhiên, khoảng một tuần sau, cậu đột nhiên không tới lớp học tiếng Anh và biến mất.

Nhà chức trách tin rằng chính kẻ “dìu dắt” Van đến Anh đã bắt em đi khỏi trung tâm bảo trợ. Van mất tích hơn một năm qua. Cảnh sát cho hay, hơn một nửa số nạn nhân trẻ em của tệ buôn người ở Anh mà chính quyền địa phương bảo trợ biến mất một cách khó hiểu.

Cảnh sát Anh phát hiện ra nhiều trường hợp, các nông trang cần sa không đóng cửa. Bọn chúng biết nạn nhân không dám trốn vì sợ bọn buôn người ra tay với các em và gia đình ở Việt Nam.

Philip Ishola, người đứng đầu Tổ chức chống buôn người Counter Human Trafficking Bureau ở Anh, biết một trường hợp gia đình nạn nhân bị trả thù. Ông cho hay, bọn buôn người đưa một bé gái Việt Nam sang Anh và sau đó chính phủ Anh đã bảo vệ cô bé. Sau đó, đúng như nỗi sợ của em, bọn buôn người thiêu rụi nông trang của gia đình em ở quê hương.

Tại Anh, nhiều tổ chức từ thiện cùng với các phòng ban của chính phủ cùng hợp tác để nâng cao mức độ cảnh giác của người dân. Nhà chức trách Anh khuyến cáo người dân nên hợp tác để tìm ra dấu vết của những kẻ buôn người ẩn nấp trong xã hội.

“Trùm buôn người sang Anh chủ yếu là người Việt Nam”

Klara Skrivankova, thuộc tổ chức Anti-Slavery International, nói về mánh khóe của bọn buôn người. Theo bà, phần lớn kẻ buôn người Việt Nam chính là người Việt, còn một bộ phận là người Trung Quốc hoặc Anh. Bà Klara nói: 

“Những kẻ buôn người Việt Nam thường nhắm vào các đối tượng người Việt. Giữa nạn nhân và con buôn thường có mối quan hệ về quốc tịch”, bà nói.

Chloe Setter, một thành viên của tổ chức từ thiện Ecpat UK, cung cấp thêm thông tin về chiêu mà các con buôn dụ nạn nhân và gia đình họ. Theo bà, dân buôn người thường hứa cho các nạn nhân trẻ em học tập và làm việc ở châu Âu. Một số gia đình bán đất để cho con họ tới Anh. Khi bọn trẻ đến Anh, các em phải làm việc để trả 15.000 bảng Anh tiền nhập cư. Bọn buôn người dọa bọn trẻ rằng nếu các em bỏ trốn, chúng sẽ hại các em hoặc gia đình. Các em thường lo sợ vì bọn buôn người biết gia đình các em.

Trung tá Allan Gibson thuộc lực lượng cảnh sát đô thị tiết lộ, hơn nửa số nông trang cần sa mà cảnh sát London tìm thấy trong thành phố nằm dưới sự quản lý của bọn buôn người Việt. Allan mô tả mánh khóe của bọn bất lương như sau: Bọn chúng thường gặp chủ đất, thuê và trả trước 6 tháng. Chúng thường trồng cần sa trong các phòng có trang bị đèn và hệ thống tưới tiêu.

Liam Vernon, người đứng đầu tổ chức chống buôn người Human Trafficking Centre ở Anh, nhận định, nạn buôn người diễn ra rất phức tạp. Ông cho rằng, không tổ chức nào có thể giải quyết triệt để tệ nạn này nếu chỉ hành động đơn phương. Chính phủ Việt Nam và Anh, các cơ quan ban ngành cần phối hợp với nhau để trấn áp chúng. Con đường phía trước còn dài.

Đỗ Quyên

Bạn có thể quan tâm