Long đong vì luật di trú hà khắc
Chính quyền Đài Loan cho biết, khoảng 41.000 người ngoại quốc, chủ yếu từ Đông Nam Á, đang cư trú bất hợp pháp ở Đài Loan. Mẹ của 1/10 trẻ em tiểu học là người nước ngoài. Theo luật pháp của hòn đảo, những người kết hôn với công dân Đài Loan chỉ được nhập quốc tịnh sau khi sinh sống trên đảo 4 năm. Trong thời gian ấy, nếu người chồng bản xứ chết hoặc ly dị, những người vợ ngoại quốc sẽ phải về nước, The Diplomat đưa tin.
Những bà mẹ nhập cư bất hợp pháp ở Đài Loan. Ảnh: The Diplomat |
Nguyễn Văn Hùng, linh mục người Việt Nam đang sống tại một thành phố vệ tinh của Đài Bắc, cho biết, luật di trú hà khắc của Đài Loan tạo ra một ngôi làng của những bà mẹ nhập cư bất hợp pháp trên dãy núi ở giữa lòng hòn đảo. Trong khi đó, đàn ông Đài Loan rất sợ những người vợ ngoại quốc rời bỏ họ nên dù làm dâu xứ người trên 4 năm hay lâu hơn nữa, rất nhiều phụ nữ vẫn chưa thể nhập quốc tịch.
Ông Hùng khẳng định nhiều phụ nữ lấy chồng Đài Loan bị bóc lột sức lao động nghiêm trọng. Do không biết ngôn ngữ địa phương nên phần lớn họ không thể kêu cứu sự giúp đỡ của pháp luật. Những người bỏ trốn thường xuyên phải sống trong nỗi sợ hãi vì cảnh sát có thể bắt hoặc trục xuất họ bất kỳ lúc nào. Căng thẳng kéo dài khiến nhiều người phải tìm tới sự giúp đỡ của các bác sĩ tâm thần.
Sống vạ vật nơi xứ người
Một trong những nhân vật điển hình trong câu chuyện của Diplomat là Nguyễn Thị Đào, bà mẹ trẻ người Việt Nam. Cô xuất khẩu lao động sang Đài Loan năm 2005 với khoản chi phí môi giới 6.000 USD, tương đương 130 triệu VNĐ. Người ta đưa Đào sang xứ người và cho cô làm việc trong một viện dưỡng lão với thu nhập 8.000 Đài tệ, tương đương 265 USD/tháng.
Khoản thu nhập quá thấp nên Đào không thể trả khoản nợ
6.000 USD mà gia đình vay mượn để đưa cô sang nước ngoài. Cô gái trẻ quyết định trốn ra ngoài để tìm việc làm thêm. Hành động của cô vi phạm luật pháp Đài Loan và cô phải về nước nếu cảnh sát phát hiện. Vì vậy, những người như Đào phải sống
cuộc sống chui lủi.
Tình cờ gặp một người đàn ông có con trong khi long đong tìm việc, Đào đem lòng yêu người đàn ông bản địa. Cô mang thai và sinh một bé trai khi hai người chưa kết hôn. Tuy nhiên, người đàn ông Đài Loan qua đời vì căn bệnh ung thư phổi hai tháng sau khi Đào sinh con nên chính quyền Đài Loan không công nhận đứa trẻ.
Ngoài trường hợp của Đào, hồi đầu năm 2014, giới truyền thông Đài Loan đồng loạt đưa tin về câu chuyện kỳ lạ của một phụ nữ Việt Nam, người sống hơn một năm trong nghĩa địa cùng con gái 5 tuổi. Bạn trai nghèo khổ và bệnh tật của người phụ nữ muốn họ ở lại Đài Loan nhưng kết quả xét nghiệm DNA cho thấy đứa trẻ không phải con anh ta nên cả hai mẹ con phải về nước trong tháng 5 vừa qua.
The Diplomat còn nhắc tới hoàn cảnh của Shao Lee, một phụ nữ người Campuchia. Lee ly hôn người chồng Đài Loan nhưng quyết định ở lại xứ người để được gần con. Sau khi ly dị, tòa án trao quyền nuôi các con cho người chồng tàn tật cùng gia đình anh ta vì Lee không đủ điều kiện để chăm sóc hai đứa trẻ. Để gặp con, Lee thường lén lút tới nơi ở của nhà chồng. Những lần đoàn tụ thường rất chóng vánh và bí mật bởi nếu gia đình chồng phát hiện, họ sẽ tìm cách trục xuất cô nhằm cắt đứt hoàn toàn quan hệ với những đứa trẻ.
Phần lớn những người phụ nữ nước ngoài không được luật pháp Đài Loan bảo vệ. Họ phải chấp nhận sống cuộc sống chui lủi nơi xứ người vì miếng cơm manh áo hoặc vì tình mẫu tử thiêng liêng. Phần lớn những trường hợp này sống mà không biết tương lai của họ sẽ thế nào.